Ngân sách dự kiến dành 92.600 tỷ đồng từ chương trình phục hồi đầu tư 8 tuyến cao tốc
Trong hơn 103.000 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ dự kiến dành 90% số vốn để đầu tư 8 dự án đường bộ cao tốc...
Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương về việc đôn đốc rà soát, tổng hợp danh mục dự án dự kiến bố trí từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, tổng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phân bổ cho ngành giao thông khoảng 103.164 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 92.600 tỷ đồng, chiếm đến 90% tổng vốn đầu tư vào 8 tuyến đường bộ cao tốc.
Cụ thể, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được bổ sung vốn nhiều nhất với số tiền 72.476 tỷ đồng. Như vậy, dự án trọng điểm này được bổ sung đủ tổng vốn gần 146.990 tỷ đồng để thực hiện thời gian tới.
Tiếp đến, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến được bổ sung 3.500 tỷ đồng, nâng tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho tuyến này trong giai đoạn trung hạn từ 5.740 tỷ đồng lên 9.240 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư dự án là 18.635 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tuyến cao tốc An Hữu (Tiền Giang) - Cao Lãnh (Đồng Tháp) dự kiến được bố trí thêm khoảng 1.204 tỷ đồng, nâng tổng số tiền ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án từ 1.864 tỷ đồng lên khoảng 3.068 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư khoảng 6.054 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề dự kiến được bổ sung khoảng 3.800 tỷ đồng, nâng tổng số tiền ngân sách đầu tư cho dự án từ 14.247 tỷ đồng lên 18.047 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 49.745 tỷ đồng.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến được bổ sung 2.320 tỷ đồng, nâng tổng số tiền ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án từ 5.231 tỷ đồng lên 7.551 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư dự án khoảng 17.435 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng dự kiến bố trí thêm cho cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang 3.584 tỷ đồng, dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu 4.650 tỷ đồng, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng 1.100 tỷ đồng từ chương trình phục hồi kinh tế.
Còn lại 10.530 tỷ đồng dành cho 5 dự án giao thông kết nối tới các cửa ngõ, kết nối liên vùng, khu công nghiệp, cảng biển.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, việc lựa chọn và phân bổ cho các dự án thuộc chương trình phải bảo đảm giải ngân vốn của chương trình trong hai năm 2022 - 2023.
"Ưu tiên cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đang triển khai thực hiện, có khả năng hoàn thành sớm nhưng chưa được bố trí vốn hoặc chưa được bố trí đủ vốn", Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh.
“Trường hợp các bộ, ngành bố trí vốn cho dự án nằm ngoài danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, chỉ bố trí cho dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025”, Bộ Kế hoạch & Đầu tư lưu ý.
Đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội thì ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, các dự án phải bảo đảm đủ thủ tục đầu tư theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hài hòa giữa các vùng, miền, địa phương, lĩnh vực.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị các đơn vị tổng hợp danh mục và phương án phân bổ vốn cho từng dự án trong các năm 2022-2023, chi tiết từng năm, gửi Bộ trước ngày 15/2 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xem xét và quyết định.