15:39 22/03/2022

Ba đột phá trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030

Trâm Anh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quyết định số 368 về Chiến lược Tài chính đến năm 2030; trong đó, nhấn mạnh ba trụ cột có tính đột phá...

3 đột phá Chiến lược Tài chính gồm có: nâng cao chất lượng thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nền tảng tài chính số; khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính.
3 đột phá Chiến lược Tài chính gồm có: nâng cao chất lượng thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nền tảng tài chính số; khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính.

Quyết định nêu rõ: chính sách tài chính quốc gia đóng vai trò tiên phong trong việc huy động, giải phóng, định hướng phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước vào các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Chiến lược khẳng định cải cách, nâng cao chất lượng thể chế tài chính theo hướng đồng bộ, minh bạch và hội nhập là điều kiện tiên quyết thúc đẩy nền tài chính quốc gia phát triển lành mạnh.

Việc sử dụng đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền vệ và các chính sách khác trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển nhanh, bền vững.

Đồng thời, coi trọng việc phát triển đồng bộ, hài hòa các loại thị trường, các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp. Phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

BA ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC ĐỂ HƯỚNG TỚI KHOẢN THU BỀN VỮNG

Trên cơ sở đó, Chiến lược Tài chính đề ra mục tiêu tổng quát tập trung vào việc xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

 

"Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực khác", Quyết định số 368 nêu rõ.

Chiến lược cũng xác định các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể đến năm 2030 để làm cơ sở đề ra các định hướng, giải pháp cụ thể, đồng bộ và đột phá cho từng lĩnh vực.

Cụ thể, thứ nhất, đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng.

Theo đó, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân không thấp hơn 16% GDP và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 16 -17% GDP. Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 13 - 14% GDP và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 14 - 15% GDP.

Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước đến năm 2025 khoảng 85 - 86%, đến năm 2030 khoảng 86 - 87%.

So sánh với giai đoạn trước đó, tỷ trọng thu nội địa trong cơ cấu tổng thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 68%, tăng lên 81,6% trong giai đoạn 2016 - 2020.

Thứ hai, quản lý chi ngân sách nhà nước hiệu quả. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững. Ưu tiên chi đầu tư phát triển và đảm bảo nguồn lực cho chi trả nợ, tăng cường nguồn lực ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia, tăng chi đầu tư phát triển con người và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước bình quân khoảng 62 - 63%, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước bình quân khoảng 28%.

Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%. Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tích lũy từ ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển.

Thứ ba, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước. Quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.

Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước để đạt được chỉ tiêu bội chi ngân sách trong Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021 - 2025 bình quân khoảng 3,7% GDP; đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP. Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Thứ tư, phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính và dịch vụ tài chính.

Phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu với thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.

Đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP.

Đến năm 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP, trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP.

Phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt khoảng 3 - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt khoảng 3,3 - 3,5% GDP.

Thứ năm, đẩy nhanh việc đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công lập. Thực hiện tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Giai đoạn 2021 - 2025, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn 2026 - 2030, giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ sáu, đẩy mạnh thực hiện cơ chế quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.

Đến năm 2025, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, đảm bảo kết nối dữ liệu đến các bộ, ngành, địa phương.

Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, thực hiện hiện đại hóa nền tài chính quốc gia.

Đặc biệt, Quyết định số 368 cũng đề ra các 3 đột phá Chiến lược Tài chính.

Một là, đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ và hội nhập. Thực hiện đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phát triển thị trường tài chính hiện đại, minh bạch và bền vững.

Hai là, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số.

Ba là, khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về phục hồi và phát triển kinh tế.

PHỐI HỢP ĐỒNG BỘ THỰC HIỆN 8 CHIẾN LƯỢC NGÀNH

Với 7 nhóm mục tiêu, nhiệm vụ chính và 3 đột phá chiến lược cần thực hiện đến năm 2030, Chiến lược Tài chính xác định 11 nhóm giải pháp.

Chiến lược Tài chính đến năm 2030 sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, tương ứng với Kế hoạch tài chính 5 năm 2021 - 2025 và Kế hoạch tài chính 5 năm 2026 - 2030 và được cụ thể hóa thông qua 8 chiến lược ngành gồm: (i) Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; (ii) Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; (iii) Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030; (iv) Chiến lược nợ công đến năm 2030; (v) Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030; (vi) Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030; (vii) Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030; (viii) Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030.

Để tổ chức, thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030, phê duyệt và chỉ đạo kế hoạch thực hiện các nội dung chiến lược theo từng giai đoạn.

Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, nội dung có liên quan đến Chiến lược tài chính đến năm 2030.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra việc thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 và định kỳ 5 năm tổ chức đánh giá việc thực hiện chiến lược.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung chiến lược trong trường hợp cần thiết.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện chiến lược này.

Đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm chỉ đạo, tham gia thực hiện các nội dung có liên quan của chiến lược này.