08:48 03/07/2025

Kê đơn thuốc: Cần ý thức tuân thủ của cả người bán và người mua

Hoài Phương

Hệ thống nhà thuốc cần tuân thủ việc bán thuốc theo đơn. Chỉ có kiểm tra nghiêm ngặt việc bán thuốc theo đơn mới chấm dứt được việc tự ý mua thuốc hoặc một đơn thuốc được người dân dùng để mua thuốc nhiều lần…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư mới đây vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ V.T.D., 26 tuổi (trú tại Lạng Sơn) trong tình trạng ngứa ngáy, sưng phù toàn thân, đỏ da, kèm theo loét niêm mạc miệng, mũi... Trước khi nhập viện, bệnh nhân đau răng, tự ý mua thuốc giảm đau tại hiệu thuốc gần nhà nhưng không thông báo với dược sĩ về tiền sử mắc lupus ban đỏ đang điều trị.

Ngày hôm sau, khi xuất hiện triệu chứng sốt, chị tiếp tục tự mua thuốc cảm về uống. Sau một ngày dùng thuốc, bệnh nhân nổi ban đỏ, ngứa, sưng phù toàn thân, được chẩn đoán dị ứng thuốc. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Khoa Nội tổng hợp, cho biết bệnh nhân bị tổn thương do dị ứng thuốc còn gây suy thận cấp, protein niệu cao kèm tình trạng nhiễm trùng toàn thân rất nặng.

TỰ Ý MUA – BÁN THUỐC KHÔNG CẦN ĐƠN

Vụ việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy hiểm khi người dân tự ý mua thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Khi gặp các vấn đề về sức khỏe thay vì đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, kê đơn thì nhiều người dân đến các quầy thuốc thông báo triệu chứng gặp phải để mua thuốc.

Kê đơn thuốc: Cần ý thức tuân thủ của cả người bán và người mua - Ảnh 1

Ở chiều ngược lại, theo quy định hiện hành, nhà thuốc phải tuân thủ bán thuốc đúng toa, đảm bảo thuốc đúng chất lượng và số lượng. Thế nhưng, không chỉ là các loại thuốc thông thường như hạ sốt, giảm đau, ho, sổ mũi, cảm cúm... mà nhiều loại kháng sinh, kể cả các loại thuốc thuộc diện bắt buộc phải bán theo đơn, vẫn được các quầy thuốc bán tự do cho người dân.

Chưa kể, vì một số lý do, nhiều nhà thuốc vẫn tự ý đổi thuốc của người bệnh. Trong khi đó, người bệnh tin tưởng dược sĩ, mua các loại thuốc theo tư vấn mà không lường trước được những hiểm họa có thể xảy ra. Thậm chí giờ đây, chỉ cần gõ từ khóa “mua thuốc online” tại thanh công cụ tìm kiếm của mạng xã hội Facebook, người dùng sẽ nhận được kết quả là sự xuất hiện của hàng loạt hội nhóm buôn bán, trao đổi thuốc.

“Cam kết rẻ hơn thị trường”, “Vận chuyển tận nhà sau khi chốt đơn”… là một số trong những lời mời chào hấp dẫn, khiến việc mua bán trên các hội nhóm này trở nên nhộn nhịp. Đáng chú ý, chỉ cần để lại địa chỉ và báo số lượng, bất kỳ ai cũng có thể mua thuốc kê đơn mà không cần bất cứ điều kiện nào khác.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, dị ứng thuốc có thể gây ra những triệu chứng như: ngứa, nổi mề đay, phù, khó thở… thậm chí rất nặng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh. Đặc biệt, sốc phản vệ là trường hợp nặng nhất của dị ứng thuốc kháng sinh, dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu đúng, kịp thời.

Kê đơn thuốc: Cần ý thức tuân thủ của cả người bán và người mua - Ảnh 2

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo, kháng thuốc là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất toàn cầu. Việt Nam đang trong nhóm 10 quốc gia có tình trạng kháng thuốc cao nhất thế giới.

Trong hội nghị Truyền nhiễm của Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức tháng 3 vừa qua, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, báo cáo tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh đang lan rộng khắp thế giới như một đại dịch gây ra khoảng 5 triệu ca tử vong mỗi năm và trở thành một trong những kẻ giết người lớn nhất thế giới.

