16:24 01/03/2022

Ngành tài chính hối hả "phủ sóng" hóa đơn điện tử 57 địa phương

Ánh Tuyết

57 tỉnh, thành phố đang rốt ráo chuẩn bị, tập trung nguồn lực để triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 4...

Sử dụng hóa đơn điện tử mang lại hàng loạt lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cơ quan quản lý.
Sử dụng hóa đơn điện tử mang lại hàng loạt lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cơ quan quản lý.

Bộ Tài chính vừa có thông báo số 1799 gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực truộc trung ương đề nghị phối hợp triển khai hoá đơn điện tử theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư hướng dẫn số 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021. Như vậy, thời gian để thực hiện mục tiêu này chỉ còn đúng 1 tháng. 

NGỔN NGANG "PHỦ SÓNG" HÓA ĐƠN

Bộ Tài chính cho biết, triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 chỉ có 6 tỉnh, thành nhưng chiếm tới 60% số lượng doanh nghiệp, khoảng 70% trên tổng số lượng hóa đơn trên cả nước.

Giai đoạn 2 áp dụng với 57 địa phương còn lại, dù khối lượng chỉ còn khoảng 30% nhưng địa bàn phân bố rộng nên công việc còn rất nhiều và phức tạp.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành quan tâm, phối hợp chỉ đạo hàng loạt công việc trọng tâm tại địa phương để triển khai hóa đơn điện tử theo quy định.

Cụ thể, lãnh đạo 57 tỉnh, thành phố cần nhanh chóng chỉ đạo cục thuế báo cáo thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại địa phương do lãnh đạo tỉnh, thành phố làm trưởng ban và thành viên là đại diện lãnh đạo của cục thuế và các sở, ban, ngành có liên quan.

Ban Chỉ đạo có Tổ thường trực triển khai do Cục trưởng Cục Thuế làm tổ trưởng và thành viên là đại diện lãnh đạo, công chức các chi cục, phòng thuộc cục thuế và đại diện các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan trên địa bàn.

Cục thuế các địa phương chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức truyền thông tại địa phương để tuyên truyền kịp thời lợi ích của việc thực hiện hóa đơn điện tử và những nội dung mới của hóa đơn điện tử theo quy định.

 

"Rà soát, phân loại người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại hoá đơn điện tử theo quy định để thông báo đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh những nội dung từ ngày bắt đầu triển khai thực hiện", Bộ Tài chính nêu rõ.

Cần chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, gửi hóa đơn điện tử cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.

Rà soát và thông báo đến các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử trên địa bàn về việc triển khai hóa đơn điện tử để các tổ chức chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cho khách hàng theo quy định.

Tổ chức tập huấn cho người nộp thuế và cán bộ thuế quy định về hóa đơn điện tử, đảm bảo triển khai thực hiện hóa đơn điện tử có kết quả.

Thành lập Trung tâm điều hành triển khai và công bố đường dây nóng tại Cục Thuế và Chỉ cục Thuế để tiếp nhận và hỗ trợ người nộp thuế triển khai hoá đơn điện tử.

Thường xuyên rà soát, nắm bắt các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và trong thời gian đầu thực hiện hóa đơn điện tử để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh tại địa phương. "Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Uỷ ban nhân dân, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính để tháo gỡ kịp thời", Bộ Tài chính lưu ý.

Lãnh đạo ngành tài chính cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành thông báo, tuyên truyền các doanh nghiệp mới khi cấp đăng ký kinh doanh biết quyền, nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng hóa đơn điện tử kể từ ngày triển khai hóa đơn điện tử tại địa phương.

"Cơ quan Công an cần nắm bắt kịp thời các hình thức gian lận mới nhằm mục đích thu lợi bất chính hoặc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước để có giải pháp ngăn chặn kịp thời", Bộ Tài chính yêu cầu.

Bộ Tài chính khẳng định, việc triển khai áp dụng hoá đơn điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính trong chương trình chuyển đổi quốc gia và chiến lược Chính phủ điện tử. Thực hiện thành công áp dụng hoá đơn điện tử sẽ tạo tiền đề tốt để ngành thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung hoàn thành nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong thời gian tới.

MỘT "MŨI TÊN" TRÚNG NHIỀU ĐÍCH

Việc chuyển đổi thành công từ hoá đơn giấy sang áp dụng hoá đơn điện tử mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội. 

Theo phân tích của Bộ Tài chính, đối với tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ, việc triển khai hoá đơn điện tử sẽ giúp người mua dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử do người bán cung cấp.

Sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy do giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không cần không gian lưu trữ hóa đơn,....

Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy.

Bên cạnh đó, sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ do ngay sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin về hóa đơn người bán gửi cơ quan thuế.

Đối với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, "việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi", Bộ Tài chính chỉ rõ.

Đối với xã hội, góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp.

 

Áp dụng hoá đơn điện tử cũng là giải pháp hữu hiệu góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, chung tay ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.

Việc đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Triển khai hoá đơn điện tử là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác.

Đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế. 

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế từng đánh giá: "Việc truyền nhận dữ liệu hóa đơn điện tử về cơ quan thuế là đặc điểm nổi trội nhất, sẽ tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn phục vụ công tác quản lý thuế, quản lý khác của Nhà nước và tạo thuận lợi cho người nộp, thuế".

Ngoài ra, sử dụng hoá đơn điện tử góp phần thay đổi phương thức quản lý trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến các quy trình nghiệp vụ theo hướng xử lý, kiểm soát dữ liệu tự động giúp cơ quan thuế sử dụng hiệu quả nguồn lực, chi phí.