Chủ động phát triển thị trường lao động bền vững - Ảnh 1
Chủ động phát triển thị trường lao động bền vững - Ảnh 2

Chính phủ xác định thị trường lao động đóng vai trò trọng yếu của nền kinh tế cùng các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản. Vì vậy, thị trường này cần được đổi mới, phát triển phù hợp với các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt, cần chú trọng và tập trung khắc phục các hạn chế như: chưa giải phóng được mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; việc làm còn thiếu bền vững và chưa kết nối cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề.

Sau đại dịch Covid-19, năm 2023, thị trường lao động trong 3 quý đầu năm gặp khá nhiều khó khăn do nhu cầu của thế giới giảm, đặc biệt với một số nhóm ngành hàng như: dệt may, da giầy, chế biến đồ gỗ… Tuy nhiên, sang quý IV đã có dấu hiệu phục hồi và đến cuối năm 2023, số người có việc làm và thu nhập đều tăng so với năm 2022. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: số lượng lao động có việc làm quý IV/2023 đạt 51,5 triệu người, tăng 130,4 nghìn người so với quý trước và tăng 414,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tính chung cả năm 2023 ước đạt 51,3 triệu người, tăng 683 nghìn người so với năm 2022. Thu nhập bình quân của lao động quý IV/2023 ước đạt 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 180 nghìn đồng/tháng so với quý trước và tăng 444 nghìn đồng/tháng so với cùng kỳ năm trước; tính chung cả năm 2023 đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 459 nghìn đồng/tháng so với năm 2022.

Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, hiện cả nước vẫn còn khoảng 38 triệu lao động qua đào tạo, nhưng chưa có chứng chỉ bằng cấp. Đây là một thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ năng của người lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chủ động phát triển thị trường lao động bền vững - Ảnh 3

Từ thực trạng của thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, năm 2023 với tinh thần “Nhìn xa - Chủ động sớm - Hành động mau lẹ - Ứng xử kịp thời”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng  ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập quốc tế. Nội dung các chủ trương của Đảng, Nhà nước ban hành đều mang tầm nhìn xa, có tính chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đòi hỏi các bộ, ngành phải chủ động phối hợp thực hiện.

Đối với thị trường việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố tập trung kết nối cung - cầu lao động, kết nối thông tin lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đầu tư hệ thống thông tin thị trường lao động, nhất là việc ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động. Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động; đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm.

Chủ động phát triển thị trường lao động bền vững - Ảnh 4

Năm 2023, Bộ tập trung, định hướng, đào tạo và bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực theo nhu cầu thị trường. Đây là vấn đề cấp bách liên quan đến công tác dự báo cung - cầu lao động. Cùng với đó là tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương.

Hệ thống trường nghề các bộ, ngành, đoàn thể đang được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực theo hướng đổi mới sáng tạo; sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc theo hướng tinh gọn, hiệu quả; hình thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tính chất hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa và thống nhất đầu mối quản lý một số trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm vùng, trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Nhìn chung quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo đã được nâng lên góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ năm 2024, chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong một số ngành nghề mà thế giới đang có nhu cầu như: nhân lực công nghệ chip bán dẫn, hydrogen, đào tạo  chứng chỉ, tín chỉ carbon, phục vụ chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Chủ động phát triển thị trường lao động bền vững - Ảnh 5

Đúng vậy, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp để góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho thị trường lao động, giúp hàng vạn lao động nhiều vùng quê của Việt Nam phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Năm 2023, Bộ đã đưa 155.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 129% kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, mức cao nhất từ trước đến nay.

Nhiều năm nay, Nhật Bản luôn là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam với số lượng lớn nhất. Vừa qua, trong chuyến công tác cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sang Nhật Bản, chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất với Nhật Bản một số vấn đề liên quan đến ba lĩnh vực: lao động; giáo dục nghề nghiệp và phát triển hệ thống an sinh xã hội, trong đó có việc phối hợp tổ chức thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam trong năm 2024.

Đây là một vấn đề khá trăn trở đối với tôi, vì chúng ta hiện có 350.000 lao động người Việt đang làm việc tại Nhật Bản, đứng đầu trong 15 quốc gia có lao động làm việc tại đây, nhưng khi tham gia thi đánh giá kỹ năng đặc định, người lao động của Việt Nam phải tốn kém thêm kinh phí, thời gian để sang nước khác thi. Việc thi này rất quan trọng đối với người lao động Việt Nam vì xác định tư cách lưu trú dành cho mình khi đảm nhiệm công việc đòi hỏi kiến thức hoặc kinh nghiệm ở mức độ nhất định trong lĩnh vực ngành nghề đặc định tại Nhật Bản.

Tất nhiên, để đạt được tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định” này, người lao động Việt Nam phải hoàn thành chương trình đào tạo kỹ thuật hoặc vượt qua kỳ thi đánh giá kỹ năng đặc định do Chính phủ Nhật Bản tổ chức. Đây cũng là cách chúng ta phải tự nâng cao chất lượng, kỹ năng cho người lao động Việt Nam thực hiện mục tiêu “đi làm thuê, về làm chủ”.

Chủ động phát triển thị trường lao động bền vững - Ảnh 6

VnEconomy 09/02/2024 10:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chủ động phát triển thị trường lao động bền vững - Ảnh 7