BỎ QUY ĐỊNH ĐƠN THUỘC HIỆU LỰC TRONG 5 NGÀY

Thông tư số 26/2025 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/7 do Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành, có nhiều điểm mới so với trước đây. 

Theo đó, việc kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 30 ngày, trừ một số trường hợp bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép. Những trường hợp này sẽ được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, không quá 90 ngày (trước đây giới hạn tối đa là 30 ngày) đối với mỗi thuốc.

Các chuyên gia đánh giá động thái này sẽ giúp giảm thiểu việc kê đơn thuốc sai hoặc không phù hợp với tình trạng bệnh lý của người bệnh. Từ đó, bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu chi phí điều trị không cần thiết.

Trong lần sửa đổi này, Bộ Y tế không quy định cụ thể thời hạn hiệu lực của đơn thuốc, thay vào đó "người kê đơn có trách nhiệm khuyến cáo người bệnh về thời hạn tốt nhất để mua thuốc". Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn quy định người bệnh hoặc người đại diện phải lĩnh thuốc trong thời hạn tối đa 5 ngày kể từ ngày kê đơn.

Kê đơn thuốc: Cần ý thức tuân thủ của cả người bán và người mua - Ảnh 3

Thông tư cũng đưa ra các nguyên tắc kê đơn rõ ràng. Bác sĩ chỉ được kê đơn sau khi có kết quả khám bệnh và chẩn đoán. Đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán và mức độ bệnh, đảm bảo an toàn, hợp lý, hiệu quả cho người dân. Đơn thuốc cần ghi đầy đủ thông tin về tên thuốc, nồng độ hoặc hàm lượng, số lượng, liều dùng, đường dùng, thời điểm sử dụng và thời gian điều trị.

Trong danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày có 16 nhóm và 252 bệnh. Đây là các bệnh về nhiễm trùng, ký sinh trùng; bệnh của máu; bệnh tâm thần; bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa; thai nghén, sinh đẻ và hậu sản…

Các bệnh mạn tính phổ biến được cấp thuốc tới 90 ngày như tăng huyết áp, một số mã của bệnh đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), rối loạn lo âu, trầm cảm, ung thư vú, ung thư tuyến giáp, viêm gan B mạn tính, Thalassemia, Parkinson, mất trí trong bệnh Alzheimer... 

Thông tư cũng quy định về kê đơn thuốc điện tử. Theo lộ trình, các bệnh viện phải thực hiện kê đơn điện tử trước ngày 1/10/2025, còn các cơ sở khám chữa bệnh khác phải hoàn thành trước ngày 1/1/2026.

Trước đó, quy định đơn thuốc có giá trị mua, lĩnh thuốc trong thời hạn tối đa 5 ngày, kể từ ngày kê đơn thuốc. Tuy nhiên, trong một số tình huống bệnh mạn tính, một đơn thuốc có thể cho phép uống tới 30 ngày, người bệnh vì lý do nào đó mua trễ sang ngày thứ 6, thì lại không mua được thuốc do đơn thuốc hết hiệu lực, gây khó dễ cho người bệnh.

Kê đơn thuốc: Cần ý thức tuân thủ của cả người bán và người mua - Ảnh 4

Vì vậy Bộ Y tế đã lấy ý kiến để bỏ quy định một đơn thuốc chỉ có giá trị trong 5 ngày, để cho bác sĩ tùy tình trạng bệnh mà quy định với bệnh nhân. Dù vậy, người dân vẫn cần đặc biệt chú ý đến tình trạng tự ý dùng lại đơn thuốc cũ mà không khám lại.

Lấy ví dụ các bệnh mạn tính như cao huyết áp, sau một thời gian bệnh đã có sự tăng nặng thêm, huyết áp tăng dần, đơn thuốc cũ không còn đáp ứng, nếu cứ uống theo đơn cũ, có khi không khống chế được bệnh, thậm chí gây tai biến nguy hiểm.

Hoặc như bệnh đái tháo đường, đường máu đáp ứng với thuốc uống chỉ trong một giai đoạn nhất định, sẽ có lúc phải phối hợp thuốc hoặc đã đến lúc phải chuyển sang giai đoạn tiêm insulin. Nếu người bệnh chủ quan, chỉ uống theo đơn cũ, có thể đường máu lên quá cao gây hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.