Chủ tịch Giovanni Group: Đưa thời trang Việt lên tầm quốc tế
“Mỗi thợ may Việt đều có tiềm năng trở thành một nghệ nhân ngang bằng hoặc giỏi hơn bất cứ nghệ nhân nào tại các kinh đô thời trang thế giới. Thế nhưng, ngành thiết kế cũng như thời trang ở Việt Nam lại mãi chưa tạo nên được bước nhảy vượt bậc...”
Trong khi các công ty Việt Nam chủ yếu làm gia công cho thương hiệu nước ngoài thì ông Phi đã làm điều ngược lại: xây dựng một thương hiệu của riêng mình, đặt nước ngoài sản xuất và phân phối phục vụ những khách hàng cao cấp Việt Nam. Trong khi các công ty khác chú trọng sản xuất trước, thì ông Phi lại xây dựng thương hiệu đầu tiên... "Những bước đi của tôi hoàn toàn ngược với xu thế ngành thời trang Việt Nam khi ấy,” ông Nguyễn Trọng Phi Chủ tịch HĐQT Giovanni Group chia sẻ.
MỘT THƯƠNG HIỆU RA ĐỜI
Gắn bó lâu năm với ngành thời trang, ông Nguyễn Trọng Phi có vẻ ngoài trẻ trung, gây ấn tượng bởi phong cách lịch lãm. Sau thời gian học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, như nhiều sinh viên ra trường ông đã trải qua nhiều công việc khác nhau, từ làm vận tải đến xây dựng, với khát khao thay đổi tương lai. Nhưng dường như là định mệnh, ông Phi chuyển hướng và sớm xác lập sự nghiệp gắn bó với một ngành kinh doanh tương đối mới mẻ vào thời gian đó: ngành thời trang.
Ông Phi nhận thấy thị trường thời trang Việt Nam còn rất nhiều điều để làm và có thể làm. “Khi đó nhu cầu ăn mặc của người Việt Nam còn rất mơ hồ. Thị trường thời điểm đó, đặc biệt là thị trường miền Bắc còn rất xa lạ với khái niệm thời trang, họ đơn giản chỉ nghĩ đến quần áo,” ông Phi phần tích.
“Bản tính tôi thích làm những điều khó, những thứ người khác chưa làm hoặc chưa làm được. Tôi nhận thấy đây là một cơ hội rất lớn và cũng nhận luôn sứ mệnh của một người sẽ đóng góp chút sức nhỏ bé để thay đổi ngành thời trang Việt Nam. Ngay từ khởi điểm, đó phải là thời trang cao cấp cho người Việt, khác hoàn toàn với những công ty may mặc trong nước đang gia công cho quốc tế hay sản xuất sản phẩm đại chúng giá rẻ”.
Nhưng việc xây dựng một thương hiệu riêng là chuyện không dễ dàng gì, vì ông Phi không muốn tạo ra một thương hiệu giá rẻ, mà một thương hiệu riêng định vị ở phân khúc cao cấp là "không tưởng" tại Việt Nam khi đó. Quyết định xây dựng thương hiệu trước, ông Phi nghĩ khởi điểm mình cần có một cái tên.
“Tôi hay nói đùa, xây dựng thương hiệu là làm ra một cái (tên) hiệu để người ta nhớ. Lúc ấy, tôi rất may mắn khi được giới thiệu một vị luật sư còn rất trẻ, giỏi ngoại ngữ và có niềm đam mê thời trang, thích nghiên cứu thời trang quốc tế,” ông Phi thổ lộ.
Ông Phi tâm sự với vị luật sư trẻ tuổi về ước mơ xây dựng một thương hiệu thời trang mang phong cách Ý của riêng mình, và mong muốn tìm ra một tên nào đó gắn với nước Ý để chọn làm tên thương hiệu. Ông Phi kể lại: "Ngay ngày hôm sau vị luật sư đưa cho tôi một tờ A4, trong đó chằng chịt hàng trăm cái tên. Đọc lướt một vòng, tôi thấy cái tên “Giovanni”. Tôi thử phát âm thành tiếng và thấy thích ngay nên chọn luôn".
