11:50 31/07/2022

Xu thế dòng tiền: Rung lắc đi lên, nhóm nào dẫn sóng?

Nguyễn Hoàng

Thị trường đã vượt qua trở ngại từ đợt tăng lãi suất tháng 7 của FED và các số liệu lợi nhuận quý 2 dồn dập được công bố là động lực để VN-Index có tuần tăng trưởng thứ 3 liên tiếp.

VN-Index đã có tuần tăng thứ 3 liên tiếp sau khi chạm đáy.
VN-Index đã có tuần tăng thứ 3 liên tiếp sau khi chạm đáy.

Thị trường đã vượt qua trở ngại từ đợt tăng lãi suất tháng 7 của FED và các số liệu lợi nhuận quý 2 dồn dập được công bố là động lực để VN-Index có tuần tăng trưởng thứ 3 liên tiếp.

Các chuyên gia đều đánh giá thị trường đang bước vào nhịp phục hồi ngắn hạn và đích đến của chỉ số có thể trong khoảng 1.300 điểm. Tuy nhiên thị trường vẫn sẽ các phiên rung lắc trên đường tăng. Các chuyên gia cho rằng nên tích lũy cổ phiếu ở những nhịp điều chỉnh và bản thân cũng đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Mặc dù xu hướng chính là thị trường phục hồi tăng, các chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu kỹ càng để có thể gia tăng lợi nhuận tốt hơn. Nhóm cổ phiếu tài chính như chứng khoán, ngân hàng được quan tâm và đánh giá có khả năng dẫn sóng. Về dài hạn, các doanh nghiệp sẽ có sự phân hóa lợi nhuận và đặc biệt là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận các quý tiếp theo sẽ rất khác nhau.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Sự kiên định trong nhận định của anh chị những tuần qua đã được chứng minh, thị trường tăng mạnh sau khi vượt qua sự kiện FED tăng lãi suất, thanh khoản cũng khá mạnh. Theo anh chị nhịp tăng này sẽ tới mức nào?

 
Xu thế dòng tiền: Rung lắc đi lên, nhóm nào dẫn sóng? - Ảnh 1

Theo tôi thấy dòng tiền vào lại thị trường thì dòng chứng khoán sẽ là dòng được kích hoạt và đem lợi nhuận tốt.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Nếu thị trường tiếp tục duy trì thanh khoản tốt như các phiên cuối tuần thì theo tôi VN-Index sẽ lên được 1.300 +/- 20 điểm. Nếu dòng tiền yếu hơn thì có thể thị trường dừng ở mức quanh 1.250 điểm. Nhà đầu tư cần chú ý giai đoạn tới thị trường khả năng cao sẽ đi lên từ từ và trong quá trình đi lên sẽ có 1-2 nhịp giũ vài phiên.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi, thị trường có thể đã “chai lì” ngắn hạn với sự kiện lặp đi lặp lại của FED, nhưng về dài hạn hệ quả từ xu hướng tăng lãi suất từ FED vẫn còn tác động tiêu cực và kéo dài đối với nền kinh tế, cũng như thị trường chứng khoán. Tôi cho rằng thị trường chứng khoán vẫn đang trong một xu hướng giảm dài hạn. Tâm lý chai lì với sự kiện lặp lại từ FED có thể chỉ giúp thị trường tạm thời ổn định trong ngắn hạn.

Hiện tại, thị trường có thể chỉ hồi phục theo chỉ báo Fibonacci thoái lui, khi Fib thoái lui từ vùng 1.530 về 1.140 thì mức hồi phục thường ở ngưỡng Fib 38.2%, tương đương mức 1.290 – 1.300 điểm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu về điểm số như vậy, thì thị trường cũng sẽ phải trải qua nhiều nhịp điều chỉnh rũ bỏ mạnh.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi cho rằng trước mắt VN-Index vẫn cứ tăng và “test” khu vực 1.220 trước. Tôi cũng đang nghĩ mốc điểm xa hơn đó là 1.230 – 1.260 – 1.280 – 1.300 điểm.

Ông Trần Hà Xuân VũTrưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Trước mắt theo tôi VN-Index được đánh giá có xu hướng tích cực với nhịp tăng vượt mức 1.200 và tiệm cận mức 1.220 trước khi lùi về vùng 1.206. Qua tuần nhiều khả năng VN-Index sẽ test lại vùng 1.200 và xác định xu thế hồi phục ngắn hạn.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Mặc dù VN-Index đang đi vào xu hướng tăng nhưng thị trường vẫn thể hiện rất rõ trạng thái phân hóa trong giá cổ phiếu. Điều đó có nghĩa là không phải cổ phiếu nào cũng sẽ tăng và biên lợi nhuận triển vọng lại càng khác nhau. Anh chị đánh giá nhóm cổ phiếu nào sẽ dẫn sóng nhịp này?

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Nhóm cổ phiếu dẫn sóng cần thể hiện được các số liệu tăng trưởng tốt trong báo cáo lợi nhuận quý 2 và cần thêm những động lực tạo kỳ vọng cho đà tăng trưởng được duy trì trong nửa sau 2022.

Trong đó, có một số ngành tôi đánh giá tiềm năng, có thể kể đến như ngân hàng (thông tin được nới room so với mức hiện tại, các chỉ tăng trưởng tiêu lợi nhuận, chất lượng tài sản đều đang có dấu hiệu cải thiện, hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế); ngành bất động sản khu công nghiệp (số liệu thu hút FDI 6 tháng đầu năm vẫn đang tích cực và kỳ vọng duy trì trong 6 tháng cuối năm); xây dựng đầu tư công (theo yếu tố chu kỳ, tốc độ đầu tư công thường được đẩy nhanh vào các tháng cuối năm, trong khi giá nguyên vật liệu xây dựng cũng đang giảm mạnh), hay một số ngành khác như công nghệ thông tin, bán lẻ...

 
Xu thế dòng tiền: Rung lắc đi lên, nhóm nào dẫn sóng? - Ảnh 3

Vận động nhóm VN30 được cho là tích cực với chủ đạo là nhóm ngân hàng và tôi cho rằng đây có thể là sẽ trụ đỡ chính dẫn dắt nhịp sóng này.

Ông Trần Hà Xuân Vũ

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi, một đợt hồi phục ngắn hạn trong một xu hướng giảm dài hạn thì trạng thái phân hóa tăng giảm giữa các cổ phiếu sẽ là chủ đạo, còn sự đồng thuận toàn thị trường chỉ có được khi thị trường ở trong một con sóng lớn.

Trong một con sóng hồi ngắn hạn, thị trường sẽ phân hóa và luân phiên tăng giảm giữa các nhóm cổ phiếu bởi dòng tiền sẽ vận hành theo nguyên tắc bình thông nhau, và sẽ không có nhóm cổ phiếu nào thực sự vượt trội để đảm nhiệm vai trò dẫn dắt như trong một con sóng lớn.

Mặc dù vậy, nếu để gọi tên một số nhóm tích cực dựa trên kết quả quý 2 và triển vọng nửa cuối năm. Trong đó, với nền kinh tế mở cửa hoàn toàn và Việt Nam được dự báo có mức tăng trưởng GDP cao, cùng với bối cảnh giá hàng hóa cơ bản sẽ giảm, thì tôi nhận thấy nhóm ngân hàng, xây dựng, nhựa, hàng tiêu dùng thiết yếu... sẽ có lợi thế hơn.

