Nhiều hướng đi mới cho điện ảnh Việt
Đầu năm 2025, điện ảnh Việt chứng kiến loạt dự án doanh thu trăm tỉ. Dịp lễ 30/4 vừa qua, lần đầu tiên có đến 2 dự án phim trong nước vượt mốc doanh thu trăm tỉ đồng trong cùng 1 ngày là “Thám tử Kiên” và “Lật mặt 8”…

Đến hiện tại, các phim Việt ra rạp lại không còn được khán giả đón nhận, thậm chí nhiều phim đối diện với nguy cơ thua lỗ. “Âm dương lộ”, “Năm mười”, “Tìm xác”, “Dưới đáy hồ”, “Trạng Quỳnh nhí”, “Dế Mèn”... đều không tạo ra mức doanh thu khả quan.
Thậm chí, “Út Lan: Oán linh giữ của” có tốc độ bán vé khá chậm dù được các nhà rạp xếp suất chiếu nhiều. Hay “Năm mười” - dự án nhận nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả, chỉ thu về hơn 2 tỉ đồng và đối diện nguy cơ thua lỗ nặng...
Trong khi đó, các bom tấn ngoại đổ bộ rạp Việt liên tục. Nhiều dự án chất lượng được khán giả đón nhận, trong đó, phim “Doraemon 44” đã vượt mốc trăm tỉ và liên tục đứng tốp 1 phòng vé nhiều tuần qua.
NHỮNG DÒNG PHIM THẾ MẠNH
Tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng đang diễn ra, "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết kim ngưu" là bộ phim hoạt hình duy nhất ở hạng mục Phim Việt Nam dự thi. Hầu hết giới chuyên môn và báo chí đều dành lời khen cho chất lượng phim cũng như sự nỗ lực và tâm huyết của ê kíp thực hiện.

Tuy nhiên, doanh thu phòng vé không được như kỳ vọng, điều này khiến đạo diễn Trịnh Lâm Tùng khá buồn vì đã không thể kéo được nhiều người xem hơn đến rạp. Dù vậy, anh khẳng định đây là một bước tiến đối với phim hoạt hình Việt Nam. Đạo diễn tin rằng, các nhà đầu tư, nhà sản xuất sẽ cởi mở hơn, tin tưởng hơn khi rót kinh phí cho phim hoạt hình, đồng thời người làm phim cũng sẽ tự tin hơn khi bắt tay vào thể loại này.
Ở hội thảo về sự phát triển điện ảnh, hoạt động thuộc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2025, ông Charles Kim, nhà sản xuất và ủy viên Liên hoan phim Truyền phát Quốc tế Hàn Quốc (KISF), đánh giá điện ảnh Việt phát triển nhanh ở lượng khán giả đến rạp và trên nền tảng số. Tuy nhiên, ông cho rằng dòng phim thương mại đang bị chiếm lĩnh bởi thể loại hài gia đình và kinh dị.
"Những phim này thu hút khán giả nội địa, nhưng khó vượt ra toàn cầu vì thiếu sự đa dạng về cảm xúc - yếu tố giúp điện ảnh chạm đến công chúng", ông Kim nhận định. "Điện ảnh Việt đứng trước bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển: tiếp tục đi theo lối mòn quen thuộc với công thức dễ sinh lời nhưng thiếu sức bền, hay cần tái cấu trúc hệ sinh thái điện ảnh, mở rộng thể loại, nội dung có chiều sâu và thúc đẩy hợp tác sản xuất quốc tế".
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Nội dung CJ CGV Việt Nam, yếu tố truyền thống khiến nhiều khán giả quan tâm, đó cũng là điểm mạnh của phim Việt so với tác phẩm nước ngoài. "Tuy vậy, chúng ta cần cân bằng giữa việc đáp ứng thị hiếu nội địa và chiến lược mở rộng thị trường. Nếu được đầu tư bài bản về nội dung và hình thức, việc khai thác đề tài quen thuộc vẫn có thể song hành những dự án có sức sáng tạo", ông nói.