Nước Ý luôn được biết đến là “kinh đô của thời trang quốc tế”, là nơi khai sinh ra những thương hiệu thời trang tinh tế và thanh lịch, và cái tên “Giovanni” dường như gợi liên tưởng đến những điều này. Một thương hiệu thời trang của Việt Nam đã ra đời như thế.
VIỆT NAM CÓ THỂ LÀM RA NHỮNG SẢN PHẨM CAO CẤP
Những ngày mới thành lập, công ty gặp nhiều khó khăn để có doanh thu, để khẳng định thương hiệu... nhưng ông Phi vẫn nhận thấy: vấn đề làm ông "đau đầu" nhất lại nằm ở khâu tìm kiếm nguyên liệu. Với ông Phi, thương hiệu tốt phải đi cùng sản phẩm hảo hạng, nhất là nếu thương hiệu được tạo ra để phục vụ phân khúc cao cấp.
Nhớ lại những ngày đó, ông vẫn vẫn không khỏi tư lự, trầm ngâm: "Năm nào tôi cũng đi các hội chợ thời trang để tìm cho ra một loại khóa kéo, hay một loại vải ưng ý... Tôi đã mất gần 8 năm để tìm kiếm ra những nhà cung cấp nguyên vật liệu cho Giovanni như hiện nay. Đó là những nhà cung ứng hàng đầu thế giới, rất kiêu kỳ, rất kén khách hàng, rất khắt khe khi lựa chọn đối tác. Việc thuyết phục họ gặp một doanh nghiệp Việt Nam còn non trẻ như Giovanni là điều vô cùng khó khăn. Dù ngăn cách bởi ngôn ngữ, tôi rất may mắn đã thuyết phục được họ, để họ trở thành nhà cung ứng cho Giovanni".
"Đa phần sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thường giấu kín xuất xứ nguyên liệu (như vải, da, phụ kiện móc khóa) như một bí quyết tạo nên sức mạnh cạnh tranh," ông Phi chia sẻ thêm. "Nhưng ở Giovanni bây giờ, chúng tôi sử dụng nguyên phụ liệu của hãng nào, nhà cung cấp nào đều ghi rõ toàn bộ nguồn gốc, gắn tem phụ lên sản phẩm. Tôi muốn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, là một cách tôi muốn minh bạch hóa sản phẩm cho người tiêu dùng dù ở Việt Nam hay bất cứ nơi đâu".
Bằng cách này, ông Phi và Giovanni đã chứng minh Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Và rồi những nhà cung ứng châu Âu kiêu kì bậc nhất cũng sẵn lòng làm bạn, làm đối tác cho một thương hiệu Việt Nam, khi mà thương hiệu đó được tạo ra bằng sự tử tế và phục vụ những giá trị tốt đẹp.
Mặc những bộ trang phục lịch lãm, ông Phi lại suốt ngày lang thang trong các nhà máy. Nếu có ai hỏi, ông có thể say sưa thuyết trình cả ngày về một loại keo sinh học để dán da, một chiếc khóa kéo hay một loại vải mex lót để tạo phom dáng sản phẩm... Ông Phi khẳng định: "Nhà máy của chúng tôi hiện nay đã sản xuất được sơ mi, áo phông... chất lượng cao. Còn về đồ da, có thể nói đây là nhà máy sản xuất đồ da giỏi nhất Đông Nam Á. Tôi muốn chứng minh cho thế giới rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm cao cấp!"
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Giovanni Group cũng không nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng, doanh số các mặt hàng liên tục sụt giảm từng ngày. "Tôi coi thời kỳ dịch bệnh như là một thử thách để nhân sự của công ty chứng minh khả năng thích nghi của họ," ông Phi tâm sự. "Chúng tôi đã ngay lập tức dịch chuyển sang hoạt động sản xuất khẩu trang, nhờ đó đã kéo lại được không ít doanh thu".
