Ông nhìn nhận thế nào về hiện trạng phát triển công nghệ Blockchain ở Việt Nam thời gian qua? Theo ông, cơ hội lớn nhất mà Blockchain mang lại là gì?
Năm qua đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ Blockchain. Có những đồng tiền mã hóa đã liên tục đạt đỉnh cao mới mà trước đây chưa từng có, đơn cử như giá Bitcoin đã có lúc vượt lên đỉnh 68.000 USD (giá trị tăng 680 triệu lần so với thời điểm tháng 6/2009). Cũng trong thời gian qua, bên cạnh những nền tảng mới ra đời, các nền tảng cũ như Bitcoin, Ethereum đều có sự nâng cấp đáng kể.
Đặc biệt, trên thế giới lượng người quan tâm đến Blockchain đã tăng mạnh mẽ. Theo trào lưu này, ngày càng có nhiều người Việt Nam quan tâm đến đồng tiền mã hóa cũng như công nghệ Blockchain, về số lượng Việt Nam nằm ở nhóm đầu trong khu vực. Thậm chí có một số mảng chúng ta đang dẫn đầu thế giới như game trong Blockchain, NFT game… Tựa game Axie Infinity của startup Việt chỉ trong thời gian ngắn đã phát triển đột biến và có thời điểm đạt mức vốn hóa gần 9 tỷ USD. Đây là điều chưa từng có từ trước tới nay ở Việt Nam.
Bên cạnh game còn có hàng loạt các dự án ở các mảng khác được phát triển khá thành công ở Việt Nam như DeFi- Decentralized Finance (tài chính phi tập trung).
Thời gian qua cũng xuất hiện những xu thế mới dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain như Metaverse, Web 3.0…
Có thể thấy trong năm 2021 đã chứng kiến những dấu ấn phát triển mới và sự tăng trưởng đột biến của các dự án liên quan đến công nghệ Blockchain. Đây thực sự là một cơ hội lớn cho ngành công nghệ thông tin cũng như các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, sánh vai với quốc tế. Đến nay, Blockchain vẫn là lĩnh vực công nghệ còn rất mới và hầu như tất cả các nước đang ở cùng một xuất phát điểm.
Tôi cho rằng Việt Nam đã thành công ở một số mảng và hoàn toàn có cơ hội thành công ở các mảng khác. Blockchain được coi là công nghệ có tiềm năng tăng trưởng đột phá nhất và tạo ra nhiều cơ hội nhất trong ngành công nghệ thông tin.
Là chuyên gia nghiên cứu sâu về Blockchain, theo ông, điều gì tạo ra sự phát triển đột phá của công nghệ này?
Yếu tố cốt lõi tạo ra sự phát triển đột phá này chính là niềm tin. Khi có được niềm tin của cộng đồng vào lĩnh vực này sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư rất lớn và gia tăng giá trị rất nhanh chóng.
Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân tạo sự phát triển, tăng trưởng đột biến (tăng nóng hoặc giảm sâu) như trên còn do chưa có sự kiểm soát, quản lý, điều tiết các dòng đầu tư từ cơ quan quản lý nhà nước.
Người Việt đã ghi dấu ấn trên bản đồ Blockchain thế giới qua những dự án game, tiền điện tử... Vậy Blockchain còn tiềm năng ứng dụng trong những ngành, lĩnh vực nào của nền kinh tế số, thưa ông?
Tiền số hay game… chỉ là một trong những ứng dụng của công nghệ Blockchain. Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số. Từ công cuộc chuyển đổi số, tất cả tri thức, hoạt động, quản lý đều chuyển đổi thành dữ liệu số. Các quyết định quản lý điều hành, phát triển, đầu tư, kinh doanh… đều dựa vào dữ liệu. Khi chuyển đổi số sẽ không còn hồ sơ, giấy tờ để đối chứng. Nếu dữ liệu không có độ tin cậy sẽ ảnh hưởng tới việc ra các quyết định điều hành. Vì vậy, vấn đề an toàn dữ liệu rất quan trọng trong phát triển số.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn dữ liệu người dùng lại nằm trong tay một số tổ chức như Facebook, Google… Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ Blockchain sẽ giải quyết vấn đề này, đảm bảo niềm tin số, độ tin cậy của dữ liệu do không thể thay đổi một cách tùy tiện.
Theo tôi, tất cả những nơi nào, lĩnh vực, ngành nghề nào cần độ tin cậy của dữ liệu thì đều cần tới ứng dụng Blockchain chứ không chỉ tiền số hay game.
Vấn đề “niềm tin số” được đặc biệt quan tâm khi thời gian qua xuất hiện những dự án lợi dụng game Blockchain lừa đảo nhà đầu tư, những khoản đầu tư mang tính chất rủi ro cao hoặc những lo ngại về tiền mã hóa có thể gây bất ổn định tới hệ thống tài chính... Vậy làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
Bất kỳ sự phát triển nào cũng có hai mặt. Blockchain là công nghệ còn khá mới mẻ, phát triển nhanh và liên tục xuất hiện những nền tảng mới với hàng nghìn giải pháp, đồng tiền mã hóa ra đời. Đây cũng là công nghệ rất khó, đòi hỏi các kiến thức về mật mã, mạng, kinh tế, trò chơi…, đồng thời có sự giao thoa của nhiều công nghệ khác nhau. Vì vậy, không nhiều người thực sự hiểu sâu về mặt công nghệ.
Đa số những người tham gia đầu tư đều dựa theo niềm tin đám đông, dựa vào đội ngũ sáng lập, lộ trình, mục tiêu phát triển của dự án. Do đó, trong lĩnh vực này sẽ tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, xuất hiện những dự án tạo ra đồng tiền rất nhanh nhằm kêu gọi đầu tư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dùng, nhất là khi việc đầu tư theo kiểu trào lưu đám đông. Trong khi đó, lĩnh vực này chưa được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật.
Việc ra đời của Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam là nhằm kết nối, quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực, các nhóm phát triển Blockchain để tạo môi trường lành mạnh, khuyến khích phát triển các dự án. Liên minh cũng chia sẻ kiến thức giúp người dùng Việt Nam hiểu và tránh những rủi ro, vấn nạn lừa đảo trong quá trình đầu tư khi chúng ta chưa có khung pháp lý về tiền kỹ thuật số, tài sản số và công nghệ Blockchain.
Vai trò của các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, hội nhóm cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng giúp giảm thiểu những rủi ro; đồng thời phát huy, ươm tạo các dự án Blockchain tiềm năng để nắm bắt, khai thác cơ hội.
Mặc dù đang phát triển mạnh và có nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho Blockchain. Liều đây có phải là nguyên nhân khiến một số startup Blockchain người Việt đặt trụ sở tại nước ngoài để dễ dàng hoạt động và gọi vốn không, thưa ông?
Khung pháp lý đối với các công nghệ mới nói chung trong đó có Blockchain thường có khoảng trống và nhiều khi luật pháp chưa bắt kịp các xu thế công nghệ mới. Một số công nghệ mới ra đời như Blockchain nhưng chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một khung pháp lý về tài sản số, tiền kỹ thuật số.
Do đó, một trong những sứ mệnh của VBU là sẽ kết nối các doanh nghiệp, dự án với cơ quan chức năng; tham gia tư vấn phản biện, tham mưu đề xuất với cơ quan nhà nước trong quá trình hình thành khung pháp lý, các chính sách liên quan đến Blockchain.
Sandbox là một khung thể chế thí điểm, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn ở phạm vi giới hạn để đánh giá những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực (nếu có) đến phát triển kinh tế- xã hội. Từ đó sẽ hình thành khung pháp lý chính thức ở phạm vi rộng hơn.
Do chưa có khung pháp lý nên các doanh nghiệp còn quan ngại khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Một số startup trong lĩnh vực Blockchain của người Việt thường mở trụ sở ở những nước đã có khung pháp lý rõ ràng, cụ thể cho công nghệ này như Singapore, Estonia và một số nước châu Âu để tận dụng chính sách về đầu tư, thuế và hạn chế những rủi ro.
Điều này cũng đồng nghĩa chúng ta sẽ không thu được nhiều giá trị từ những nguồn đầu tư cũng như các khoản thuế trong quá trình hoạt động. Đây là những bất cập trong phát triển lĩnh vực công nghệ này ở Việt Nam do thiếu khung pháp lý.
Thực tế cho thấy Blockchain là một lĩnh vực rất tiềm năng để thu hút đầu tư. Việc xây dựng và gọi vốn đầu tư vào một dự án Blockchain thường diễn ra dễ dàng, nhanh chóng và có thể phủ trên toàn thế giới. Tất nhiên, đi kèm với tiềm năng lớn cũng sẽ là những rủi ro tiềm ẩn.
Với sứ mệnh tham mưu, đề xuất với cơ quan nhà nước trong quá trình hình thành khung pháp lý, các chính sách liên quan đến Blockchain, thời gian tới VBU sẽ có những kế hoạch cụ thể gì để góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề này, thưa ông?
Blockchain là lĩnh vực mới, thay đổi rất nhanh và cũng rất nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến tiền, tài sản và các vấn đề xuyên biên giới, về chống rửa tiền, ảnh hưởng an ninh tiền tệ quốc gia và các dòng đầu tư… Cũng vì thế chúng ta không thể xây dựng ngay được khung pháp lý trong ngày một ngày hai.
Do đó, thời gian tới, VBU sẽ tập trung vào việc quy tụ các chuyên gia trong nước và quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm của các nước, khu vực nhằm xây dựng chính sách cho lĩnh vực này. Cùng với đó sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông để tham mưu, tư vấn, phản biện các chủ trương chính sách liên quan; thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực này hoạt động và phát triển. Đây cũng là sứ mệnh của Liên minh.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam vào top 3 thị trường năng động trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển. Liên minh sẽ hướng đến đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, phát triển, đầu tư, ứng dụng công nghệ này vào thực tế đời sống xã hội, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam.
VnEconomy 22/03/2022 06:00