Đón đầu nhu cầu du lịch xanh
Trước sự thay đổi trong nhu cầu và hành vi của du khách, nhiều doanh nghiệp du lịch đang tích cực tái định vị sản phẩm, phát triển các loại hình mới như du lịch xanh, du lịch cộng đồng hay tour cá nhân hóa...

Thời gian qua tại Thừa Thiên Huế, "Một ngày du lịch Net Zero ở Huế" là mô hình du lịch được iVietnam Travel đưa vào khai thác thử nghiệm. Đây được xem là sản phẩm du lịch "Net Zero tour" chuyên nghiệp đầu tiên trên địa bàn với mong muốn chuyển tải những thông điệp xanh, bảo vệ môi trường. Các hoạt động khám phá, trải nghiệm tại tour du lịch này đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ du khách.
XANH VÀ TRẢI NGHIỆM SÂU
Du khách sẽ bắt đầu hành trình bằng phương tiện chuyển đổi xanh, sử dụng chai thủy tinh thay cho chai nhựa, sử dụng túi vải thay cho túi nilon. Hai điểm dừng chân trên hành trình tour là các điểm đến thuộc Dự án "Huế đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" là làng sinh thái Thủy Biều và KODO Hue Hub - Tổ hợp Văn hóa - Giáo dục - Nghệ thuật.
Hoạt động cuối hành trình tour là hoạt động chèo thuyền SUP ngắm hoàng hôn, kết hợp với hoạt động vớt rác bảo vệ nguồn nước sông Hương. Trong các bữa ăn thực dưỡng, du khách sẽ được ưu tiên sử dụng thực phẩm địa phương và cân đối lượng vừa đủ... Theo bà Nguyên Anh, CEO iVietnam Travel, lộ trình để chuyển đổi "Net Zero tour" bao gồm 3 bước: Tính toán được chính xác lượng khí thải mà chuyến đi tạo ra; Cắt giảm lượng khí thải carbon; Bù đắp lượng khí thải carbon bằng việc trồng thêm cây xanh.

"Chi phí cho "Net Zero tour" cao hơn tour truyền thống trung bình từ 10 - 15%, tuy nhiên, giá trị của tour mang lại rất lớn như: Giảm lượng phát thải rác ra môi trường; Xây dựng một cộng đồng du lịch bền vững ngay tại địa phương; Thay đổi tư duy khách hàng... Ngoài ra, sẽ bù đắp được phần nào khí CO2 mà ngành Du lịch đã thải ra môi trường", bà Nguyên Anh chia sẻ.
Sự đa dạng này của tour du lịch xanh theo hướng cá nhân hóa không chỉ mở rộng lựa chọn cho du khách hay tăng cơ hội phát triển sản phẩm cho các địa phương mà còn hướng doanh nghiệp tới phát triển bền vững.
Công ty Du lịch Vietravel hiện đang mở rộng các dòng sản phẩm mang trách nhiệm xã hội như du lịch xanh, du lịch giáo dục và du lịch cộng đồng. Song song đó, đơn vị cũng chủ động tham gia các tiến trình liên kết phát triển du lịch liên vùng, đặc biệt tại các hành lang kinh tế - du lịch trọng điểm.
Đáng chú ý, trong năm 2026, đơn vị sẽ ra mắt 2 dòng sản phẩm mới gồm Vietravel Signature - dòng tour cao cấp cá nhân hóa dành cho khách thượng lưu và Vietravel Young - sản phẩm thiết kế riêng cho thế hệ Z và Alpha. Ngoài ra, doanh nghiệp đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái tour Xuyên Việt thế hệ mới, thiết kế theo lộ trình liên vùng, đẩy mạnh kết nối điểm đến theo chiều sâu trải nghiệm.
Ông Nguyễn Dương Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietourist Holdings (VTD), cho biết: “Công ty chúng tôi đang tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch có chiều sâu để đáp ứng đúng nhu cầu chữa lành của du khách.

Các chuyến hành trình của chúng tôi không chỉ lồng ghép yoga, thiền, tắm suối giữa thiên nhiên mà còn cho du khách sử dụng thực phẩm xanh, sạch tại địa phương. Chúng tôi đang đầu tư các dự án thực chất như khu du lịch sinh thái và dự án trồng hơn 417 hecta rừng tại Gia Lai nơi du khách có thể tự tay góp một cây xanh. Chúng tôi mong muốn du khách thực sự hòa nhập và để lại những ký ức tốt đẹp khi kết thúc chuyến đi”.
NHỮNG RÀO CẢN CẦN VƯỢT QUA
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, rất nhiều các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại Việt Nam đã thực hành các giải pháp, chiến lược xanh, với những giải pháp rất cụ thể. Điều này tạo nên một xu thế, với những đóng góp tiêu biểu cho du lịch xanh của Việt Nam được thực tiễn hơn”.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều sản phẩm du lịch hiện nay chỉ đang tìm cách “nhuộm xanh” để bắt kịp xu hướng. Các đơn vị tổ chức đôi khi chỉ đơn giản là trồng một vài chậu cây, cấm sử dụng túi nylon, rồi gọi đó là “du lịch xanh”.
Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia cho biết, chỉ khoảng 15% cơ sở lưu trú và điểm đến tại Việt Nam có hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường ở mức cơ bản. Trong đó, các mô hình nổi bật như Cù Lao Chàm, Pù Luông đều đi theo hướng tự thân vận động mà thiếu hỗ trợ rõ ràng từ chính sách.

Có thể thấy, rào cản lớn nhất để phát triển “du lịch xanh” là sự thiếu thống nhất trong định nghĩa và tiêu chuẩn, chưa có bộ quy tắc quốc gia, chưa có khung pháp lý bắt buộc. Điều này khiến doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu và du khách cũng khó nhận biết đâu là “xanh thật”.
Tại sự kiện "Hành trình xanh - Gắn kết bền vững" ngày 29/6 tại TP.HCM, ông Nguyễn Dương Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Vietourist Holdings, cho hay: “Sự chuyển hóa trong nhu cầu du lịch là cơ hội, nhưng cũng là thách thức. Doanh nghiệp buộc phải sàng lọc lại sản phẩm, đầu tư vào chiều sâu trải nghiệm. Du lịch xanh, du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mang lại giá trị lâu dài cho du lịch Việt Nam".
Để không tụt hậu, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể với những trụ cột rõ ràng. Trước hết là một khung pháp lý chính thức về “du lịch xanh”, với bộ tiêu chí quốc gia có thể tham khảo từ các mô hình quốc tế như ASEAN Green Hotel hay Global Sustainable Tourism Council (GSTC). Tiếp đến là chính sách khuyến khích, có thể là ưu đãi thuế, vay vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ truyền thông để động viên các doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào phát triển bền vững...
Còn tại tại toạ đàm “Du lịch xanh - môi trường - sức khoẻ" vừa diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia ngành du lịch cho rằng du lịch xanh gắn với môi trường và sức khỏe là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững. Từ nền tảng của du lịch xanh, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các sản phẩm cao cấp hơn như "du lịch trị liệu" (therapeutic tourism).

Tiến sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng bộ môn Du lịch phân hiệu Khánh Hòa (Đại học Tôn Đức Thắng), khẳng định: “Việt Nam sở hữu lợi thế kép từ tài nguyên thiên nhiên đa dạng và nền văn hóa truyền thống sâu sắc. Chỉ cần lồng ghép các hoạt động như thiền, yoga, y học cổ truyền, dưỡng sinh... và cả ẩm thực sạch vào sản phẩm du lịch thì sẽ tăng vị thế cạnh tranh với du lịch quốc tế”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, du khách cần thay đổi vai trò, không chỉ là người thụ hưởng dịch vụ mà phải trở thành người tham gia tích cực vào quá trình kiến tạo giá trị. Điều này đồng nghĩa với việc du khách sẽ cùng doanh nghiệp và cộng đồng tạo ra những trải nghiệm chất lượng và ý nghĩa hơn.
Hành trình “xanh hóa” ngành du lịch, đặc biệt là hướng tới môi trường và sức khỏe đây là vấn đề không phải của riêng ai mà là trách nhiệm chung để xây dựng một thương hiệu du lịch quốc gia bền vững, nhân văn và thực sự khác biệt trong mắt bạn bè quốc tế.