Chốt tháng 6, cổ phiếu lớn lao dốc, VN-Index bốc hơi hơn 20 điểm
Trái với suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư khi phiên chốt NAV quý 2 thị trường lại sụt giảm mạnh. Lực bán chiều nay dâng cao gấp rưỡi phiên sáng, nhưng lại là bán hạ giá xuống tạo sức ép mạnh. Tới 34 cổ phiếu giảm kịch biên độ trên hai sàn niêm yết...
Trái với suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư khi phiên chốt NAV quý 2 thị trường lại sụt giảm mạnh. Lực bán chiều nay dâng cao gấp rưỡi phiên sáng, nhưng lại là bán hạ giá xuống tạo sức ép mạnh. Tới 34 cổ phiếu giảm kịch biên độ trên hai sàn niêm yết.
VN-Index đóng cửa giảm 20,49 điểm tương đương 1,68%, mức giảm mạnh nhất trong 8 phiên. Chốt đợt khớp lệnh liên tục chỉ số vẫn đạt 1.202 điểm, nhưng ATC bị đánh sập xuống 1.197,6 điểm.
Hôm nay cũng là phiên cuối cùng của tháng 6, thường là thời điểm các quỹ chốt NAV. Tuy nhiên có vẻ như nhà đầu tư lại lợi dụng nhịp tăng mấy ngày qua để chốt lời hôm nay.
Đà giảm kéo dài trọn phiên chiều và càng về cuối giảm càng mạnh. VN30-Index đóng cửa giảm 1,92% và chỉ còn 3 mã tăng nhưng tới 27 mã giảm, trong đó 21 mã giảm trên 1%. Thực tế này xác nhận nhóm blue-chips đã mất tác dụng giữ nhịp và chính là nhân tố ép VN-Index lao dốc nặng như vậy.
Tất cả 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất đều là các mã thuộc rổ VN30, với nhóm ngân hàng chiếm vị trí áp đảo: BID giảm 4,01%, TCB giảm 3,27%, VPB giảm 3,33%, CTG giảm 2,61%, VCB giảm 0,93%. Còn lại là VHM giảm 1,9%, FPT giảm 4,22%, GAS giảm 1,28%, MSN giảm 1,75%, HPG giảm 1,98%.
Nhiều mã trong số này chịu sức ép cực mạnh trong đợt ATC. HPG chẳng hạn, xuất hiện giao dịch trên 1,54 triệu cổ, giá gục xuống thêm 4 bước giá so với giao dịch cuối cùng của đợt liên tục. VHM gục 9 bước giá với trên 533 ngàn cổ giao dịch. FPT, VPB cũng thanh khoản rất cao. Thậm chí mạnh như VNM, chiều nay cũng lao dốc và đóng cửa giảm 0,14%.
Tổng thể sức ép phiên chiều đã tăng đáng kể so với buổi sáng. Tính chung 2 sàn chiều nay khớp lệnh gần 6.834 tỷ đồng, tăng 52% so với phiên sáng. Đây lại là phiên chiều hiếm hoi thanh khoản buổi chiều lớn hơn buổi sáng và giá lại tụt giảm sâu hơn. Sàn HoSE buổi chiều cũng tăng giao dịch 51,8% so với phiên sáng, VN30 tăng 51,7%.
Độ rộng của VN-Index chiều nay rất tệ, kết phiên chỉ còn 89 mã tăng/371 mã giảm, 26 mã giảm sàn, 138 mã giảm trên 2%, 50 mã giảm trên 1%. Phía tăng có 5 mã trần, 30 mã tăng trên 2% và 15 mã tăng trên 1%. Rõ ràng so với phiên sáng tình thế đã đảo ngược và thanh khoản tăng là do nhà đầu tư bán ra mạnh tay hơn.
Trong số tăng chiều nay không có mã nào nổi bật. Hầu hết chỉ có được mức thanh khoản yếu và giá giữ được nhờ lợi thế ít giao dịch. Chỉ có 15 cổ phiếu trong nhóm còn xanh đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng. Số ít vượt trội có thể kể tới như SBT tăng 6,57% thanh khoản 99,7 tỷ đồng, FTS tăng 2,99% thanh khoản 29,5 tỷ, TDM tăng 2,76% giao dịch 29,3 tỷ, GIL tăng 2,19% giao dịch 28,4 tỷ, DPM tăng 2% giao dịch 148,7 tỷ, DCM tăng 1,39% giao dịch 131 tỷ, GEG tăng 1,24% giao dịch 100,4 tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều hơn một chút trong phiên chiều nhưng vẫn giữ được vị thế mua ròng chung ở HoSE khoảng 3,4 tỷ đồng. HDG, STB, HDB, VND, GEX, GAS, MSN, CTG được tăng mua và đều đạt mức ròng trên 20 tỷ. Phía bán có MWG, VNM, VIC vượt trội và đều trên 30 tỷ đồng ròng.
VN-Index đóng cửa hôm nay đột ngột để thủng mốc 1.200 điểm chủ yếu dưới sức ép của các mã trụ. Ví dụ VNM, VHM, VCB, GAS cùng lúc biến động mạnh như thể một phiên đáo hạn phái sinh. Diễn biến giảm giá trên diện rộng phần nào phản ánh đúng xu hướng giảm của VN-Index chiều nay, nhưng ở ngưỡng nhạy cảm, vai trò của các mã vốn hóa lớn mang tính quyết định.