12:09 30/06/2022

VNM “gánh” chỉ số, thanh khoản thấp kỷ lục

Kim Phong

Thị trường trong phiên giao dịch cuối cùng của quý 2 tiếp tục trồi sụt với thanh khoản cực thấp. Tình trạng này càng khiến nhà đầu tư nghi ngờ hiệu ứng làm đẹp NAV hơn là cơ hội tăng thật sự...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình đang tăng tốt nhất và rổ Midcap cũng có thanh khoản cao nhất sàn HoSE sáng nay.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình đang tăng tốt nhất và rổ Midcap cũng có thanh khoản cao nhất sàn HoSE sáng nay.

Thị trường trong phiên giao dịch cuối cùng của quý 2 tiếp tục trồi sụt với thanh khoản cực thấp. Tình trạng này càng khiến nhà đầu tư nghi ngờ hiệu ứng làm đẹp NAV hơn là cơ hội tăng thật sự...

Khoảng một nửa thời gian của phiên sáng nay VN-Index nằm dưới tham chiếu, độ rộng cũng hẹp nhưng các nhịp đánh võng liên tục không có biên độ lớn. Mức giảm sâu nhất của chỉ số là -0,22% và tăng cao nhất chỉ 0,2%.

Với biên độ cực hẹp này, thanh khoản thấp kỷ lục cũng là một tín hiệu tốt, cho thấy cung cầu đang cân bằng và không bên nào muốn hành động một cách dứt khoát. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE sáng nay chỉ đạt khoảng 4.068 tỷ đồng, giảm 31% so với sáng hôm qua và phá kỷ lục thấp nhất 2022 của phiên thứ Năm tuần trước.

Trạng thái giằng co tương tự VN-Index cũng xuất hiện ở VN30-Index và Midcap, cho thấy những mã vốn hóa trung bình và lớn giao dịch khá ổn định, dù không mạnh. VN30 đang tăng 0,02% với 10 mã tăng/16 mã giảm và nhóm trụ lớn khá xuất sắc.

VN-Index trồi sụt liên tục trong sáng nay.
VN-Index trồi sụt liên tục trong sáng nay.

Mạnh nhất đang là VNM, một blue-chips gần như bị ghẻ lạnh và lãng quên một năm rưỡi qua. VNM kể từ đỉnh tháng 1/2021 đã bốc hơi 42% giá trị và trở lại sát đáy tháng 3/2020 rồi mới phục hồi. Tuy nhiên ở nhịp tăng này, VNM lại là một trong những blue-chips mạnh nhất, khi đem lại lợi nhuận gần 15% trong 12 phiên gần nhất. Sáng nay VNM tăng 2,35%, mạnh nhất rổ VN30 và trở thành trụ kéo điểm số tốt nhất. Không chỉ vậy, cổ phiếu này còn đứng thứ 3 thị trường về thanh khoản, với gần 170 tỷ đồng giá trị.

Ngoài VNM, rổ VN30 có thêm HPG tăng 1,1%, GAS tăng 1,03%, SAB tăng 1,23%. Đây là các trụ “cổ điển” nhưng phát huy tác dụng kịp thời trong bối cảnh độ rộng tổng thể không tốt. VN-Index tăng 0,14% nhưng chỉ có 156 mã tăng/244 mã giảm.

Vai trò của các cổ phiếu trụ là khá nổi bật, vì VN-Index đang trên đường phục hồi, nhưng độ rộng thì không tương xứng. Mặc dù chỉ số này đánh võng liên tục quanh tham chiếu, nhưng thay đổi trong độ rộng lại xấu dần. Cụ thể, lúc 9h30 VN-Index tạo đáy đầu tiên, vẫn có 145 mã tăng/175 mã giảm. Lúc chỉ số đạt đỉnh vượt tham chiếu khoảng 10h04, độ rộng cải thiện lên 191 mã tăng/171 mã giảm. Nửa còn lại của phiên sáng độ rộng hẹp dần bất chấp những nỗ lực đi lên của chỉ số do ảnh hưởng tự nhóm trụ.

Dù vậy biên độ giảm ở cổ phiếu cũng không mạnh. Chốt phiên sáng VN-Index chỉ có 90 mã giảm trên 1%. Thanh khoản tổng hợp của nhóm này chỉ xấp xỉ 572 tỷ đồng, tương đương 14% mức khớp sàn HoSE. Trong khi đó số tăng trên 1% tuy chỉ có 70 mã, nhưng thanh khoản đạt gần 1.235 tỷ đồng, chiếm trên 30% sàn. Mở rộng hơn, dù độ rộng của HoSE hẹp, nhưng phân bổ thanh khoản (theo giá trị khớp lệnh) ở nhóm giảm giá chỉ chiếm 38,3% sàn, trong khi phân bổ ở nhóm tăng giá chiếm 50,2%.

Điều này thể hiện khá rõ khả năng duy trì cung cầu ở các nhóm cổ phiếu là khác nhau và tổng thể sức ép bán ra không nhiều. Dù dòng tiền vào thị trường ở ngưỡng thấp kỷ lục, nhưng cổ phiếu thu hút được thanh khoản tốt vẫn có giá tiến triển tích cực hơn. Rõ nhất là ở Top 10 thanh khoản toàn thị trường sáng nay, chỉ có 2 mã giảm giá là DIG giảm 1,84% và STB giảm 0,22%.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng không giao dịch nhiều, thậm chí là thấp đột biến. Tổng mức mua vào tại HoSE chỉ là 352,8 tỷ đồng, chiếm 7,8% giá trị sàn này. Tổng bán ra đạt 363,3 tỷ, tương đương mua ròng khoảng 10,5 tỷ đồng. HDB đang được mua ròng tốt nhất cũng chỉ 22,6 tỷ. Nhóm VND, GEX, HPG, HDG, GMD được giao dịch quanh 10 tỷ đồng. Phía bán ra cũng chỉ có NVL, VHC, DGC, MWG, VHM là quanh 10 tỷ đồng.