11:21 25/06/2024

Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tuyển dụng lao động phổ thông

Nhật Dương

Do chi phí và mức sống đắt đỏ ở thành phố, cùng với sự nở rộ của các nhà máy tại nhiều tỉnh thành, một bộ phận lao động phổ thông từ bỏ bám trụ ở thành phố và chuyển về quê. Điều này khiến không ít doanh nghiệp khó khăn khi tuyển dụng nhóm lao động này...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không chỉ khó khăn trong tuyển dụng các nhóm lao động có trình độ, chuyên môn, ở phân khúc lao động phổ thông, cũng không ít doanh nghiệp gặp khó. Có nhiều rào cản, cùng với xu hướng và kỳ vọng của nhóm này khi tìm kiếm công việc đã có sự thay đổi.

THỊ TRƯỜNG TUYỂN DỤNG NGÀY CÀNG CẠNH TRANH

Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự Toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam (công ty chuyên cung ứng giải pháp nhân sự), cho biết từ quan sát của đơn vị này, cũng như qua các đơn hàng tuyển dụng nhận được từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông ở khu vực miền Nam có sự khởi sắc và nhiều tín hiệu tích cực.

6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp là đối tác của công ty trong lĩnh vực sản xuất có nhu cầu tuyển dụng tăng tối thiểu 20% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở các khu vực như: Bình Dương, Đồng Nai, Củ Chi, Quận 9 - TP.HCM.

“Đặc biệt, một số doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử và logistics đang dự kiến tăng số lượng tuyển dụng gấp 4 lần từ giờ tới cuối năm, và với tình hình hiện tại tăng đều đặn 10-20% mỗi tháng trong nửa đầu năm 2024”, bà Nguyễn Thanh Hương nói.

Nhu cầu tăng khiến cũng khiến thị trường tuyển dụng ngày càng cạnh tranh. Theo bà Nguyễn Thanh Hương, trong quý 1/2024, cả nước có gần 59,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, người lao động giờ đây có rất nhiều lựa chọn công việc.

 
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự Toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự Toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam

 “Do phụ thuộc vào yêu cầu sản xuất hoặc đơn hàng, và phải cân đối bài toán chi phí lao động trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn ảm đạm, giá nguyên liệu tăng…, ngày càng nhiều doanh nghiệp tuyển các vị trí thời vụ. Trong khi đó, người lao động lại không mặn mà với các vị trí này vì cho rằng không ổn định.

Vì thế, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận lao động phổ thông, đặc biệt là người lao động ở các vùng sâu vùng xa, đây là nơi những người ít có cơ hội tiếp cận với internet, công nghệ. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa thành công trong việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng nên không được người lao động biết đến, khó thu hút".

Thực tế, để tăng năng suất, bắt kịp yêu cầu phát triển, ứng dụng công nghệ mới thì doanh nghiệp rất cần những lao động có kỹ năng, đã qua đào tạo, nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam còn thấp. Nếu doanh nghiệp chấp nhận tuyển lao động không có kỹ năng thì đồng nghĩa sẽ phải tốn thêm công sức, chi phí đào tạo.

“Lao động phổ thông thường “thiếu chung thủy”. Ví dụ, yếu tố lương rất quan trọng với lao động phổ thông, nên chỉ cần thấy có bên khác thu nhập cao hơn vài chục đến vài trăm nghìn đồng thì người lao động sẵn sàng bỏ qua những yếu tố khác, mà nhảy việc ngay. Đôi khi doanh nghiệp vừa tốn công sức đào tạo xong một thời gian, thì người lao động lại nghỉ”, Giám đốc Nhân sự ManpowerGroup Việt Nam nhìn nhận.

CÓ CHÍNH SÁCH THU HÚT PHÙ HỢP

Cũng theo Giám đốc Nhân sự ManpowerGroup Việt Nam, một trong những khó khăn nữa phải kể đến là theo quan sát và kinh nghiệm của đơn vị này, đại dịch đã khiến người lao động phổ thông thay đổi về những mong muốn khi đi tìm việc.

Lao động có nhiều kỳ vọng mới khi tìm việc. Ảnh: N.Dương.
Lao động có nhiều kỳ vọng mới khi tìm việc. Ảnh: N.Dương.

“Bên cạnh lương và phúc lợi, lao động phổ thông giờ đây quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, sức khỏe, sự an toàn hay khả năng cân bằng công việc và cuộc sống gia đình.Ví dụ số ngày nghỉ mỗi tháng, hay sự tiện lợi khi di chuyển tới chỗ làm”, bà Hương nói.

Đặc biệt, do chi phí và mức sống đắt đỏ ở thành phố, cùng với sự nở rộ của các doanh nghiệp, nhà máy tại nhiều tỉnh thành, một bộ phận lao động phổ thông từ bỏ bám trụ ở thành phố và chuyển về quê để được làm việc gần nhà hơn.

Ngoài ra, một số lao động phổ thông chuyển sang làm các công việc có tính tự do và linh hoạt cao hơn như: Bán hàng online, shipper, kinh doanh tự do…

“Mỗi phân khúc lao động sẽ có những nhu cầu và mong muốn khác nhau khi tìm kiếm công việc có ý nghĩa. Thấu hiểu được những điều này sẽ giúp doanh nghiệp có chính sách thu hút, tuyển dụng và giữ chân người lao động phù hợp, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng”, Giám đốc Nhân sự ManpowerGroup Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo số liệu của Tổng cục thống kê, mặc dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn và tăng dần qua các năm. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I năm 2024 là 64,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin thêm, bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Vận hành Chợ Tốt (đơn vị sở hữu trang Việc làm tốt - chuyên trang tìm việc và tuyển dụng trực tuyến), cũng cho biết theo thống kê từ Việc làm tốt, nhu cầu tìm việc ở quý 2 ghi nhận tín hiệu khả quan khi tăng 17% so với quý 1, với mức tăng trưởng trung bình 11% qua từng tháng trong nửa đầu năm 2024.

Tuy nhiên, dữ liệu trên nền tảng này ghi nhận khoảng lương của các vị trí lao động phổ thông nửa đầu 2024 có sự thu hẹp, và thấp hơn khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2023.