4.000 tỷ đồng giải "cơn khát" vốn tức thời cho Vietnam Airlines
Vietnam Airlines và 3 ngân hàng thương mại, SeABank, MSB, SHB vừa ký kết hợp đồng tín dụng cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, giải "cơn khát" thanh khoản cho hãng hàng không quốc gia...
Ngày 7/7, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là Ngân Hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.
Việc các tổ chức tín dụng đồng ý cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng thể hiện sự chia sẻ và niềm tin rất lớn với quá trình ứng phó, vượt qua khủng hoảng và khả năng phục hồi, phát triển của Vietnam Airlines sau đại dịch.
Ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết về gói hỗ trợ vào cuối năm 2020, Vietnam Airlines đã chủ động làm việc với một số tổ chức tín dụng để tìm kiếm sự chấp thuận cho vay vốn mang tính nguyên tắc từ các ngân hàng, trong bối cảnh tình hình tài chính của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Hãng đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn tiền này để hỗ trợ thanh khoản, thanh toán các khoản phải trả quá hạn, các khoản vay ngắn hạn và trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng. Mọi mục đích và phương án sử dụng cho từng hạng mục công việc đều được báo cáo minh bạch, rõ ràng và chi tiết với các cấp có thẩm quyền trước khi chính thức triển khai.
Giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 để góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Hiện tại, Vietnam Airlines đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý 3/2021.
Bên cạnh gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, trong năm 2020 và 2021, Vietnam Airlines đã triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp tự thân nhằm cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp; thu hẹp sản xuất kinh doanh theo quy mô thị trường; tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng tàu bay; đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn Covid-19...
Những giải pháp này đã mang đến kết quả tích cực khi tiết kiệm được một phần rất lớn chi phí cho Vietnam Airlines.
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp từ đầu năm 2021 đến nay, Vietnam Airlines đang tiếp tục duy trì triển khai các giải pháp trên để ứng phó khó khăn. Hãng đồng thời kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ban, ngành xem xét các phương án hỗ trợ tiếp theo để tiếp sức cho ngành hàng không vượt qua khủng hoảng trong năm 2021 và tạo đà phục hồi trong các năm sau.
Trước đó, dự thảo báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới công bố đã rung lên “hồi chuông” cảnh báo về tình trạng kiệt quệ của hàng không Việt. Trong đó, số lỗ 6 tháng đầu năm của Vietnam Airlines có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng khiến Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn.