Ban hành “cẩm nang” 7 bước giúp doanh nghiệp đưa tổ yến Việt tiến vào thị trường tỷ dân - Trung Quốc
Hiện nay cả nước có 22.087 nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến của Việt Nam hiện đạt trên dưới 120 tấn, giá trị tương đương 450 triệu USD. Nếu khai phá tốt thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển, nâng cao doanh thu, lợi nhuận...
Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị này đã ban hành văn bản hướng dẫn 7 bước để các doanh nghiệp có thể đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc.
Hiện nay, Cục Thú y đang chủ động, tích cực trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu tổ yến; việc xuất khẩu tổ yến của Việt Nam chỉ có thể thực hiện được khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.
Để chuẩn bị kỹ các điều kiện, nội dung và có thể xuất khẩu được tổ yến ngay khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu, Cục Thú y đưa ra quy trình 7 bước dành cho các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.
Theo đó, có 7 bước đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc.
Bước 1: Doanh nghiệp cần đăng ký mã số nhà nuôi chim yến với địa phương nơi có nhà nuôi chim yến theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
Bước 2: Doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc cần gửi văn bản đến Cục Thú y đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc; kèm theo văn bản cần có: Danh sách các nhà nuôi chim yến cung cấp tổ yến nguyên liệu cho doanh nghiệp (bao gồm thông tin: mã số nhà yến, tên, địa chỉ nhà yến, diện tích và sản lượng nhà yến); Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (để làm thủ tục xác nhận tài khoản doanh nghiệp trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp của Tổng cục hải quan Trung Quốc); Các giấy chứng nhận quản lý chất lượng của cơ sở chế biến tổ yến (chứng nhận HACCP, ISO...).
Bước 3: Căn cứ đề nghị của doanh nghiệp, Cục Thú y có công văn hướng dẫn giám sát dịch bệnh tại các nhà nuôi chim yến, giám sát an toàn thực phẩm tại cơ sở chế biến tổ yến xuất khẩu; chỉ đạo các Chi cục Thú y vùng lập kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện giám sát và thông báo cho doanh nghiệp để phối hợp thực hiện và doanh nghiệp chi trả chi phí giám sát.
Bước 4: Sau khi có kết quả giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm đạt yêu cầu, các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu với Tổng cục hải quan Trung Quốc theo quy định tại Lệnh 248 của Tổng cục hải quan Trung Quốc, cụ thể như sau: - Vào hệ thống quản lý đăng ký doanh nghiệp của TCHQ Trung Quốc (Hệ thống CIFER) theo đường link E-government Platform for the Origin of China's Exports (singlewindow.cn) để đăng ký tài khoản.
- Sau khi đăng ký thành công tài khoản trên Hệ thống CIFER, doanh nghiệp cần gửi Công văn đến Cục Thú y đề nghị xác nhận tài khoản. Công văn phải nêu rõ tên tài khoản (User), tên, địa chỉ doanh nghiệp và các thông tin doanh nghiệp đã khai báo trên Hệ thống CIFER. Các thông tin này phải chính xác theo giấy tờ hợp lệ, vì khi tài khoản được tạo thành công, doanh nghiệp không thể sửa đổi các thông tin đã đăng ký.
- Sau khi tài khoản được xác nhận, doanh nghiệp đăng nhập tài khoản và thực hiện khai báo, tải lên các giấy tờ chứng minh tư cách doanh nghiệp như: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, các kết quả giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm... (các giấy tờ cần dịch sang tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh trước khi tải lên Hệ thống CIFER).
Bước 5: Sau khi doanh nghiệp khai báo và tải các giấy tờ theo yêu cầu lên Hệ thống CIFER, Cục Thú y sẽ bổ sung thư xác nhận doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư (đã được giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm) và gửi cho Tổng cục hải quan Trung Quốc xem xét, quyết định.
Bước 6: Kết quả đăng ký doanh nghiệp sẽ được Tổng cục hải quan Trung Quốc thông báo trực tiếp cho doanh nghiệp qua tài khoản doanh nghiệp đăng ký tại Bước 4.
Bước 7: Doanh nghiệp được Tổng cục hải quan Trung Quốc chấp thuận sẽ thực hiện các thủ tục xuất khẩu tổ yến theo quy định về kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm động vật.
Cục Thú y đề nghị các đơn vị, các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu và tổ chức thực hiện theo các quy định của Nghị định thư, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và hướng dẫn nêu trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị liên hệ với Cục Thú y đề được hướng dẫn và giải đáp
Liên quan đến việc nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm yến sào, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2018, yến sào đã là một trong các sản phẩm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán và gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch sang nước này.
Ngày 9/11/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã nhận được Nghị định thư (phía Trung Quốc đã ký) về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm tổ yến và khoai lang của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Hiện nhu cầu nhập khẩu tổ yến của Trung Quốc rất lớn, trong khi tiềm năng xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam rất dồi dào, chất lượng tổ yến Việt Nam đã được khẳng định. Ngành yến của Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay cả nước có 22.087 nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến của Việt Nam hiện đạt trên dưới 120 tấn, giá trị tương đương 450 triệu USD.
Tuy nhiên, để chinh phục thành công thị trường cực kỳ tiềm năng tỷ dân - Trung Quốc, theo các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất yến sào cần nâng cao nhận thức, ý thức để đảm bảo sản phẩm yến sào xuất đi luôn có chất lượng, mẫu mã tốt nhất, đồng thời hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới thương hiệu yến sào Việt Nam.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam còn có nhiều khó khăn do Trung Quốc đã thực hiện kiểm soát Covid -19 quá dài, thì việc đàm phán để mở cửa thị trường yến sào với Trung Quốc là cơ hội quý hơn vàng, các doanh nghiệp cần đoàn kết để tận dụng được thời cơ đưa yến sào chinh phục người dân, khách hàng Trung Quốc.