14:19 12/11/2021

Cảnh báo các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trong Microsoft

Hồng Vinh

NCSC vừa cảnh báo các cơ quan, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến 7 lỗ hổng bảo mật gồm CVE-2021-42321, CVE-2021-38631, CVE-2021-41371, CVE-2021-42292, CVE-2021-26443, CVE-2021-43208 và CVE-2021-43209…

Lỗ hổng bảo mật CVE-2021-42321 trong Microsoft Exchange Server cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.
Lỗ hổng bảo mật CVE-2021-42321 trong Microsoft Exchange Server cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã phát hành văn bản cảnh báo rộng rãi số 1582/CATTT-NCSC về các lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng cao và nghiêm trọng trong các sản phẩm Microsoft công bố tháng 11/2021. Trước đó ngày 10/11, Microsoft đã phát hành danh sách bản vá tháng 11 với 55 lỗ hổng bảo mật trong các sản phẩm của hãng.

Trong bản phát hành tháng 11 này, đáng chú ý các lỗ hổng bảo mật như lỗ hổng bảo mật CVE-2021-42321 trong Microsoft Exchange Server cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa. Không giống như các lỗ hổng zero-day liên quan đến các vụ tấn công hàng loạt hệ thống Exchange Server vào đầu năm nay, để khai thác lỗ hổng CVE-2021-42321 kẻ tấn công cần xác thực vào hệ thống mục tiêu.

 
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) nhận định: Microsoft Exchange Server luôn là một mục tiêu ưu thích của các nhóm tấn công mạng. Vì vậy, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần có kế hoạch cập nhập sớm các hệ thống bị ảnh hưởng.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC).

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) nhận định: Microsoft Exchange Server luôn là một mục tiêu ưu thích của các nhóm tấn công mạng. Vì vậy, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần có kế hoạch cập nhập sớm các hệ thống bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, 2 lỗ hổng bảo mật CVE-2021-38631, CVE-2021-41371 trong Microsoft Remote Desktop Protocol (RDP) ảnh hưởng đến Windows 7 đến Windows 11 và trên Windows Server 2008-2019, cho phép đối tượng tấn công có thể thu thập thông tin mật khẩu RDP của hệ thống dễ bị tấn công.

Bên cạnh đó, lỗ hổng bảo mật CVE-2021-42292 trong Microsoft Excel ảnh hưởng đến Microsoft Excel phiên bản 2013-2021, cho phép đối tượng tấn công cài cắm mã độc chỉ bằng cách lợi dụng người dùng mở một tệp Excel độc hại.

Đồng thời, lỗ hổng bảo mật CVE-2021-26443 trong Microsoft Virtual Machine Bus (VMBus) cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.

Cuối cùng, 2 lỗ hổng bảo mật CVE-2021-43208, CVE-2021-43209 trong 3D Viewer cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.

Nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin, biện pháp tốt nhất để khắc phục là cập nhật bản vá cho các lỗ hổng bảo mật nói trên theo hướng dẫn của hãng. Trung tâm NCSC khuyến nghị người dùng tham khảo các bản cập nhật phù hợp cho các sản phẩm đang sử dụng tại link: https://msrc.microsoft.com/update-guide/releaseNote/2021-Nov

Trung tâm NCSC khuyến nghị tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam; tổ chức đánh giá, thống kê và đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo rộng rãi về các nguy cơ mất an toàn thông tin để người dùng biết và phòng tránh; đồng thời liên tục có văn bản cảnh báo, đôn đốc việc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước triển khai rà soát những điểm yếu, lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.

Thời gian qua, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục công bố lỗ hổng bảo mật có mã CVE-2021-40444 trong Microsoft Windows. Lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng đến các phiên bản Windows 7/8/8.1RT/10 và Windows Server 2008/2012/2016/2019/2022.

Lỗ hổng bảo mật mới có mã lỗi CVE-2021-40444 cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa trong MSHTML. Đây là một thành phần của hệ điều hành được dùng bởi khá nhiều chương trình của Microsoft như: Microsoft Office, bao gồm Word và PowerPoint...