Cần định chế song song với thị trường lao động - Ảnh 1
Cần định chế song song với thị trường lao động - Ảnh 2

Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, lạm phát của các nước trong khu vực và của nhiều nước trên thế giới tăng cao. Nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam chỉ tăng 3,02%. Xin ông phân tích rõ các nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở Việt Nam lúc này, và các biện pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát tại thời điểm này?

Về nguyên tắc, nguyên nhân cơ bản tạo ra lạm phát ở bất cứ nền kinh tế nào cũng giống nhau, đó là từ 2 chiều: phía cầu và phía cung. Cầu tăng, cung thiếu đẩy giá tăng; từ phía cung, chi phí tăng đẩy lạm phát tăng. Ngoài ra còn các nguyên nhân khác. Tuy nhiên cũng cần nói rõ tại sao các quốc gia có lạm phát khác nhau?

Đầu tiên, phụ thuộc vào đặc thù của mỗi nền kinh tế; thứ hai là tác động của bên ngoài; thứ ba là câu chuyện điều hành của Chính phủ.

Đối với Việt Nam có xuất phát điểm thấp, thu nhập thấp, tiềm lực mặc dù cải thiện nhiều nhưng vẫn ở mức thấp, cấu trúc nền kinh tế khác biệt với các quốc gia khác. Đặc biệt, chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, cách thức can thiệp, chủ động của Nhà nước cũng rất khác các nền kinh tế khác.

Về kiểm soát lạm phát, với đặc thù thu nhập thấp, phần lớn người dân sống ở khu vực nông thôn, dựa trên nền kinh tế nông nghiệp cộng với thói quen, tập quán của người dân nên tác động khan hiếm của thị trường vào hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ chưa bị ảnh hưởng nhiều.

Trong ngành sản xuất hàng hóa, dịch vụ hướng tới xuất khẩu, mặc dù độ mở kinh tế lớn, nhưng hầu hết xuất khẩu của chúng ta chủ yếu ở mặt hàng tiêu dùng có hợp đồng dài hạn, có cam kết từ trước. Song hành là đa số với phân khúc thấp, gia công, nhập khẩu đầu vào cũng có hợp đồng từ trước nên có sự ổn định tương đối. Vì vậy, trong giai đoạn vừa rồi sự cắt giảm lao động chưa ảnh hưởng ngay và chưa ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng, nhưng trong thời gian sắp tới sẽ rất khác.

Thực tế, Chính phủ cũng rất nhanh nhạy. Chúng ta biết rằng ngay từ giữa năm nay đã có nhiều diễn đàn, các tổ công tác của Chính phủ bàn đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện một số chính sách có hiệu ứng tích cực như: chính sách về tỷ giá, tiền tệ, hỗ trợ sau dịch Covid-19, kể cả về cách ứng phó trước với hậu quả xấu từ xung đột Nga – Ukraine...

Tựu trung, lạm phát của chúng ta về nguyên tắc giống các nước, nhưng do có đặc thù về cấu trúc kinh tế, tập quán, tiêu dùng, hàng hóa trong rổ hàng hóa tiêu dùng chưa căng thẳng và vẫn trong vòng kiểm soát. Đây vừa là thành công của Chính phủ nhưng cũng là do đặc thù của kinh tế của chúng ta có thể vượt qua khó khăn, tạo ra sự ổn định.

Cần định chế song song với thị trường lao động - Ảnh 3

Việc tăng lạm phát từ các nước trên thế giới sẽ gây áp lực lên mức lạm phát ở nước ta như thế nào, thưa ông?

Độ mở nền kinh tế chúng ta lớn. Trong bối cảnh 20 năm trở lại đây, Việt Nam tiến tới hội nhập kinh tế, hội nhập quốc tế thì toàn bộ tác động của bên ngoài là không thể tránh khỏi. Với áp lực lạm phát của các quốc gia như Mỹ, EU… càng ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Có thể nói rằng chúng ta đang đứng trước câu chuyện: có sự xuất khẩu lạm phát từ các quốc gia phát triển, quốc gia lớn hay không?  Chúng ta bị ảnh hưởng như nào? Ví dụ vừa rồi tại Mỹ, khi Fed tăng lãi suất làm đồng tiền USD mạnh hơn, các quốc gia liên quan sẽ bị ảnh hưởng tới cả dòng thương mại và đầu tư. Đồng tiền ra nước ngoài lúc trước giá khác nhưng nay các quốc gia vay nợ, dựa vào đầu tư nước ngoài, đồng tiền không còn như vậy, dẫn đến việc trong nước phải đối ứng được với đồng tiền đó.

Vì vậy, lạm phát ở Mỹ có thể chuyển hóa sang các quốc gia khác. Đây là áp lực rất lớn tính về trung và dài hạn. Trước mắt, Chính phủ có thể có các biện pháp để khắc phục, nếu duy trì lâu dài sẽ rất khó khăn.

Cần định chế song song với thị trường lao động - Ảnh 4

Thưa ông, liệu có thêm những biến động bất thường gì tới nền kinh tế nước ta trong thời gian tới không, khi Tết cổ truyền đang đến cận kề? Kịch bản chỉ số  lạm phát Việt Nam theo cách tính như hiện này liệu có thể kiểm soát ở mức chỉ tiêu nhỏ hơn 4% như Quốc hội đề ra không? Tác động của lạm phát tới doanh nghiệp và người lao động như thế nào?

Về biến động, cũng như các học giả và chuyên gia khác, tôi cũng khó có thể đo lường chính xác được, nhưng xu thế chắc chắn là áp lực rất lớn nếu các quốc gia không có chính sách linh hoạt.

Bởi vì khi lạm phát, giá vốn cao, chi phí cao cộng với các biến động khác như: khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng, các nước này cũng bị thu hẹp.

Khi thị trường bị co hẹp dẫn đến vòng xoáy thị trường trong nước bị tác động ngắn hạn và dài hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến lao động.

Câu chuyện đặt ra là ở Việt Nam những tháng cuối năm thì tác động đến lạm phát như nào?

Thông thường trong quý 4, giáp Tết, nhu cầu tăng, lạm phát về phía cầu kéo làm tăng các chỉ số giá. Việt Nam vốn làm quen với câu chuyện này rồi. Vào dịp cuối năm, Chính phủ thường có biện pháp để thúc đẩy hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ cho Tết dẫn đến thị trường trong nước có sự bình ổn tương đối.

Còn với hàng hóa chất lượng cao, hàng hiệu sẽ không bị ảnh hưởng nhiều dẫn đến chỉ số giá có thể không tăng nhiều. Hơn nữa từ giờ đến Tết cũng chỉ còn gần một tháng nên ảnh hưởng sẽ không nhiều. Chúng ta đang giữ được mức 3%; mức dưới 4% mà Quốc hội đưa ra tôi thấy hoàn toàn có thể giải quyết được. Tất nhiên là hệ lụy câu chuyện sẽ dẫn đến nhiều thứ khác, chúng ta phải tính toán sao để sau Tết phải duy trì sự bình ổn nhưng tạo được động lực tăng trưởng. Khó nhất là tạo động lực tăng trưởng, giải quyết việc làm cho dòng chảy tiền tệ vào nền kinh tế năm 2023.

Cần định chế song song với thị trường lao động - Ảnh 5

Hiện nay, bức tranh thị trường lao động là nhiều doanh nghiệp giảm lao động, bớt giờ làm – có nghĩa là tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng lên trong tình trạng lạm phát những tháng cuối năm đang gia tăng. Về lý thuyết kinh tế trong ngắn hạn, tỷ lệ thất nghiệp tỷ lệ nghịch với mức lạm phát. Điều này được lý giải thế nào cho hiện tượng “nghịch lý” của thị trường lao động Việt Nam cuối năm này: tỷ lệ thất nghiệp tăng và mức lạm phát cũng tăng, thưa ông?

Nghịch lý ở thị trường Việt Nam hoàn toàn có thể hiểu được. Về lý thuyết, trong điều kiện môi trường kinh tế hoạt động đầy đủ theo nguyên tắc thị trường thì lạm phát tăng, thất nghiệp giảm.

