Blue-chips tăng giá áp đảo, gần 150 mã vẫn giảm sàn ở nhóm đầu cơ
Độ rộng cải thiện dần ở nhóm VN30 chiều nay, cộng với những nhịp nhồi lên nhồi xuống tiếp tục thể hiện lực cầu bắt đáy đang xuất hiện tại đây. Nếu không vì ảnh hưởng của VHM thì VN30-Index đóng cửa đã trên tham chiếu...
Độ rộng cải thiện dần ở nhóm VN30 chiều nay, cộng với những nhịp nhồi lên nhồi xuống tiếp tục thể hiện lực cầu bắt đáy đang xuất hiện tại đây. Nếu không vì ảnh hưởng của VHM thì VN30-Index đóng cửa đã trên tham chiếu.
Chỉ số đại diện rổ blue-chips sàn HoSE chỉ thiếu 1,55 điểm là quay lại tham chiếu và độ rộng cuối ngày đã là 19 mã tăng/11 mã giảm. Điều này cho thấy yếu tố ép trụ đang gây tác động.
5 cổ phiếu khiến VN30-Index mất điểm nhiều nhất lần lượt là VHM giảm 2,65%, SSI giảm 6,62%, HPG giảm 1,57% và TPB giảm 3,23%. Trong số này riêng VHM đã lấy đi gần 2,5 điểm.
Các blue-chips không tăng giá đều đặn trong phiên chiều mà trái lại, có một nhịp lao dốc khá nhanh sau đó phục hồi về cuối. VN30-Index thậm chí tạo đáy mới trong ngày lúc 14h15, giảm 0,96% so với tham chiếu. Đáy này sâu hơn phiên sáng (giảm 0,62%).
Tuy nhiên quan sát cổ phiếu trong rổ thì rất ít mã tạo đáy trùng với đáy của VN30-Index và càng ít hơn cổ phiếu tạo đáy sâu mới trong ngày. Điều đó nghĩa là một số cổ phiếu lớn đã tạo áp lực hình thành nhịp lao dốc tạo đáy mới phiên chiều. Điển hình như VIC tạo đáy cùng lúc với chỉ số, giảm 2,99%, VHM giảm 3,79%, VRE giảm 1,56%, CTG giảm 2,29%.
Những cổ phiếu gây áp lực lên VN30-Index cũng là những mã vốn hóa cực lớn trong VN-Index. Nỗ lực đảo chiều hồi lại của các trụ này là không đủ để vực VN-Index lên. Chỉ số chính kết phiên vẫn giảm 0,96% dù VN30-Index chỉ giảm 0,1%.
Mặt bằng giá của cổ phiếu blue-chips cuối ngày phân cực khá nhiều. Nhóm 11 mã giảm có tới 10 mã giảm trên 1%. Ngược lại cũng có 10 mã tăng trên 1%. Sự phân hóa sức mạnh này thể hiện mối quan tâm ít đến biến động của chỉ số. So với phiên sáng, số mã blue-chips tăng giá có phần mở rộng hơn, ngoài ngân hàng và dầu khí, có thêm các mã bất động sản như PDR tăng 1,73%, KDH tăng 1,41%, MSN, NVL, MWG cũng đảo chiều tốt dù mức tăng so với tham chiếu không nhiều.
Trái ngược với giao dịch khá tích cực trong nhóm blue-chips, tình trạng bán tháo ở các nhóm cổ phiếu còn lại vẫn tiếp diễn. Midcap đóng cửa giảm 2,88%, Smallcap giảm 4,09%. Toàn sàn HoSE có 90 cổ phiếu giảm sàn, HNX thêm 59 mã. Tình trạng mất thanh khoản giá sàn tiếp tục lan tràn.
Giao dịch trong nhóm Smallcap hôm nay cực thấp, chỉ khớp thành công 2.799 tỷ đồng, là mức thấp kỷ lục 4 tháng. Con số này phản ánh hai điều: Thứ nhất là có rất ít nhà đầu tư sẵn lòng nhảy vào đỡ tảng đá đang lăn nên thanh khoản mới thấp như vậy. Thứ hai, lượng dư bán sàn khổng lồ cho thấy khối lượng cổ phiếu bị mắc kẹt hoặc mong muốn bán ra vẫn còn rất nhiều. Trong điều kiện dòng tiền quan tâm ngày càng ít đi thì cơ hội duy nhất là giá phải giảm hơn nữa để quy mô mắc kẹt nhỏ lại (khi tính theo giá trị tiền để mua).
Thanh khoản thị trường phiên chiều khá nhỏ, hai sàn chỉ khớp thêm 9.669 tỷ đồng, giảm 40% so với chiều hôm qua và chỉ bằng 71% so với phiên sáng. Nhóm VN30 buổi chiều cũng chỉ giao dịch hơn 3.800 tỷ đồng, giảm gần 40% so với chiều hôm qua. Lý do chính là biến động giá ít hơn hẳn ngày hôm qua đã không khiến giá chạm tới ngưỡng chờ mua của các nhà đầu tư bắt đáy.
Dòng vốn ngoại hôm nay gây bất ngờ lớn khi giải ngân tổng cộng 2.352 tỷ đồng trên sàn HoSE, nghĩa là riêng chiều nay mua thêm cỡ 1.913 tỷ đồng. Đây là con số rất ấn tượng vì thanh khoản buổi chiều ở HoSE khá nhỏ. Mức mua ròng tính chung cả phiên đạt 896,2 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu thuộc VN30 được mua ròng 229,2 tỷ đồng.
STB được mua ròng rất tốt gần 137 tỷ đồng, lượng mua chiếm khoảng 11% thanh khoản mã này. STB tăng 3,99% và là một trong những mã ngân hàng tăng tốt nhất phiên. VCB, HDB, BID cũng được mua ròng tốt trên 20 tỷ đồng mỗi mã. Ngoài ra SSI, VNM, DPM, VCG, NVL, VCI, IJC được mua trên 30 tỷ ròng. Phía bán có CTG, HPG, VHM, TPB là lớn nhất, trên 30 tỷ ròng.