Báo chí Việt Nam đang độ giao thời - Ảnh 1

Báo chí Việt Nam đang độ giao thời - Ảnh 2

Báo chí-truyền thông Việt Nam trong năm qua không nằm ngoài dòng chảy, xu hướng của báo chí truyền thông thế giới. Đó là sự chuyển mình trong quá trình chuyển đổi số, thay đổi quy trình sản xuất thông tin (trực tiếp–gián tiếp) để thích ứng với tình hình đại dịch Covid-19, linh hoạt trong mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng nguồn thu trước áp lực doanh thu quảng cáo ngày càng giảm sút, cạnh tranh khắc nghiệt với các nền tảng mạng xã hội.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận rằng sự chuyển dịch của báo chí Việt Nam trong vài năm qua chưa theo kịp đà phát triển, thay đổi của báo chí thế giới. Tôi thấy nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam vẫn dè dặt,

E ngại khi bắt tay làm những thứ mới mẻ, hoặc cũng có trường hợp muốn làm nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, chưa có cách hiểu thực sự và đúng đắn về đòi hỏi chuyển đổi.

Ví như nói đến chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí cứ nghĩ đầu tiên phải có tiền, thậm chí nhiều tiền, rồi loay hoay lên những kế hoạch sắm sửa trang thiết bị hoặc phần mềm, khi mà đây chỉ là những phương tiện, công cụ để đạt được mục tiêu chứ không phải mục đích cuối cùng.

Các cơ quan báo chí của Việt Nam cũng khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong năm đầu tiên bị virus Corona hoành hành, nhiều cơ quan báo chí cho biết nguồn thu quảng cáo sụt giảm đáng kể, trung bình 20-30%, cá biệt có những cơ quan giảm tới 60-70%. Khi dịch bệnh được kiểm soát, khả năng hồi phục của thị trường quảng cáo trong nước tuy không mạnh mẽ nhưng gây tác động không quá nặng nề như quốc tế, nên một số cơ quan lại khá ung dung khi thấy rằng vẫn có nguồn thu nào đó từ quảng cáo.

Tôi cho rằng không nên chủ quan, ỉ lại quá nhiều vào những kết quả gọi là khả dĩ trong thời gian vừa qua. Khi đang đạt những kết quả tốt thì phải nghĩ đến những kịch bản xấu, đó mới là cách thức phù hợp dù ở góc độ doanh nghiệp hay báo chí. Vì không thể biết liệu có một đại dịch khác xảy ra hay không, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam có gặp khó khăn trong năm tới hay không, hành vi của người dùng, của nhà quảng cáo hay mặt bằng công nghệ có những thay đổi như thế nào trong tương lai. Chúng tôi đã đưa ra những khuyến cáo cho các cơ quan báo chí, rằng họ phải có chiến lược dài hạn bên cạnh những kế hoạch ngắn hạn giải quyết những khó khăn trong thời gian vừa qua.

Báo chí Việt Nam đang độ giao thời - Ảnh 3

Hai năm qua, chuyển đổi số giống như câu nói cửa miệng và được giới báo chí đề cập rất nhiều. Nhưng chúng tôi đã lưu ý: đừng để câu chuyện chuyển đổi số chỉ như một trào lưu thời thượng, chỉ bùng lên trong thời gian ngắn giống như chúng ta đã đối xử với khái niệm Cách mạng 4.0 thời gian trước.

Trong lĩnh vực báo chí, liệu bao nhiêu tờ báo thử áp dụng Công nghệ 4.0 đã nói từ những năm 2018-2019, hay vẫn là những cách làm báo online đơn giản và nghĩ rằng mình đang thực hiện Cách mạng 4.0? Và giờ là câu chuyện chuyển đổi số. Sau hai năm nói về chuyển đổi số báo chí rất nhiều, nhưng bây giờ đến các hội nghị hội thảo, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí vẫn tâm tư không không biết chuyển đổi số bắt đầu từ đâu.

Tất nhiên, cũng có những cơ quan năng động, chuyển đổi rất nhanh. Không chỉ các cơ quan báo chí lớn mà có những tờ báo quy mô vừa phải, thậm chí nhỏ, đã rất nhanh nhạy nắm bắt, thực hiện chuyển đổi số ở cấp độ khác nhau và tác động rất rõ ràng, từ việc tiết kiệm được chi phí, tiết kiệm nhân lực, nâng cao được hiệu quả thông tin trên nhiều nền tảng số…

Trong khi đó, một số cơ quan báo chí có nguồn lực kể cả vật chất lẫn con người nhưng vẫn rất thong thả, đủng đỉnh, hoặc có quan điểm chờ đợi người khác làm xem sao để từ đó mới rút kinh nghiệm.

