14:07 25/12/2023

Ba điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế thành phố Đà Nẵng năm 2023

Ngô Anh Văn

Năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế thành phố Đà Nẵng tăng trưởng nhẹ (2,58%), song vẫn có nhiều điểm sáng, tạo đà bứt phá trong năm 2024 để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2020-2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XII đề ra...

Đám cưới của đôi uyên ương Ấn Độ-một loại hình du lịch mới tại Đà Nẵng đang được nhiều gia đình tỷ phú nước ngoài chọn đến thành phố tổ chức ở các khách sạn 5 sao.
Đám cưới của đôi uyên ương Ấn Độ-một loại hình du lịch mới tại Đà Nẵng đang được nhiều gia đình tỷ phú nước ngoài chọn đến thành phố tổ chức ở các khách sạn 5 sao.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, năm 2023 kinh tế thành phố tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng không cao như mong muốn (tăng 2,58% so với năm 2022) nhưng vẫn có nhiều điểm sáng.

Trong đó, 3 điểm sáng nổi bật trong bức tranh chung nền kinh tế thành phố, đó là quy mô kinh tế tăng gần 10 ngàn tỷ đồng, thu hút đầu tư tăng mạnh; lượng khách du lịch tăng gấp đôi so với năm 2022; công tác chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả và các giải thưởng quan trọng.

KINH TẾ NĂM 2023- NHIỀU ĐIỂM SÁNG

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với việc thành phố phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành; các chương trình an sinh xã hội được duy trì thực hiện tốt với những chính sách đặc thù, riêng có của thành phố; đời sống nhân dân được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang thu hút nhiều nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm linh kiện công nghệ tiên tiến. Ảnh Ngô Anh Văn
Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang thu hút nhiều nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm linh kiện công nghệ tiên tiến. Ảnh Ngô Anh Văn

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đã tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy các động lực mới và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như du lịch, thu hút đầu tư FDI và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, vi mạch bán dẫn.

Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng, cơ cấu nội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp kỹ thuật - công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như: điện tử, thiết bị điện, cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, sản xuất, lắp ráp ôtô, phương tiện vận tải… Các khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Khu Công nghệ thông tin tập trung được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là động lực mới có tính quyết định đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cùng với sự đổi mới sáng tạo, phát triển ứng dụng và thương mại hóa công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao phục vụ mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện Đà Nẵng đang tiếp tục đẩy nhanh triển khai các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp nhằm tăng quỹ đất thu hút đầu tư, góp phần thực hiện định hướng phát triển công nghiệp và cơ cấu lại nền kinh tế thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả, kinh tế thành phố năm 2023 tiếp tục duy trì và tăng nhẹ trên nền tăng trưởng bứt phá của năm 2022 (13,2%). Cụ thể, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước tăng 2,58% so với năm 2022. Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 4,1%...; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 12,3%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 3,77%; Đặc biệt, GRDP bình quân đầu người đạt 4.435 USD (quy đổi khoảng hơn 107 triệu đồng/người/năm).

Ông Hồ Kỳ Minh nhìn nhận: điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh kinh tế của thành phố là hoạt động du lịch phát triển mạnh, các sự kiện, sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn liên tục được tổ chức, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng. Đặc biệt, thành phố đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế như: Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nằng 2023; Lễ hội Tận hưởng Đà Nằng 2023, Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng và Giải Golf Phát triển châu Á - BRG Open Golf Championship Danang 2023; Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng Manulife 2023…

Bãi đá rêu Nam Ô trên địa bàn quận Liên Chiểu-một trong những điểm đến của đông đảo khách du lịch
Bãi đá rêu Nam Ô trên địa bàn quận Liên Chiểu-một trong những điểm đến của đông đảo khách du lịch

Cùng với các hoạt động mang tầm quốc tế, Đà Nẵng cũng đã tổ chức các chương trình độc đáo riêng có như Cầu Rồng phun lửa, phun nước 3 tối/tuần; các chương trình lễ hội sôi động tại Sun World Bà Nà Hills, khu phức hợp Mikazuki, bãi biển đêm Mỹ An, du ngoạn sông Hàn về đêm... đã tạo ra các sản phẩm vui chơi giải trí đặc sắc về đêm, góp phần tăng trải nghiệm cho du khách… Nhờ đó, năm 2023, khách du lịch đến Đà Nẵng do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 7,4 triệu lượt, tăng 2 lần so với năm 2022; trong đó khách quốc tế ước đạt 1,98 triệu lượt, tăng gấp 4,2 lần; khách nội địa ước đạt hơn 5,41 triệu lượt, tăng gấp 1,7 lần; doanh thu ăn uống, dịch vụ lưu trú, lữ hành ước đạt gần 28 ngàn tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2022. Kéo theo đó là các hoạt động mua bán hàng hóa cũng sôi động hẳn lên, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 68.614 tỷ đông, tăng 6,2% so với năm 2022.