Việt Nam có đặc điểm kinh tế đặc thù. Vai trò của Nhà nước, cách thức can thiệp của Nhà nước, Chính phủ cũng rất khác với các quốc gia khác. Vì vậy nghịch lý có thể xảy ra, cộng với thời điểm thực tiễn hiện nay, xu thế lạm phát trong ngắn hạn do nhiều nguyên nhân liên quan đến thị trường tiêu dùng nội địa quy mô 100 triệu dân và tác động bên ngoài, đồng thời thất nghiệp do tác động của chiến tranh, dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng... dẫn đến mất đơn hàng.

Nếu xét về dài hạn, về mặt lý thuyết sẽ quay lại điểm thất nghiệp tự nhiên, tức là mức thất nghiệp đảm bảo cho nền kinh tế tái cấu trúc, tái cơ cấu. Vì vậy các doanh nghiệp cũng tái cấu trúc, cơ cấu lại sản phẩm, ứng dụng công nghệ, đầu tư, lĩnh vực, ngành hàng… dẫn đến phải có sự điều chỉnh lao động. Nó là bình thường, là tốt cho nền kinh tế.

Cần định chế song song với thị trường lao động - Ảnh 6

Vậy làm thế nào để đảm bảo tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả… là vấn đề của chính sách trong dài hạn, liên quan đến việc giải quyết cân bằng cung cầu, giá cả lao động tức tiền lương bình quân. Còn dài hạn là đào tạo. Hiện nay Nhà nước đào tạo, để doanh nghiệp, xã hội sử dụng nhưng điều này lại không theo kịp theo nhu cầu thị trường.

Vì vậy thị trường lao động phải cấu trúc lại để làm sao doanh nghiệp tham gia vào câu chuyện đào tạo, gắn kết phía cầu – tức là cách thức sử dụng lao động hơn là về phía cung.

Như vậy, cần phải có chiến lược, cách thức, bước đi để phát triển nhân lực gắn với cầu hơn là cung. Đối với công  đoàn, các tổ chức khác làm sao để các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quen với nền thị trường cần chủ động tái cấu trúc.

Kinh nghiệm ở các nước chính là quỹ bảo trợ thất nghiệp, chúng ta có nhưng đến nay vai trò của quỹ này chưa được phát huy. Nếu quỹ đó được vận hành tốt thì đến khi tái cấu trúc, doanh nghiệp có thể giải quyết vấn đề lao động dễ dàng hơn. Đây là biện pháp mà Chính phủ cần để ý tới để tạo ra định chế song song với thị trường lao động để tái cấu trúc kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp.

Cần định chế song song với thị trường lao động - Ảnh 7

Hiện các cấp các ngành cũng đã có những chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vậy theo ông để các doanh nghiệp vượt khó trong thời điểm này thì cần sửa đổi cũng như có thêm những giải pháp gì, thưa ông?

Việc hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua khó khăn là hết sức cần thiết. Hiện nay, việc hỗ trợ trực tiếp là chậm. Khi hỗ trợ trực tiếp chậm sẽ không mang tác động nhiều cho doanh nghiệp. Còn về lâu dài thì không nên hỗ trợ trực tiếp vì làm méo mó các quan hệ kinh tế, nên là hỗ trợ gián tiếp thông qua cơ chế, chính sách, thể chể trong đó có chính sách tài chính…

Cần lưu ý cố gắng hỗ trợ trực tiếp thì phải nhanh và kịp thời, không nên lạm dụng hỗ trợ gián tiếp. Về lâu dài nên có hỗ trợ gián tiếp sẽ có tác động tốt hơn với doanh nghiệp và nền kinh tế.

Để thị trường lao động hoạt động hiệu quả thì thông tin về thị trường lao động cần phải thống nhất, kịp thời, gắn liền với cơ sở dữ liệu quốc gia. Nếu không đẩy tới cơ sở dữ liệu quốc gia để có thông tin của các mảng, ngành, lĩnh vực thì chính sách luôn bị chậm, vênh giữa lĩnh vực này, lĩnh vực khác và không có cái nhìn tổng thể.

Cần định chế song song với thị trường lao động - Ảnh 8

VnEconomy 29/12/2022 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52 phát hành ngày 26-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cần định chế song song với thị trường lao động - Ảnh 9