Nhưng, như nhiều chuyên gia truyền thông trên thế giới đã khẳng định, chỉ có hai con đường: thứ nhất là bắt tay vào làm ngay, chấp nhận rủi ro nhưng có thể vượt lên dẫn trước;  và thứ hai là chờ các cơ quan báo chí khác hành động rồi bắt chước thì sẽ bị thiệt thòi của kẻ đến sau. Các chuyên gia luôn khuyến cáo đi theo cách đầu tiên – bắt tay vào làm luôn thay vì chờ đợi.

Báo chí Việt Nam đang độ giao thời - Ảnh 4

Nhiều cơ quan báo chí nói rằng rất muốn có một định hướng chỉ đạo từ Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng nhiều lần khẳng định rằng bất kỳ chuyển đổi nào, kể cả chuyển đổi số, phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của tờ báo thì mới hiệu quả. Nếu tự mình thấy nó cần thiết thì mới tìm ra các biện pháp triển khai. Còn bản thân thấy không cần thiết thì dù tác động từ bên ngoài, dù có định hướng, có người dắt tay đi nhưng sự chủ động không có, chuyển đổi sẽ không thành công. Kinh nghiệm cho thấy không có mẫu hình nào chung để áp dụng cho tất cả các cơ quan báo chí mà mỗi cơ quan báo chí sẽ phải đi tìm kiếm mô hình phù hợp cho mình.

Nhu cầu tự thân ở đây được hiểu, nếu không chuyển đổi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có người nói “chuyển đổi số hay là chết”. Bởi vì độc giả đã di chuyển lên nền tảng số trong suốt 20 năm qua, thời gian đầu tương đối chậm chạp nhưng trong vòng 3-5 năm trở lại đây, việc di chuyển lên nền tảng số rất nhanh chóng. Một số tờ báo vẫn đạt được những nguồn thu nhất định trên những nền tảng truyền thống, vẫn có thể sống được nhưng không nghĩ đến một ngày những gì đang có khả năng sẽ bị thu hẹp hoặc mất đi.

Báo chí Việt Nam đang độ giao thời - Ảnh 5

Năm 2012, thế giới chỉ có vài trăm tờ báo thu phí nhưng ở thời điểm hiện tại bức tranh hoàn toàn khác, các báo lớn nhỏ trên thế giới gần như đều dựng tường thu phí báo điện tử.

Hãy nghĩ đến logic thông thường là không thể nào sản xuất ra cái gì đó rồi cho không toàn bộ. Ngày xưa làm ra tờ báo in, trừ vài tờ miễn phí do có tài trợ, thì báo nào cũng bán, dù là giá chỉ vài ngàn đồng, trong khi quảng cáo mới là nguồn thu chính của các báo in, chiếm tới 80-85% doanh thu. Giờ đây nguồn quảng cáo báo in bị sụt giảm nghiêm trọng, quảng cáo digital tăng lên nhưng hai “ông lớn” Google và Facebook chiếm cỡ 70-80% rồi, vậy còn được bao nhiêu cho báo chí? Vậy báo chí sống bằng gì?

Theo cuốn sách “Sáng tạo báo chí truyền thông” mà tổ chức báo chí FIPP xuất bản hàng năm, có khoảng 13-14 mô hình kinh doanh khác nhau có thể áp dụng tại các cơ quan báo chí. Và thu tiền từ độc giả - trong đó có thu phí đọc báo digital - chỉ là một trong những mô hình kể trên. Khoảng năm 2018, nguồn thu từ độc giả đã ngang bằng và bắt đầu vượt trên nguồn thu quảng cáo của các báo. Điều này cho thấy con đường thu phí, cùng với các mô hình kinh doanh khác, mặc dù không hề dễ dàng nhưng nếu kiên định thì sẽ là cách có thể cứu các cơ quan báo chí trong bối cảnh doanh thu quảng cáo giảm sút.

Theo nghiên cứu mới nhất, khái niệm gọi là nền kinh tế thu phí digital (gồm cả báo chí) trên thế giới hiện vào khoảng 650 tỷ USD và dự đoán vào 2025 sẽ tăng gấp đôi. Người dùng bắt đầu quen với việc bỏ tiền ra xem phim, nghe nhạc, hay mua các tài khoản đám mây để lưu trữ dữ liệu…

Không chỉ người có điều kiện kinh tế mà người trẻ cũng bắt đầu quen với với việc mua các dịch vụ digital, mà các chuyên gia kỳ vọng một phần sẽ được chi vào nội dung báo chí. Nếu các cơ quan báo chí đều đưa những nội dung quan trọng hấp dẫn ra sau tường thu phí thì người dùng không có lựa chọn nào khác là phải trả tiền để đọc nội dung chất lượng cao. Còn nếu không chấp nhận trả tiền thì có thể phải đọc những nội dung chưa được thẩm định, không rõ nguồn gốc, thậm chí vấp phải tin giả.

