Cảnh giác với dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng
Theo quy luật, từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, dịch bệnh sốt xuất huyết mới xuất hiện. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Thế nhưng, hiện nay mới tháng 3 nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng. Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện cả nước đã ghi nhận gần 42.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 2 trường hợp tử vong.
Nếu như trong năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội giảm gần 90% thì những tháng đầu năm 2019, số mắc lại có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm đến ngày 17-3, thành phố đã ghi nhận 144 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018), bệnh nhân xuất hiện rải rác tại 95 xã, phường, thị trấn của 27 quận, huyện, thị xã và chưa có ca tử vong. Ngoài việc các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng bệnh.
Cần chủ động phòng chống dịchBệnh sốt xuất huyết (SXH) do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Thời kỳ chuyển giao giữa mùa xuân sang mùa hè và cũng là đầu mùa dịch bệnh SXH bắt đầu tăng cao. Thời điểm này, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã lên các phương án đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết. Ông Phạm Hữu Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ba Đình dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, chiến dịch vệ sinh môi trường trên địa bàn quận cũng thay đổi so với mọi năm. Thay vì triển khai mỗi năm mấy đợt vệ sinh môi trường, quận chỉ đạo mỗi đơn vị phải thực hiện vệ sinh môi trường vào tuần cuối cùng hằng tháng. Hiện, quận đã củng cố lại đội ngũ nhân lực phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhất là đội ngũ công nhân tham gia phun hóa chất diệt muỗi.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, không đợi có dịch mới chống mà phải chủ động xây dựng kế hoạch với những nội dung, tình huống, biện pháp ứng phó cụ thể như khi chưa có dịch, khi có bệnh nhân mà chưa có ổ dịch, số ca mắc gia tăng... Hiện nay, những nơi chưa có bệnh nhân thì giám sát véc tơ truyền bệnh, nếu số véc tơ cao thì phải vệ sinh môi trường và tuyên truyền cho người dân xử lý khu vực tập trung bọ gậy, lăng quăng chứ không đợi có bệnh nhân mới làm. Với việc phòng chống dịch bệnh này, riêng ngành Y tế không thể làm được mà phải dựa vào cộng đồng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người dân.
Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm sốt xuất huyếtHiện Việt Nam chưa có hệ thống cảnh báo sớm dự đoán khả năng bùng phát các đợt dịch sốt xuất huyết. Do đó, từ tháng 6-2019, dự án "Hệ thống dự báo mô hình sốt xuất huyết dựa trên số liệu vệ tinh" (D-MOSS) sẽ được triển khai tại Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai và Đắk Lắk dưới sự trợ giúp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, sốt xuất huyết là một dịch bệnh truyền nhiễm theo chu kỳ có liên quan đến các yếu tố như: Đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Việc xây dựng được hệ thống cảnh báo sớm sốt xuất huyết sẽ giúp ngành Y tế các địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh được tốt hơn, từ đó giảm thiểu tác động và thiệt hại.Bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, vì sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do các vi rút khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí, có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dù sốt xuất huyết là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng khoảng 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng do giảm thể tích, nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau người kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... thì nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời. Theo chuyên gia, đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà. Chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối. Vì vậy, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế, mỗi người dân cần chủ động, có ý thức dọn nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không treo nhiều quần áo để làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng, trồng các cây chống muỗi… Đây là cách thiết thực, hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch và giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan ra cộng đồng.