Càng nhiều áp lực, càng cần ưu tiên ổn định vĩ mô - Ảnh 1
Càng nhiều áp lực, càng cần ưu tiên ổn định vĩ mô - Ảnh 2

Thưa ông, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động với nhiều rủi ro, khó khăn và thách thức, chính sách vĩ mô của nước ta cần tập trung vào những vấn đề gì?

Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” bởi kinh tế thế giới đang thay đổi và tiềm tàng nhiều rủi ro khác nhau trong các lĩnh vực từ thương mại, đầu tư cho tới hợp tác kinh tế. Đó là nguy cơ thiếu hụt nguồn dầu mỏ từ các cuộc chiến tranh ở Trung Đông, khả năng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, hay những căng thẳng thương mại ở những khu vực kinh tế khác… sẽ làm dòng chảy thương mại bị đình trệ, đứt đoạn…

Là nền kinh tế có độ mở cao trong khu vực, chỉ sau Singapore, Việt Nam phải có chính sách dự phòng cho những tác động tiêu cực từ rủi ro quốc tế về kinh tế, đặc biệt là sự thay đổi chính sách từ những nền kinh tế “đầu tàu” thế giới như Mỹ, EU, Trung Quốc hay Trung Đông…

Trong bối cảnh đó, vai trò của chính sách vĩ mô là tạo sự ổn định thị trường, điều chuyển dòng chảy vốn đến doanh nghiệp trong khu vực đang hoạt động chưa tốt và những doanh nghiệp có vai trò trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân, như: năng lượng, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu. Để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam có thể sử dụng công cụ tài khóa thông qua các chính sách liên quan tới giá, thuế và phí… để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước ổn định sản xuất và kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, các công cụ tài khóa sẽ phát huy hiệu quả với nền kinh tế.

Càng nhiều áp lực, càng cần ưu tiên ổn định vĩ mô - Ảnh 3

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích doanh nghiệp sản xuất, nhưng đến thời điểm này, tín dụng vẫn ảm đạm và mức lãi suất hiện nay vẫn cao so với sức khỏe doanh nghiệp. Nhiều dự báo cũng cho thấy áp lực tỷ giá đối với Việt Nam cũng đang gia tăng. Vậy, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Cần phải đặt câu chuyện doanh nghiệp trong bức tranh tổng thể, bởi bối cảnh khó khăn hiện nay diễn ra trên toàn cầu, không chỉ tại Việt Nam. Những nền kinh tế hàng đầu châu Âu như Pháp, Đức… cũng đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa những tháng đầu năm 2024. Doanh nghiệp của họ cũng gặp khó khăn trong vay vốn và đang chịu áp lực gia tăng chi phí sản xuất. Nhiều doanh nghiệp cũng co lại để chờ đợi cơ hội mới, điều kiện thị trường mới phù hợp hơn.

Đây không chỉ là giai đoạn Việt Nam phải ứng phó với bối cảnh thế giới, mà cần phải chuyển đổi mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp và định hướng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng. Sự chuyển đổi này không là “mệnh lệnh” của cơ quan quản lý mà xuất phát từ chính thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng.

Càng nhiều áp lực, càng cần ưu tiên ổn định vĩ mô - Ảnh 4

Về tiếp cận vốn, tôi cho rằng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng là mối quan hệ thị trường. Chúng ta cần có những nghiên cứu cụ thể hơn xem xét lĩnh vực nào đang gặp khó khăn để có những định hướng cụ thể. Vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) rất lớn vì họ biết doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn nào. Với nghiên cứu cụ thể, Chính phủ sẽ có giải pháp hay chính sách phù hợp cho từng nhóm doanh nghiệp. Không có lý do gì dự án có tiềm năng mà không nhận được nguồn vốn đầu tư từ ngân hàng.

Để giải quyết bài toán áp lực tỷ giá, Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế sử dụng đồng USD trong giao dịch thương mại toàn cầu, cần phải theo dõi thường xuyên “sức khỏe” của kinh tế Mỹ, sự biến động của giá trị đồng USD dựa trên chính sách tiền tệ của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thời gian qua, để ứng phó với lạm phát, Fed nhiều lần tăng lãi suất, động thái này đẩy giá trị đồng USD tăng lên và kéo dòng vốn đầu tư từ Mỹ đang ở nước ngoài quay trở lại Mỹ. Tình trạng này tạo áp lực giảm giá của những đồng nội tệ ở những quốc gia bên ngoài Mỹ.

Áp lực này sẽ kéo dài một vài tháng nữa bởi hiện nay lạm phát tại Mỹ đã giảm nhưng chưa về mức 2% như kỳ vọng nên Fed vẫn chưa thể hạ lãi suất, điều này tiếp tục tạo áp lực về tỷ giá cũng như lạm phát cho Việt Nam.

Trên đây là hai thách thức lớn mà nền kinh tế cần phải cân đối trong những tháng tới. Bên cạnh đó, sự biến thiên về giá của vàng trong thời gian gần đây ở thế giới cũng như Việt Nam cũng cần được theo dõi.

Càng nhiều áp lực, càng cần ưu tiên ổn định vĩ mô - Ảnh 5

Như ông chia sẻ, giá vàng không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới cũng đang xáo trộn, nhưng giá vàng Việt Nam lại cao hơn rất nhiều so với thế giới. Ông có nhận định thế nào về hiện trạng này?

Từ 2010-2017, tôi có một số bài nghiên cứu về giá vàng thế giới đặt trong bối cảnh nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm những cơ hội sinh lời ở những loại tài sản khác với chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu đi xuống hoặc được định giá quá cao so với giá trị thực của doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ cho thị trường, vàng trở thành tài sản đầu tư thay thế. Có một điểm cần lưu ý, trong khi chứng khoán “nhạy cảm” với lãi suất thì vàng chưa chắc như vậy. Vàng tăng giá bởi 2 yếu tố chính, đó là khi thị trường tài chính ở trạng thái không tốt, không tăng như kỳ vọng và bối cảnh kinh tế trở nên khó khăn, bất định.

Ở Việt Nam, khi sự hiểu biết về vận hành nền kinh tế và thị trường tài chính nói chung còn hạn chế thì các nhà đầu tư cá nhân thường chạy theo xu thế. Cùng với đó, các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng tranh thủ cơ hội kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Điều này vô hình chung đã đẩy vàng tăng giá tại Việt Nam.

Càng nhiều áp lực, càng cần ưu tiên ổn định vĩ mô - Ảnh 6

Với phân tích như vậy, ông dự báo như thế nào về thị trường vàng, lãi suất hay tỷ giá trong thời gian tới và có khuyến nghị gì với cơ quan quản lý trong điều hành hiệu quả hơn?

Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đang áp dụng cơ chế quản lý vàng theo thị trường thông qua khung khổ pháp luật kiểm soát giao dịch liên quan tới vàng, gồm: giá cả, giấy tờ giao dịch, thuế giá trị gia tăng từ kinh doanh vàng,… bởi thực tế là rất khó để quản lý giá vàng theo thời vụ và can thiệp chính sách từ góc độ của Ngân hàng Trung ương hay Nhà nước. Do đó, Việt Nam nên nghiên cứu tạo ra khung quản lý giao dịch vàng về số lượng, chất lượng và giá cả giao dịch, hệ thống thuế liên quan tới thuế giá trị gia tăng, giá trị lợi nhuận mà các nhà đầu tư thu được từ kinh doanh vàng… Từ đó thị trường sẽ minh bạch, Nhà nước ít phải can thiệp hơn trong tương lai. Ở Việt Nam, giá vàng càng lên cao thì người dân lại đổ xô đi mua vàng, điều này trái ngược với những quốc gia phát triển ở châu Âu. 

Về tỷ giá và lãi suất, cần theo sát sự biến động của tình hình kinh tế thế giới để có những chuẩn bị hay cân nhắc chính sách điều chỉnh về tiền tệ, tài khóa. Như tôi đã phân tích ở trên, chính sách tài khóa lúc này có thể hỗ trợ để giữ chính sách tiền tệ ổn định. Việt Nam cần tiếp tục phát đi thông điệp ưu tiên ổn định vĩ mô, đảm bảo giữ ổn định giá cả.

Cùng với đó, theo dõi sát sao nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc,... bởi đây là những thị trường có giao dịch thương mại lớn với Việt Nam. Đặt vai trò của chính sách tài khóa như bệ đỡ mới, tạo ra hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, ít nhất là quý 2 và quý 3/2024. Hy vọng rằng, nền kinh tế thế giới sẽ có chuyển biến tích cực trong giai đoạn tới.

Càng nhiều áp lực, càng cần ưu tiên ổn định vĩ mô - Ảnh 7

AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu) là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Paris, tập hợp những trí thức, chuyên gia cấp cao và nhà khoa học uy tín trên nhiều lĩnh vực ở phạm vi toàn cầu.

Với hơn 300 nguồn lực có mặt trên hơn 20 quốc gia và làm việc thường xuyên trong các dự án chiến lược, 2.000 chuyên gia hỗ trợ, và 10.000 người có thể kết nối, AVSE Global thực hiện các chương trình, dự án chiến lược thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam thông qua 12 mạng lưới chuyên gia, 10 hội thảo và diễn đàn chính sách quốc tế hàng năm, 20 chương trình đào tạo cấp cao và 10 dự án tư vấn lớn, trong đó có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố và các báo cáo chuyên ngành trên nhiều chủ đề trọng yếu, như: thương hiệu quốc gia, giáo dục đào tạo, chiến lược thu hút nhân tài, kinh tế - tài chính, quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, năng lượng.

13 năm - một hành trình, với nhiệt huyết và sự nỗ lực không ngừng của các thành viên, AVSE Global đã đạt được những thành tựu đáng kể trong ba trụ cột phát triển cốt lõi: Tài năng - Đổi mới - Bền vững. Từ đó khẳng định vai trò và uy tín của một tổ chức quy tụ tri thức Việt toàn cầu, góp phần không nhỏ vào việc tạo nền móng vững chắc cho công cuộc hướng tới một tương lai chất lượng, đảm bảo và bền vững của Việt Nam.

Tại Lễ kỷ niệm 13 năm thành lập AVSE Global (21/05/2011 - 21/05/2024) tại Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, nhấn mạnh đến khát vọng hợp lực nâng tầm vị thế Việt Nam.

Trải qua hơn một thập kỷ theo đuổi khát vọng hợp lực nâng tầm vị thế Việt Nam với nhiều đổi thay, AVSE Global vẫn sẵn sàng chinh phục các thử thách để khẳng định uy tín. Tầm nhìn của Tổ chức là đến năm 2030 tạo nên hệ sinh thái dựa trên tri thức, nơi cung cấp đáng tin cậy các giải pháp tư vấn chiến lược, chính sách thiết thực, mạng lưới tài năng vững mạnh và nền tảng hiệu quả để chuyển đổi kiến thức vào sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam.

Càng nhiều áp lực, càng cần ưu tiên ổn định vĩ mô - Ảnh 8

VnEconomy 27/05/2024 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2024 phát hành ngày 27/05/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Càng nhiều áp lực, càng cần ưu tiên ổn định vĩ mô - Ảnh 9