Một lý do nữa là khi áp dụng cách thức thanh toán thông qua hóa đơn viễn thông, ví điện tử, các cơ quan báo chí nhận được tỷ lệ doanh thu chưa đủ hấp dẫn nên chưa mặn mà. Thêm nữa, có tâm lý chưa muốn đầu tư nhiều vì số lượng người dùng lúc đầu chắc chắn sẽ thấp, không đủ trang trải cho những chi phí về mặt công nghệ, thanh toán mà cơ quan báo chí phải bỏ ra.

Báo chí Việt Nam đang độ giao thời - Ảnh 6

Xét về mặt nội dung thì một số cơ quan báo chí chưa thực sự hiểu về phương thức kinh doanh. Ví dụ nội dung chưa đủ hấp dẫn, không phải nội dung độc quyền thì chẳng ai móc hầu bao chi trả. Cũng có những lãnh đạo cơ quan báo chí có tư duy rằng nội dung của mình không bán được vì cũng giống như các báo khác, thế là không áp dụng, trong khi lẽ ra phải cố gắng tạo ra những sản phẩm khác biệt. Hãy nhìn thị trường ngoài kia: tại sao trên dãy phố có một nhà hàng rồi mà vẫn có các nhà hàng khác ra đời và thu hút được khách hàng? Vì họ vẫn tìm ra được những phân khúc riêng, vẫn tạo ra được sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của phân khúc đó.

Trong một hội nghị báo chí quốc tế năm 2022, các diễn giả có thảo luận và cho rằng bên cạnh cách thanh toán theo tháng, theo quý hay năm, thì xu hướng sắp tới sẽ là các khoản thanh toán nhỏ (micro-payment). Ví dụ thay vì trả 30 nghìn đồng để đọc mọi nội dung trong cả tháng thì đọc một bài nào trả tiền bài đó, chẳng hạn với mức 5.000 đồng. Nhiều người thích trả từng bài hơn là mua một gói.

Bên cạnh các phương thức thu phí cứng (hard paywall), thu phí sau khi đọc một số bài nhất định (metered paywall) và phương thức khá phổ biến là “freemium” – chỉ thu phí một phần nội dung chất lượng cao còn lại miễn phí, hiện nay còn thêm phương thức mới là “dynamic” – thu phí động. Công cụ dynamic này rất thông minh để tùy biến từng đối tượng độc giả khác nhau để đưa ra các đề nghị khác nhau.

Báo chí Việt Nam đang độ giao thời - Ảnh 7

Những gì chúng ta đang trải qua thì cách đây 10 năm thế giới cũng đã trải qua, nên nếu các cơ quan báo chí kiên định mới có thể tạo ra con đường. Một khi đã xác định thu phí có nghĩa là chấp nhận hạn hẹp đối tượng sử dụng. Ở đây có hai phép tính cần cân nhắc: giữa nguồn thu từ quảng cáo và nguồn thu phí, nguồn nào sẽ hiệu quả và bền vững hơn.

Có những tờ báo đã thử nghiệm và thấy, khi họ không thu phí và dựa vào quảng cáo thì có lượng người dùng khá lớn, giả dụ là 5 triệu người dùng mỗi tháng. Nhưng khi dựng tường thu phí lên thì con số rất nhỏ, chỉ được 1/10, 1/20 hoặc thậm chí thấp hơn rất nhiều. Rồi họ tính toán con số thu được từ quảng cáo khi có 5 triệu người đọc thì thấp hơn con số thu được từ những người dùng trả tiền kia. Điều quan trọng nữa, nguồn thu từ quảng cáo bây giờ không tăng lên nữa mà đến độ nào đó sẽ bão hòa, chưa nói sẽ giảm đi, nhưng nguồn thu phí nếu làm tốt sẽ tăng lên dần dần.

Ở đây là câu chuyện bài toán kinh doanh và hướng nào sẽ phù hợp với tờ báo của mình. Tất nhiên, với nhiều cơ quan báo chí, phương án dựa vào nguồn thu quảng cáo cũng không sai, nhất là những nội dung mang tính chất giải trí cần nhiều người đọc, và nhiều người đọc có khi mang đến số lượng đột biến và quảng cáo lại tốt hơn.

Báo chí Việt Nam đang độ giao thời - Ảnh 8

Bây giờ là giai đoạn giao thời của truyền thông và báo chí thế giới. Trước đây, chúng ta có chân lý: cái gì muốn hiểu, muốn biết thì lên báo chí tìm. Báo chí nói ra là đúng. Sau đó trên thế giới, với sự phát triển của Internet, bên cạnh hàng nghìn hàng vạn cơ quan báo chí thì xuất hiện hàng tỷ kênh khác. Các kênh đấy có thể do doanh nghiệp hoặc cá nhân khởi tạo và báo chí bỗng dưng phải cạnh tranh với hàng tỷ những kênh như thế.

Cũng phải thừa nhận có những cá nhân làm nội dung rất xuất sắc. Bên cạnh những nội dung câu view, nhảm nhí, cũng có những nội dung rất sáng tạo và thú vị cho nên bắt đầu thu hút sự chú ý của người dùng, kéo họ ra khỏi báo chí.

Tuy nhiên, từ năm 2016, khi tình trạng tin giả tràn lan và ngày càng trở nên dữ dội, người ta lại có xu hướng tìm đến những cơ quan báo chí chính thống để thẩm định những thông tin đọc được ở đâu đó. Sự xác tín của cơ quan báo chí chính thống lúc này là rất quan trọng.

Giai đoạn giao thời này kéo lâu dài hay nhanh chóng còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Ngay như câu chuyện về sự tồn tại của các mạng xã hội bây giờ cũng đặt ra nhiều vấn đề, rằng sau khi một thời kỳ quá hồ hởi với quá nhiều ích lợi xã hội, thì sự phát triển của truyền thông xã hội nói riêng và Internet nói chung đã dẫn đến rất nhiều nội dung không kiểm soát được. Mạng xã hội từ những mục tiêu, lợi ích rất cao đẹp ban đầu là giúp mọi người kết nối với nhau, giúp lan tỏa thông tin, thì giờ tràn lan những tin sai lệch, tin giả, tin kích động thù hận thậm chí khủng bố, bài xích sắc tộc. Người ta đang đặt vấn đề những mạng xã hội thế này cần phải thay đổi để mang lại điều tốt đẹp hơn cho xã hội, bởi vậy mà nhiều nước trên thế giới từ châu Âu, Mỹ, đến Australia… các chính trị gia đều kêu gọi phải quản lý mạng xã hội.

Công nghệ, máy móc thiết bị ngày càng hiện đại hơn, người ta rất dễ dàng tạo lập những nội dung đúng tốt hoặc sai lệch, không đúng sự thật. Thế giới thực lên mạng đã ảo rồi, mai mốt Metaverse (thực tế ảo) thì còn ảo nữa. Toàn bộ quá trình phát triển của công nghệ quá nhanh và quy định pháp lý chạy theo không kịp, nhận thức của người dùng cũng không chạy theo kịp để đối phó, xử lý. Chính vì vậy, đây đang là thời điểm giao thời của truyền thông thế giới chứ không riêng Việt Nam.

Ở Việt Nam không có báo chí tư nhân nên có quan điểm rằng có thể định hướng và yêu cầu báo chí tuyên truyền đường lối chính sách, tin tích cực sẽ là xu hướng chủ đạo. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể chủ quan, vì như đã nói, số lượng cơ quan báo chí thì hữu hạn, còn số lượng nội dung trên Internet và mạng xã hội là vô hạn, sự cạnh tranh rất khó khăn, các cơ quan báo chí lại không kịp đổi mới, sáng tạo, đuổi theo đã chậm rồi chứ chưa nói có thể đón đầu.

Báo chí Việt Nam đang độ giao thời - Ảnh 9

Báo chí cách mạng Việt Nam vẫn kiên định đi theo con đường của mình, với sự định hướng của cơ quan chức năng, sự tin cậy của người dân với Nhà nước, sự tin tưởng với báo chí của chúng ta tương đối cao so với các điều tra khảo sát về niềm tin đối với báo chí của các nước trên thế giới.

Một trong các nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam là tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, cung cấp các tri thức hữu ích cho người dùng. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam thời gian qua rất nỗ lực phối hợp để vạch ra các chiến lược phát triển, định hướng cho các cơ quan báo chí, tổ chức các hội nghị-hội thảo hoặc các chương trình đào tạo kỹ năng nghiệp vụ…

Nhưng, như đã đề cập, tất cả đều phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của các cơ quan báo chí và sự quyết tâm của người đứng đầu, sự nỗ lực của cả bộ máy thì mới có thể chuyển đổi nhanh chóng và hiệu quả.

Báo chí Việt Nam đang độ giao thời - Ảnh 10

VnEconomy 22/01/2023 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Báo chí Việt Nam đang độ giao thời - Ảnh 11