Thực hiện chủ đề năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tể và đảm bảo an sinh xã hội” với 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp làm cơ sở thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư, Đà Nẵng được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy. Kết quả, năm 2023, đã có 110 lượt nhà đầu tư và doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm đầu tư trong và ngoài Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp; cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ kết nối (B2B) giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và thực phẩm.

Cùng với đó, thành phố đã đón 372 đoàn khách quốc tế với 3.106 lượt người từ các nước UAE, Qatar, Nhật Bản, Anh, Thụy Sĩ, Đức, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Indonesia… đến tìm kiếm thị trường, hợp tác đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, tính đến ngày 15/11/2023, thành phố đã cấp mới và điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 46.698 tỷ đồng (năm 2022 là 11.722 tỷ đồng); Thu hút 181,006 triệu USD vốn đầu tư FDI (năm 2022 là 133,4 triệu USD), với 96 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký đạt 149,931 triệu USD, tăng 113% về số dự án và 115% về vốn so với so với cùng kỳ; điều chỉnh tăng/giảm vốn cho 37 lượt dự án, tổng vốn tăng thêm 20,644 triệu USD…

Nét mới trong thu hút đầu tư gắn với cơ cấu lại nền kinh tế thành phố đó là, bước đầu đã hình thành những ngành kinh tế mũi nhọn như: Du lịch, dịch vụ thương mại, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

NỀN TẢNG BỨT PHÁ PHÁT TRIỂN

Điểm sáng mang tính nền tảng phát triển kinh tế bền vững của Đà Nẵng là lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đã từng bước khẳng định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. Cụ thể, tổng doanh thu ngành thông tin và truyền thông tăng đều giai đoạn 2021-2023 và đạt 48.155 tỷ đồng, tăng bình quân 6,4%/năm, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 376,5 triệu USD, tăng 16,3%/năm…

Trong năm 2023, thành phố đã hoàn thành đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành đa nhiệm (IOC, giai đoạn 1); chuẩn bị đưa vào vận hành Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1); triển khai nhiều giải pháp phát triển nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa thành phố Đà Nẵng và Công ty Synopsys trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn….

Đặc biệt, Đà Nẵng đạt được nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế về Thành phố thông minh, chuyển đổi số như: Cổng dịch vụ công thành phố được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xếp loại A; Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số ICT Index 2022; lần thứ 4 liên tiếp nhận Giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc và Giải thưởng Thành phố thông minh; đạt giải “Top Công nghệ 4.0 Việt Nam-Hạng mục Top tổ chức/địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số…

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết hiện thành phố đang quyết tâm xây dựng hệ sinh thái kinh tế số phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, ông Quảng cho rằng UBND thành phố cần tập trung xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, công nghệ AI phát triển nhằm tạo nền tảng cho sự bứt phá của thành phố trong thời gian tới.

Năm 2024, Đà Nẵng chọn chủ đề là năm "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội". Triển khai chủ đề này, thành phố đã xây dựng kế hoạch dự kiến năm 2024, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn ước tăng 8-8,5% so với thực hiện 2023; Khu vực dịch vụ tăng trưởng khoảng 8,5 - 9% tập trung vào các ngành như: Du lịch phấn đấu đạt 8,42 triệu lượt, tăng hơn 13% so với năm 2023; doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành phấn đấu đạt hơn 16,6 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2023. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 8 - 9% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5-6%; doanh thu ngành thông tin - truyền thông tăng 8-9%…

Những điểm sáng kinh tế trong năm 2023 là nền tảng cho Đà Nẵng tạo bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra và kế hoạch 5 năm (2021-2025) của Đảng bộ Thành phố khóa XII. Hiện, thành phố đã và đang xây dựng, đề xuất các cơ chế đặc thù, chính sách manh tính đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng như: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực; xây dựng Đề án thành lập Khu phi thuế quan Đà Nẵng… Cùng với đó, thành phố đang dồn sức tập trung phát triển các lĩnh vực cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics, một trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW- Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.