Ông Trần Hà Xuân VũTrưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Vận động nhóm VN30 được cho là tích cực với chủ đạo là nhóm ngân hàng và tôi cho rằng đây có thể là sẽ trụ đỡ chính dẫn dắt nhịp sóng này.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi thấy dòng tiền vào lại thị trường thì dòng chứng khoán sẽ là dòng được kích hoạt và đem lợi nhuận tốt. Ngoài ra nhà đầu tư chú ý đến các cổ phiếu liên quan đến đầu tư công giai đoạn này dòng tiền tham gia khá mạnh và lực cầu mua giá cao khá tốt.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi thấy có lẽ nhóm cổ phiếu chứng khoán, một số cổ phiếu ngân hàng, tiện ích, năng lượng, bất động sản (bao gồm cả bất động sản khu công nghiệp) là nhóm dẫn sóng nhịp này.

 
Xu thế dòng tiền: Rung lắc đi lên, nhóm nào dẫn sóng? - Ảnh 4

Theo tôi, một đợt hồi phục ngắn hạn trong một xu hướng giảm dài hạn thì trạng thái phân hóa tăng giảm giữa các cổ phiếu sẽ là chủ đạo, còn sự đồng thuận toàn thị trường chỉ có được khi thị trường ở trong một con sóng lớn.

Ông Nguyễn Văn Sơn

Nguyễn HoàngVnEconomy

Các doanh nghiệp đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 khá nhiều. Anh chị đánh giá sơ bộ lợi nhuận quý 2 tăng trưởng có ấn tượng hay không? Đâu sẽ là những nhóm doanh nghiệp có khả năng duy trì lợi thế tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục trong quý 3, vì sao?

Ông Trần Hà Xuân VũTrưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Tôi cho rằng tăng trưởng quý 2 vẫn sẽ tốt so với cùng kỳ. Về quý 3, các nhóm doanh nghiệp có khả năng duy trì tiếp tăng trưởng so với quý 2 có thể là khu công nghiệp, ngân hàng, bán lẻ, hàng không. Đặc biệt nhóm bán lẻ, ô tô, vận tải, hàng không sẽ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhờ nền thấp của năm ngoái.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Hiện tại còn nhiều doanh nghiệp chưa ra hết báo cáo tài chính và sau khi ra hết cũng cần có thời gian tổng hợp và đánh giá nên hiện tại tôi chưa có nhận định cụ thể.

Nhóm doanh nghiệp có khả năng duy trì lợi thế tăng trưởng thời gian tới là Lương thực thực phẩm, thủy sản, logistic. Vì hiện tại giá cả hàng hóa trên thị trường đang neo ở mức cao, giá cược vẫn tải vẫn neo ở mức cao từ đó tạo thuận lợi cho lợi nhuận các doanh nghiệp trên duy trì tốt và tăng trưởng.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Nhóm doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận quý 2 ấn tượng gồm Nhóm tài chính ngân hàng tăng 33.7%, dầu khí tăng 228%, Công nghệ thông tin 39.4%, Hàng cá nhân và gia dụng tăng 39.5%, du lịch giải trí tăng mạnh 143,4%, thực phẩm đồ uống tăng 90,9%, hóa chất tăng 78.4%, tiện ích 24.2% và đây cũng nhiều khả năng duy trì mức tăng trưởng cao ở quý 3.

 
Xu thế dòng tiền: Rung lắc đi lên, nhóm nào dẫn sóng? - Ảnh 5

Tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cao sẽ tiếp  tục được duy trì ở nhóm ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin trong quý 3, trong khi các ngành phân đạm, hoá chất, dầu khí sẽ phụ thuộc phần nhiều vào diễn biến giá cả hàng hoá nguyên vật liệu.

Ông Trần Đức Anh

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Hiện tại đã có hơn 200 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh Q2 (theo thống kê từ Fiinpro), với lợi nhuận tăng trưởng 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên nếu loại bỏ trường hợp lợi nhuận sụt giảm đột biến ở VHM (lợi nhuận trước thuế giảm còn 1/10 so với cùng kỳ xuống 1,257 tỷ) do yếu tố thời điểm, lợi nhuận các doanh nghiệp còn lại ghi nhận mức tăng trưởng 37% so với cùng kỳ, là mức tăng được đánh giá là hết sức tích cực.

Các nhóm cổ phiếu ghi nhận tăng trưởng ấn tượng có thể kể đến ngân hàng, phân đạm hoá chất, dầu khí, bán lẻ, công nghệ thông tin... Trong đó, tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cao sẽ tiếp  tục được duy trì ở nhóm ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin trong quý 3, trong khi các ngành phân đạm, hoá chất, dầu khí sẽ phụ thuộc phần nhiều vào diễn biến giá cả hàng hoá nguyên vật liệu.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tổng hợp của PHS, chúng tôi nhận thấy bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 khá trái chiều ở nhiều nhóm ngành. Trong khi các nhóm thiệt hại lớn bởi dịch bệnh đang dần có sự khởi sắc như du lịch, bia rượu và nước giải khát, thì nhóm hàng hóa cơ bản lại có sự sụt giảm mạnh hoặc kết quả quý 2 vẫn tốt nhưng triển vọng lại đi xuống như nhóm thép, chứng khoán, phân bón, hóa chất, thủy sản...

Mặc dù vậy, chúng tôi nhận thấy một số nhóm không chỉ giữ được mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ mà còn có triển vọng duy trì được đà tăng trưởng trong các quý tới. Nhóm ngân hàng là một trong những nhóm như vậy. Mặc dù, tăng trưởng tín dụng có thể khó được ngân hàng nhà nước nới thêm trong nửa cuối năm nay, nhưng với mức tăng trưởng tín dụng chung là 14% trong bối cảnh GDP của Việt Nam có dự báo tăng trường cao, sẽ giúp nhóm ngân hàng duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thanh khoản tăng tốt trong 2 phiên cuối tuần cho thấy dòng tiền đang vào mua mạnh hơn, thể hiện xu hướng gia tăng cổ phiếu. Anh chị đã tăng tỷ trọng hay chưa, mức nắm giữ hiện tại như thế nào?

 
Xu thế dòng tiền: Rung lắc đi lên, nhóm nào dẫn sóng? - Ảnh 6

Tôi thấy có lẽ nhóm cổ phiếu chứng khoán, một số cổ phiếu ngân hàng, tiện ích, năng lượng, bất động sản (bao gồm cả bất động sản khu công nghiệp) là nhóm dẫn sóng nhịp này.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi đã thực hiện ra tăng mua cổ phiếu nhưng cũng thực hiện chút cơ cấu danh mục ở phiên giao dịch cuối tuần nhưng tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt đã tăng nhẹ. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt đang là 70%/30%.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Tôi giao dịch theo nhận định thị trường đang trong một sóng phục hồi ngắn hạn, nên tiếp tục ưu tiên nắm giữ cổ phiếu từ những tuần trước đó. Đồng thời, tận dụng các nhịp điều chỉnh để cơ cấu lại danh mục, và cuối tuần qua tôi đã chốt lời cũng như hạ tỷ trọng về mức cân bằng 50% nhằm chờ đợi cơ hội tham gia gia trở lại ở cổ phiếu mục tiêu trong tuần tới.

Trong trường hợp, thị trường có nhịp rung lắc trong tuần tới. Với vị thế lướt sóng, tôi sẽ cân nhắc gia tăng thêm tỷ trọng.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Tôi duy trì tỷ trọng ở mức trung bình cao.

Ông Trần Hà Xuân VũTrưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Với nhận định thị trường tốt, tôi cũng khuyên các nhà đầu tư có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường quay về “test” vùng kháng cự 1.200. Tỷ trọng cổ phiếu lúc này có thể khoảng 40% - 60% tài khoản.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở vùng đáy và dùng margin, giai đoạn hiên tại chủ yếu tôi dựa và biến động của thị trường và cổ phiếu để lướt trạng thái giảm dần giá vốn. Tỷ trọng nắm giữ hiện tại tôi đã dùng kha khá margin.