16:30 13/08/2024

Cả nước có hơn 500 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm

Thu Hằng

Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tập trung ở các địa phương có thị trường lao động phát triển, gần các khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương…

Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ảnh: Thanh Hải.
Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ảnh: Thanh Hải.

Thông tin được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề cập khi tổng kết Luật Việc làm 2013. Thống kê của cơ quan này cho thấy hiện nay, cả nước có trên 500 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ VIỆC LÀM CHỦ YẾU TẬP TRUNG Ở CÁC THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG LỚN

Các doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong phân khúc cung ứng, giới thiệu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhân lực quản lý, điều hành. Đối tượng phục vụ hướng tới các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hầu hết các doanh nghiệp tập trung ở các địa phương có thị trường lao động phát triển, gần các khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương...

Cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm ngày càng rõ ràng. Theo đó, doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn; tổ chức, quản lý nhân sự theo quy định của Bộ luật Lao động.

Đồng thời, xin cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm trên cơ sở đảm bảo các điều kiện về trụ sở, bộ máy chuyên trách (gồm ít nhất 3 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên), đã ký quỹ (300 triệu đồng), theo quy định của Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn.

Hiện nay, với bộ máy nhân sự gần 2.000 nhân viên có trình độ và kinh nghiệm chuyên sâu về cung cấp các dịch vụ việc làm, hằng năm, hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng chục nghìn lao động; và cho hàng nghìn doanh nghiệp.

Họ cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn tuyển dụng, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá hoạt động dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp, đã góp phần quan trọng trong kết nối cung – cầu lao động.

Tuy nhiên, sự chia sẻ thông tin thị trường lao động giữa doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, với Trung tâm Dịch vụ việc làm còn hạn chế, chưa có quy định về mối quan hệ công – tư trong dịch vụ việc làm.

Hơn nữa, hoạt động dịch vụ việc làm là hoạt động kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được thu phí của người lao động, người sử dụng lao động theo quy định tại Thông tư số 72/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Từ ngày 1/1/2017, phí dịch vụ việc làm được thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Giá dịch vụ do doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tự ban hành, trên cơ sở cân đối với mức hao phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để cung cấp dịch vụ.

SỬA QUY ĐỊNH VỀ GIÁ DỊCH VỤ VIỆC LÀM

Từ thực tiễn đặt ra, trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định về mối quan hệ phối hợp, hợp tác công – tư trong dịch vụ việc làm.

Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức để kết nối doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: N.Dương.
Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức để kết nối doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: N.Dương.

Đồng thời, sửa đổi quy định về giá dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật về giá.

Theo đó, doanh nghiệp được thu tiền dịch vụ từ các hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật về giá; cũng như có trách nhiệm niêm yết giá các dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật giá.

Luật cũng dự kiến bổ sung thêm nội dung hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm cho đầy đủ hơn, bao gồm: Tư vấn, định hướng nghề nghiệp, đào tạo, việc làm, chính sách lao động việc làm; tư vấn về tuyển, sử dụng và quản lý lao động, chính sách lao động cho các tổ chức, cá nhân; giới thiệu việc làm cho người lao động.

Doanh nghiệp cũng thực hiện hoat động cung ứng và kết nối người lao động theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân; thu thập, lưu trữ và cung cấp thông tin thị trường lao động; phân tích và dự báo thị trường lao động; đào tạo kỹ năng, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật; và thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.

Đồng thời, quy định rõ hơn điều kiện để doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được thành lập chi nhánh. Cụ thể, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo cho cơ quan chuyên môn về việc làm thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm và nơi đặt trụ sở chi nhánh, trước khi thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm ít nhất 10 ngày làm việc.

Theo dự thảo luật, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm khi có đủ điều kiện sau: Có cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động dịch vụ việc làm; có đội ngũ quản lý và tư vấn viên dịch vụ việc làm đáp ứng yêu cầu hoạt động dịch vụ việc làm; đã ký quỹ theo quy định của Chính phủ. Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm có thời hạn tối đa 60 tháng.

Chính phủ sẽ quy định việc ký quỹ, điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm và rút tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm.