16:00 14/02/2023

Chiến lược nâng cấp cảng Nghi Sơn

Thiên Anh

Mỗi năm, cảng Nghi Sơn đóng góp hơn 16.000 tỷ vào ngân sách nhưng đa số nguồn thu đến từ hoạt động nhập khẩu dầu thô của Công ty liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng còn rất hạn chế...

Cảng tổng hợp Nghi Sơn, Thanh Hóa
Cảng tổng hợp Nghi Sơn, Thanh Hóa

Nghị quyết 37 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa đặt ra bài toán nuôi dưỡng nguồn thu bền vững qua cảng Nghi Sơn trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách mang tính “đột phá”, “vượt trội” để biến cảng Nghi Sơn trở thành trung tâm logictic, xuất nhập khẩu lớn ở khu vực Bắc Trung bộ nhưng hiệu quả thực tế chưa tương xứng.

BÀI TOÁN “QUẢ TRỨNG, CON GÀ”

Đó là cách ví von mà ông Nguyễn Duy Linh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Nghi Sơn chia sẻ với phóng viên VnEconomy. Bài toán đó thực tế chưa tìm được lời giải thỏa đáng.

Một góc cảng tổng hợp Nghi Sơn
Một góc cảng tổng hợp Nghi Sơn

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay do thiếu sự đa dạng về các mặt hàng xuất nhập khẩu nên các hãng tàu vận tải quốc tế không mặn mà với việc khai thác hoạt động hàng hải tại cảng Nghi Sơn. Phải khó khăn lắm Thanh Hóa mới thuyết phục được hãng vận tải biển duy nhất mở chuyến hàng hải quốc tế đến Nghi Sơn.

Hãng tàu CMA-CGM Việt Nam đã khai thác nhưng tần suất số chuyến còn thấp, chưa đa dạng tuyến (chủ yếu là tuyến Trung Quốc) dẫn đến việc vận chuyển hàng hoá qua nhiều cảng phải trung chuyển nên phát sinh chi phí so với các tàu không chuyển tải.

Sau một thời gian ngắn hoạt động, CMA-CGM cũng đã ngừng khai thác. Từ nhiều tháng nay hãng tàu CMA-CGM đã không có chuyến tàu cập cảng Nghi Sơn.

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên VnEconomy, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp dệt may, da giày, đá mỹ nghệ, hải sản tại Thanh Hóa đều cho rằng việc thiếu các tuyến vận tải biển quốc tế là nguyên nhân chính dẫn đến việc các doanh nghiệp này không mặn mà với việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu qua cảng Nghi Sơn.

Thay vào đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu chấp nhận phương án vận chuyển đường bộ ra các cảng tại Hải Phòng để làm thủ tục thông quan. Lý giải cho việc này, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu hải sản cho biết: Các mặt hàng đông lạnh cần thời gian giao nhận nhanh, có những đơn hàng chỉ cần chậm một ngày đã bị phía đối tác phạt nên doanh nghiệp phải chọn cửa khẩu thông quan có hoạt động giao thương liên tục.

Trong khi đó, doanh nghiệp đã khảo sát tìm hiểu hoạt động hàng hải tại cảng Nghi Sơn, có khi cả tháng mới có chuyến tàu vận tải quốc tế cập bến thì không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế của hoạt động xuất nhập khẩu. Chưa kể, các dịch vụ bến bãi, lưu kho, logictics tại cảng Nghi Sơn còn thiếu đồng bộ.

Cầu cảng Nghi Sơn
Cầu cảng Nghi Sơn

Hiện nay cảng Nghi Sơn có 21 bến tổng hợp, 18 bến chuyên dùng, 10 bến quy hoạch cảng chuyên dụng container, 6 khu neo đậu ngoài khơi và một bến phao chuyển tải.

Mặc dù được quy hoạch lên tới 10 bến dành riêng cho việc xuất nhập khẩu bằng container nhưng trên thực tế cho đến nay, các khu vực bến này mới chỉ tồn tại trên giấy. Duy nhất có khu vực bến container của Tập đoàn VAS hiện đang tiến hành đắp đê quai và đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép một số công trình tạm để phục vụ quá trình thi công cảng.

Hiện chưa có trung tâm logistics lớn hoạt động và các dịch vụ liên quan đến logistics chưa hỗ trợ được nhiều cho chủ hàng, còn thiếu vỏ container, trong khi chi phí dịch vụ lại khá cao, nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa cao.

Khả năng thu hút hàng container còn hạn chế, các doanh nghiệp logistics hoạt động tại cảng biển Nghi Sơn chủ yếu mới chỉ giao nhận vận tải, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics.

Bộ Công thương cũng đã cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thương mại dưới 16 chỗ qua cảng Nghi Sơn từ tháng 1/2022. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có doanh nghiệp lắp ráp, kinh doanh ô tô nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển này.

Một góc cảng quốc tế Nghi Sơn
Một góc cảng quốc tế Nghi Sơn

Có thể thấy, bài toán luẩn quẩn đang hiện hữu ở cảng Nghi Sơn. Vì thiếu các tuyến hàng hải quốc tế, các dịch vụ logictics, các cảng container chuyên dụng nên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không mặn mà xuất khẩu qua cảng này vì sự bất tiện và đội chi phí.

CẦN CHÍNH SÁCH VƯỢT TRỘI VÀ TƯ DUY ĐỘT PHÁ

Thanh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng như hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn.

Cụ thể, HĐND tỉnh đã thông qua mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container với mức 300 triệu đồng/chuyến; các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn cũng được nâng mức hỗ trợ cao nhất lên đến 3 triệu đồng/container.

Cảng tổng hợp kĩ thuật dầu khí Nghi Sơn
Cảng tổng hợp kĩ thuật dầu khí Nghi Sơn

Thanh Hóa ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến Khu kinh tế Nghi Sơn và các tuyến đường trục chính có tính kết nối liên vùng; phối hợp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường bộ ven biển chạy qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, đường cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa, tuyến đường sắt nối từ ga hàng hóa tại Cảng Nghi Sơn ra ga trung chuyển tại xã Trường Lâm và tuyến đường sắt nối Cảng Nghi Sơn theo quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn.

Bên cạnh đó, tỉnh này cũng tích cực tuyên truyền về các hiệp định tự do thương mại FTA; tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, chủ động gặp gỡ để cung cấp thông tin và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng biển Nghi Sơn; thường xuyên cung cấp đầy đủ thông tin thị trường, hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh các cơ chế, chính sách ưu đãi, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại thì Thanh Hóa cần giải quyết những vấn đề mang tính cốt lõi. Đó là thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển chuyên nghiệp và các trung tâm logictics hiện đại. Cùng với đó là thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến, chế tạo quy mô lớn định hướng xuất khẩu.

Cảng tổng hợp PTSC
Cảng tổng hợp PTSC

Trong cuộc gặp gỡ báo chí gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, đầu tư phát triển cảng Nghi Sơn tương xứng với tiềm năng vốn có. Để làm được điều đó, cần phải tạo ra chính sách vượt trội và tư duy đột phá với nhiều giải pháp đồng bộ, thực thi quyết liệt.

Trước mắt Thanh Hóa sẽ đầu tư 1300 tỷ xây dựng đường nối cảng Nghi Sơn với cao tốc Bắc – Nam và quốc lộ 1A. Đồng thời, ngay trong quý 1, Thanh Hóa phối hợp với Bộ Giao thông vận tải dự chi gần 600 tỷ đồng để nạo vét luồng lạch hàng hải khu vực cảng Nghi Sơn, không để tình trạng cảng nước sâu có nguy cơ thành cảng nước cạn như hiện nay. Lãnh đạo tỉnh cùng làm việc với doanh nghiệp lắp ráp ô tô quy mô lớn, các hiệp hội may mặc, da giày vận động làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng Nghi Sơn.

Thanh Hóa cũng đang quyết tâm làm cuộc cách mạng về hạ tầng tại khu kinh tế Nghi Sơn. Theo đó, tỉnh này dự chi hơn 11.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, tái định cư tạo mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp số 6, số 20 và 21 trong Khu kinh tế Nghi Sơn để thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực chế biến chế tạo.

Với những giải pháp mang tính đột phá, Thanh Hóa đang tích cực tháo gỡ bài toán “quả trứng, con gà”, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững tại cảng Nghi Sơn, tạo sức lan tỏa phát triển Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới.