07:00 26/04/2023

Xuất khẩu tăng chậm lại trong nửa đầu năm

Ngân Hà

Nhiều dự báo cho thấy tốc độ tăng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023 sẽ chậm lại trước khi bật tăng trở lại vào nửa cuối năm nhờ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU… phục hồi...

Những chính sách thúc đẩy chi tiêu chính phủ, đầu tư công, giảm lãi suất vay vốn cho các nhóm ngành gặp khó khăn sẽ là chìa khóa giúp nền kinh tế vượt qua năm 2023.
Những chính sách thúc đẩy chi tiêu chính phủ, đầu tư công, giảm lãi suất vay vốn cho các nhóm ngành gặp khó khăn sẽ là chìa khóa giúp nền kinh tế vượt qua năm 2023.

Số liệu được Tổng cục Hải quan công bố ngày 19/4 cho thấy tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý 1/2023 là 79,3 tỷ USD, giảm 10,58 tỷ USD (11,8%) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, 34/45 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu giảm, đáng kể có một số nhóm hàng có mức giảm mạnh như nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,87 tỷ USD; dệt may giảm 1,54 tỷ USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,23 tỷ USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 1,21 tỷ USD; giày dép các loại giảm 969 triệu USD; thủy sản giảm 685 triệu USD; sắt thép các loại giảm 572 triệu USD; xơ sợi dệt các loại giảm 506 triệu USD. Tính chung, trị giá xuất khẩu của 8 nhóm hàng này giảm tới 8,58 tỷ USD, bằng 81% mức giảm trị giá xuất khẩu của cả nước.

Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh trong những tháng đầu năm là do nhu cầu bên ngoài suy giảm, đặc biệt là từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cũng nhận định, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo của Việt Nam sẽ chậm lại trong nửa đầu năm do nhu cầu bên ngoài yếu đi. Các nước xuất khẩu lớn khác như Trung Quốc, Mexico và Đài Loan (TQ) cũng đang phải đối mặt với tình trạng giảm đơn hàng mới giống như Việt Nam.

Sự sụt giảm này, theo Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), đã kéo tăng trưởng GDP quý 1/2023 giảm xuống mức 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,9% của quý 4/2023. Sản xuất công nghiệp cũng sụt giảm mạnh khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm còn 47,7 điểm trong tháng 3/2023 và cũng là lần thứ hai trong năm chỉ số giảm xuống dưới mức chuẩn 50 điểm.

“Tín hiệu này cho thấy sự suy yếu ở mảng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và hoạt động kinh doanh mới trong một vài tháng tới đây”, VIS Rating nhận định.

NHỮNG TÁC ĐỘNG BẤT LỢI

Song theo VIS Rating, với quy mô vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 105 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức 16 tỷ đồng của doanh nghiệp Việt Nam, khả năng phục hồi của các doanh nghiệp FDI sẽ tốt hơn.

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp FDI có lợi thế kinh doanh hơn doanh nghiệp trong nước về ứng dụng công nghệ mới, cắt giảm chi phí nhờ quy mô sản xuất lớn, năng suất cao hơn, sự hỗ trợ từ công ty mẹ nước ngoài về mạng lưới quan hệ và thị trường.

Thậm chí, theo VIS Rating, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu vẫn còn yếu trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất ổn vĩ mô và các ngân hàng trung ương đang theo đuổi mục tiêu chống lạm phát, mảng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ còn suy giảm trong cả năm nay.

“Điều này dẫn tới sự sụt giảm về dòng tiền vào và các doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp hoạt động cũng như tối ưu hóa chi phí để duy trì kinh doanh”, VIS Rating nhận định.

Xuất khẩu tăng chậm lại trong nửa đầu năm - Ảnh 1

Ngoài ra, xuất khẩu sụt giảm kéo dài sẽ còn tác động tới dòng tiền và khả năng hoạt động của các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị, ví dụ như doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào và dịch vụ vận tải kho vận.

Đối với hệ thống ngân hàng thương mại, sự sụt giảm trong xuất khẩu cũng sẽ tác động tới hệ thống ngân hàng. Song những rủi ro này là nằm trong tầm kiểm soát do tỷ lệ cho vay trực tiếp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khá nhỏ.

VIS Rating ước tính tỷ lệ dư nợ tín dụng phục vụ xuất khẩu chiếm khoảng 3% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng và chủ yếu là các khoản cho vay ngắn hạn có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, khối doanh nghiệp FDI thì thường dựa vào nguồn tài chính từ công ty mẹ ở nước ngoài. Trong khi tỷ lệ ngân hàng thương mại trực tiếp cho vay đối với người lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu là không đáng kể.

Tuy vậy, VIS Rating nhận định ngoài tác động trực tiếp từ suy giảm xuất khẩu, môi trường kinh tế bên ngoài suy yếu còn gây ra rủi ro tiềm tàng cho Việt Nam trên nhiều khía cạnh, bao gồm cán cân thanh toán, dòng tiền đầu tư tài chính và sự ổn định của đồng Việt Nam, vốn đầu tư FDI giải ngân mới, sự ổn định của thị trường lao động và tiêu dùng nội địa...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2023 phát hành ngày 24-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Xuất khẩu tăng chậm lại trong nửa đầu năm - Ảnh 2