Bên cạnh đó, một trong những nét nổi bật nhất của Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng năm nay là chương trình “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh”. Theo nghệ sỹ ưu tú, đạo diễn Đặng Thái Huyền, từ việc chỉ có thể nói về chiến tranh theo một cách, điện ảnh đã có thể nói về chiến tranh theo nhiều cách khác nhau.
Phim không còn là công cụ tuyên truyền một chiều mà trở thành không gian để xã hội đối thoại về quá khứ. Đây là dòng phim thể hiện rõ nhất tiến trình phát triển nhận thức lịch sử và cảm quan thẩm mỹ của xã hội Việt Nam hiện đại.
Tại Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã phân tích vai trò ngày càng rõ nét của các nhà làm phim tư nhân đối với đề tài chiến tranh. Qua khảo sát các phim "Dòng máu anh hùng," "Áo lụa Hà Đông" hay gần đây nhất là phim "Địa đạo: Mặt Trời trong bóng tối," bà Trịnh Thanh Nhã cho rằng sự tham gia tích cực của các nhà làm phim tư nhân sẽ giúp điện ảnh Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với sản xuất phim chiến tranh chính là vốn. Dòng phim này yêu cầu đầu tư lớn về mọi mặt. Thế nên khi kinh phí hạn hẹp, điều đó phần nào sẽ ảnh hưởng lớn đến sự sáng tạo của những người làm phim. Do vậy, phim về đề tài chiến tranh cách mạng ở Việt Nam cần tiếp tục được sự quan tâm đầu tư đúng mức.

CƠ HỘI ĐỂ VƯƠN RA THẾ GIỚI
Điện ảnh là lĩnh vực mang tính toàn cầu cao. Việc học hỏi, hợp tác và giao lưu quốc tế luôn là yếu tố thúc đẩy sự phát triển cả về kỹ thuật, nội dung lẫn tư duy nghệ thuật. Với Việt Nam, tinh thần liên kết quốc tế trong ngành điện ảnh đã được hình thành từ sớm và ngày càng sâu rộng hơn trong những năm gần đây.
Nhiều dự án hợp tác sản xuất giữa Việt Nam và các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức đã góp phần làm nên những bộ phim có chất lượng tốt, đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Các tác phẩm như "Mùi đu đủ xanh" (đề cử Oscar), "Cha cõng con," "Hai Phượng," "Những đứa trẻ trong sương," hay phim "Ròm" của đạo diễn Trần Thanh Huy không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh, các đạo diễn, biên kịch tầm cỡ quốc tế.
Tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2025, bộ phim “Love in Vietnam”, dự án hợp tác sản xuất điện ảnh đầu tiên giữa Việt Nam và Ấn Độ, đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác văn hóa giữa hai quốc gia. Bộ phim do đạo diễn Ấn Độ Rahhat Shah Kazmi thực hiện, với nhiều cảnh quay được ghi lại tại thành phố Đà Nẵng và các địa danh du lịch nổi tiếng ở Việt Nam tạo nên sự kết nối tuyệt vời giữa điện ảnh và du lịch.

Việc Việt Nam trở thành nước chủ nhà các liên hoan phim quốc tế cũng mang đến cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần này, hơn 50 gương mặt trẻ của Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc đã được lựa chọn để tham gia hai lớp diễn xuất cơ bản và nâng cao trong 5 ngày liên tiếp.
Ban tổ chức hi vọng workshop ươm mầm tài năng 2025 với những chương trình đào tạo chuyên sâu, sáng tạo và mới mẻ sẽ tiêp tục là bệ phóng diễn xuất cho những gương mặt điện ảnh triển vọng trong tương lai.
Đặc biệt, liên hoan phim còn tạo động lực mạnh mẽ cho các đạo diễn trả, sinh viên điện ảnh và các nhà làm phim độc lập. Khi tác phẩm của họ được lựa chọn trình chiếu, tham gia các phiên pitching tại vườn ươm dự án, cơ hội học hỏi và phát triển nghề nghiệp cũng theo đó mà mở ra.
Đây là thời điểm thích hợp để ngành điện ảnh chủ động thay đổi, từ tư duy sáng tạo đến cách tổ chức sản xuất, từ mô hình phát hành đến chiến lược quảng bá. Việc tăng cường hợp tác quốc tế, cải thiện môi trường đào tạo và mở rộng sân chơi thông qua các liên hoan phim là những giải pháp không thể thiếu.
Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng năm nay diễn ra trong bảy ngày, từ 29/6 đến 5/7. Chương trình tranh giải gồm hai hạng mục quan trọng: Phim châu Á và Phim Việt Nam. Sự kiện còn có nhiều tọa đàm, hội thảo nhằm đánh giá vị trí của phim điện ảnh Việt trong việc quảng bá hình ảnh ra thế giới.