Nhờ chuyển hướng kịp thời, trong giai đoạn dịch bệnh, nhân viên của Giovanni Group còn làm cật lực hơn những ngày thường, vừa phòng chống dịch, vừa làm xuyên cả ngày thứ 7 và Chủ nhật để thực hiện được các đơn hàng cấp bách. Ông Phi cho biết: "Những dây chuyền máy móc nhập khẩu từ Ý, Nhật ngày hôm qua được những người thợ lành nghề của Giovanni sử dụng để sản xuất ra sản phẩm thời trang hạng sang, hôm nay dù may khẩu trang Giovanni, họ vẫn áp dụng y nguyên những kỹ xảo, tiêu chuẩn chất lượng đó. Với đội ngũ của Giovanni, họ đang chế tác ra những sản phẩm chất lượng cao để bảo vệ sức khỏe con người”.
CHÂN DUNG DOANH NHÂN THỜI 4.0
Hiện nay, Giovanni sở hữu khoảng 60 dòng sản phẩm thời trang gồm trang phục, phụ kiện, đồ da. Chủ tịch Nguyễn Trọng Phi không chỉ đặt những nền móng đầu tiên cho phân khúc thời trang cao cấp tại Việt Nam, mà ông còn muốn truyền đam mê cho thế hệ trẻ về ước vọng xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Khi công nghệ 4.0 được vận dụng vào các hoạt động, khách hàng có thể nhìn thấy Giovanni được sản xuất như thế nào và tương tác với đội ngũ kỹ thuật, có thể đặt hàng đơn chiếc cho công dân toàn cầu và ship đến tận nơi...
Ông Phi nhận xét một cách khách quan: “Mỗi thợ may Việt đều có tiềm năng trở thành một nghệ nhân ngang bằng hoặc giỏi hơn bất cứ nghệ nhân nào tại các kinh đô thời trang thế giới. Thế nhưng, ngành thiết kế cũng như thời trang ở Việt Nam lại mãi chưa tạo nên được bước nhảy vượt bậc. Sai lầm của các doanh nghiệp là mở rộng hệ thống cửa hàng quá vội vàng để rồi nhanh chóng nhận ra rằng nội lực chưa đủ mạnh để phình to với lớp áo thương hiệu quá chật chội. Trong khi khách hàng ngày nay đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn hơn về concept, về sản phẩm, về nhân viên và dịch vụ...”
Hiểu được hiện thực ấy, hướng đi của thương hiệu thời trang Giovanni là rất khác với các thương hiệu cùng phân khúc. Cùng với việc xây dựng nhà máy là chuyển đổi số. Theo ông Phi, thời đại 4.0 được cho là vô cùng thuận lợi cho các nhãn hàng của các thị trường nhỏ “tấn công” ra thế giới, vì không cần cửa hàng, mạng lưới logistic phát triển, có thể làm marketing online…
Từ thực tiễn đó, Giovanni rất muốn làm một bước đột phá chính là xây dựng nền tảng số cho doanh nghiệp, xây dựng nền tảng số cho khâu thiết kế, quản trị nguyên phụ liệu và có thể bằng cách nào đó thông qua quảng cáo để quảng bá hình ảnh công ty, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến với khách hàng nước ngoài.
"Khi công nghệ 4.0 được vận dụng vào các hoạt động, khách hàng có thể nhìn thấy Giovanni được sản xuất như thế nào và tương tác với đội ngũ kỹ thuật, có thể đặt hàng đơn chiếc cho công dân toàn cầu và ship đến tận nơi..." ông Phi chia sẻ và khẳng định sự bắt tay của nhãn hàng thời trang Giovanni với nền tảng công nghệ 5G được xem là sự kết hợp khởi đầu cho một sự mạnh dạn, tiên phong và tầm nhìn mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh như vũ bão.
Ông Phi khẳng định: "Làm thế nào để các thương hiệu thời trang Việt có thể tiến xa hơn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang trở thành tất yếu? Đó chỉ có thể nhờ công nghệ. Tận dụng được công nghệ, chắc chắn thời trang Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá và khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế!"
Hiện nay, Giovanni sở hữu hơn 30 cửa hàng toàn quốc. Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Giovanni đã có hơn 60 dòng sản phẩm bao gồm sản phẩm và các phụ kiện ở các phân khúc từ trung, cao cấp, cho tới cận xa xỉ phục vụ đa dạng khách hàng trong và ngoài nước.