17:00 16/08/2021

Bất chấp Covid-19, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin chưa bao giờ “hạ nhiệt”

Phúc Minh

Trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ, nhu cầu nhân lực trong ngành công nghệ thông tin được đánh giá chưa bao giờ giảm nhiệt…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo thị trường lao động tháng 7 vừa phát hành của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, thị trường lao động tại Hà Nội trong tháng 7 bị ảnh hưởng theo các diễn biến của dịch, tác động mạnh đến hầu hết người lao động, doanh nghiệp, đặc biệt là lao động tại các khu công nghiệp, các ngành vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú.

CÔNG NGHỆ, NGÂN HÀNG TĂNG TUYỂN DỤNG

Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong tháng 7 vì thế giảm nhẹ so với tháng 6 ở một số lĩnh vực như: công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ở một số ngành không thiết yếu. Ngược lại, một số lĩnh vực như: công nghệ, ngân hàng vẫn tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao trong tháng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến bị ngưng trệ, phần lớn các doanh nghiệp không có nhiều nhu cầu tuyển lao động mới. Các vị trí tuyển dụng do được lên kế hoạch từ tháng 6 và việc tuyển dụng vẫn được duy trì trong tháng 7.

Với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các vị trí kỹ sư, kỹ thuật viên đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cùng với nhiều năm kinh nghiệm (chiếm 50,81%). Tiếp đến là nhân viên kinh doanh với mức lương từ 5- 7 triệu đồng/tháng, theo sau là mức lương từ 7 – 9 triệu đồng và 9 – 11 triệu đồng lần lượt chiếm 31,25% và 18,75%.

Trong khi đó, nhân lực công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt với bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ, khiến nhu cầu nhân lực trong ngành này chưa bao giờ giảm nhiệt.

Lĩnh vực công nghệ vẫn có xu hướng tuyển dụng lớn và thường xuyên trong tháng 7, ở một số vị trí đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao như: kỹ sư, lập trình viên. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình tuyển dụng, do vậy khá nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tuyển dụng lâu dài nhằm tìm kiếm những ứng viên tiềm năng.

Mức lương doanh nghiệp sẵn sàng trả cho người lao động trong lĩnh vực này chủ yếu từ 7 – 9 triệu đồng/tháng, chiếm 43,75%; trên 15 triệu đồng/tháng, chiếm 25%.

Tương tự, ngành ngân hàng cũng có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn trong tháng 7 cho các vị trí quan hệ khách hàng, các vị trí mảng công nghệ thông tin phục vụ cho việc phát triển hệ thống và chuyển đổi số.

Nhu cầu tuyển dụng cấp trung và cao trong ngành này vẫn tiếp tục tăng, chủ yếu tập trung nhân sự ở mảng công nghệ, dữ liệu. Mức lương nhóm ngành này chủ yếu từ 7 – 11 triệu đồng/tháng, chiếm 60%; trên 15 triệu đồng/tháng chiếm 10%.

Cũng trong tháng 7, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ vẫn có nhu cầu tuyển dụng do xu hướng mua sắm những mặt hàng thiết yếu nhiều. Đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống…

Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ khác như vàng bạc, đá quý hay văn phòng phẩm lại ít có nhu cầu tuyển dụng. Mức lương nhóm ngành này chủ yếu từ 7 – 9 triệu đồng/tháng.

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG PHỤ THUỘC VÀO KỊCH BẢN CHỐNG DỊCH

Dù ghi nhận nhu cầu tuyển dụng tăng ở một số nhóm ngành, song theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, dịch bệnh bùng phát đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng bị giảm lương, tạm nghỉ, không có việc làm, rơi vào cảnh thất nghiệp.

Thị trường lao động, việc làm sẽ phụ thuộc vào các kịch bản chống dịch. Ảnh minh họa. 
Thị trường lao động, việc làm sẽ phụ thuộc vào các kịch bản chống dịch. Ảnh minh họa. 

Với Hà Nội, dịch đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động trên địa bàn thành phố.

Kịch bản 1 là dịch bệnh được khống chế, không bùng phát ca nhiễm mới trong cộng đồng, Hà Nội sớm kết thúc giãn cách xã hội và chuyển sang trạng thái bình thường mới; việc tiêm vaccine tiếp tục được đẩy nhanh và tiến tới miễn dịch cộng đồng.

Như vậy, một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất do dịch bệnh như: vận tải, du lịch sẽ dần được phục hồi. Nhu cầu tuyển dụng lao động có những chuyển biến tích cực, hạn chế được tình trạng lao động bị mất việc, ngừng việc. Dự kiến số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ còn khoảng 3 – 4 nghìn người, dự kiến số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 12 – 15%.

Kịch bản 2 là Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội do còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, xuất hiện một số ca F0 mới, việc tiêm chủng vaccine ngừa covid-19 được triển khai nhanh chóng nhưng còn chậm, khiến tốc độ phục hồi của nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng.

Dự báo số lao động bị tác động thuộc các ngành như: công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn, bán lẻ, vận tải, du lịch. Dự kiến số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ khoảng 5 – 6 nghìn người, dự kiến số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 20 – 25%.

Kịch bản 3 là dịch bệnh chưa thể kiểm soát, số ca mắc ngoài cộng đồng ngày càng tăng và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường, quá trình tiêm vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung.

Tình thế này có thể khiến TP. Hà Nội tiếp tục phải giãn cách xã hội và áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn để phòng chống dịch, dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh tạm dừng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế. 

Một số ngành tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn như: thương mại – dịch vụ, bán lẻ, vận tải, nhà hàng – khách sạn, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhóm lao động sẽ rơi vào tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Thất nghiệp gia tăng, số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ tăng cao, dự kiến khoảng 7 – 8 nghìn người. Dự kiến số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 30 – 40%.