"Hãy vượt qua lối mòn nếu muốn tồn tại"
Dịch Covid-19 bùng phát khắp toàn cầu khiến cho ngành du lịch thế giới lao đao gần như đình trệ. Mỗi một doanh nghiệp đều đang cố gắng hết sức để duy trì công việc và giữ chân nhiều nhân viên nhất có thể...
Trong cuộc trò chuyện với VnEconomy về những bài học vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid, ông Herbert Laubichler-Pichler, Tổng quản lý (CEO) Alma Resort Cam Ranh chia sẻ rằng trong quá trình vật lộn để “sống sót”, những người làm ngành du lịch buộc phải tự điều chỉnh tư duy của mình để thích nghi với cuộc sống bình thường mới.
VIỆT NAM ĐÃ HẤP DẪN TÔI
Trước khi đến Việt Nam năm 2008, ông Herbert Laubichler-Pichler đã có hơn hai mươi năm làm việc ở Áo, Đức, Thụy Sĩ, Anh, CH Síp và Malaysia. Tại Malaysia, ông Herbert làm cho tập đoàn GHM Hotels và sau đó chuyển đến Việt Nam để quản lý khu nghỉ dưỡng The Nam Hải của tập đoàn này. “Tại Việt Nam tôi đã có những trải nghiệm thật sự khác biệt, nhất là lần đầu tiên đến thành phố Hồ Chí Minh năng động. Lúc đó tôi thấy Việt Nam rất cuốn hút, và thật sự là nó thú vị cho đến tận bây giờ,” ông Herbert nói.
Ông có thể chia sẻ những điều thú vị gì đã khiến ông sống và làm việc tại nơi này suốt từ năm 2008 tới nay?
Tôi nhớ rất rõ khi nhận được một cuộc điện thoại từ một đồng nghiệp hỏi tôi: “Ông có thích Việt Nam không?”. Lúc đó tôi đang ở khu vực lễ tân của The Nam Hải, nhìn xuống biển và tôi trả lời: “Tôi thấy mình như cá gặp nước, thật tuyệt vời. Tôi thực sự hạnh phúc khi ở đây”. Có rất nhiều điều về Việt Nam đã hấp dẫn tôi, từ cảnh quan thiên nhiên đa dạng và phong phú, nền văn hóa và nghệ thuật hấp dẫn và cả thời tiết nữa.
Nhưng ngay khi vừa nhận lời trở thành Tổng quản lý của Alma Resort Cam Ranh, ông đã được trải nghiệm cảm giác “rơi từ tầng mây thứ 9 xuống đất”. Đó là vì...?
Khi mở cửa Alma Resort vào ngày 29/12/2019, chúng tôi vô cùng tự hào về những nỗ lực của mình trong suốt giai đoạn tiền khai trương một khu nghỉ dưỡng rộng 30ha. Đó không phải là quãng thời gian vài tháng, mà là nhiều năm, để hình thành nên một Alma như hôm nay.
Thế rồi dịch Covid-19 xuất hiện. Việt Nam ghi nhận ca mắc đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Tất cả chúng ta đều biết những gì đã xảy ra sau đó. Covid-19 đã gây ra hậu quả nặng nề, tạo ra những thách thức vô cùng lớn cho ngành du lịch. Từ chỗ tràn trề niềm tin và hy vọng, khó khăn ập tới. Quả thật, chúng tôi khá là sốc!
Và khi cú sốc đó qua đi, ông nghĩ ngành du lịch nên làm gì để có thể tồn tại qua thời kỳ dịch bệnh này?
Chúng ta phải thay đổi tư duy. Những gì chúng ta đã nghĩ và làm trong quá khứ (thường có sự tăng trưởng dương và ổn định qua từng năm) sẽ không còn đúng nữa. Vì thời kỳ Covid-19 quá bất thường và gây ra nhiều vấn đề quá lớn, chúng ta cần phải nghĩ lớn hơn với những tư duy mới mẻ hơn, vượt ra khỏi những lối mòn nếu muốn tồn tại. Nếu chúng ta nghĩ mình vẫn cứ làm như thời kỳ bình thường cũ, thì chúng ta không thể đối phó với trạng thái bình thường mới. Chúng ta phải thay đổi tất cả những điều đã học trong quá khứ và làm mới kiến thức của mình.
NGÀNH DU LỊCH SẼ PHỤC HỒI
Theo ông Herbert, trong kinh doanh, vị trí người lãnh đạo vô cùng quan trọng. Khi chúng ta muốn tạo ra một giá trị thực sự mạnh mẽ và lâu dài, phải bắt đầu từ trên xuống dưới. Ông Herbert nói: “Tôi đã thấy một vài chủ khách sạn nói rằng đợi khi nào có tiền, họ sẽ tìm một tổng quản lý có kinh nghiệm hoặc một bếp trưởng lành nghề. Nếu như thế, bao giờ khách hàng mới cảm nhận được giá trị bạn muốn truyền tải?”
Khi ngành du lịch không thể đón khách quốc tế, các khu nghỉ dưỡng cao cấp có nên hướng tới du khách nội địa không, thưa ông?
Việt Nam khá thành công trong việc khống chế dịch bệnh và đó là một lợi thế mà bất kỳ ai cũng nên tận dụng. Bài học đầu tiên mà Covid-19 dạy chúng ta là ngày nay ngành du lịch, nhất là những người kinh doanh dịch vụ lưu trú không nên phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường quốc tế. Đại dịch toàn cầu đã cho thấy không phải lúc nào người nước ngoài cũng có thể đến Việt Nam. Ngoài đại dịch Covid-19, có thể sẽ có những vấn đề khác gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và ngành du lịch nói riêng ví như sự suy thoái kinh tế toàn cầu hay sự tranh chấp giữa các quốc gia.
Chính vì vậy, hãy tập trung vào thị trường nội địa. Đó là điều mà Alma Resort chúng tôi đã làm được trong khi biên giới vẫn đóng cửa với khách du lịch quốc tế. Alma là một ngôi nhà rộng mở dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là cộng đồng địa phương. Ngay từ đầu, chúng tôi là khu nghỉ dưỡng duy nhất không có tường bao quanh, tất cả mọi thứ đều mở. Chúng tôi luôn mở cửa đón chào người dân địa phương đến khu nghỉ dưỡng.
Tuy vậy, khó khăn vẫn đang chờ đợi ngành du lịch ở phía trước, ngay cả khi Covid-19 được khống chế hoàn toàn, bởi vì quan niệm của người tiêu dùng cũng như xu hướng nghỉ dưỡng đã đổi khác.
Đúng, một năm đầy thách thức vừa qua khiến tôi nghĩ đến một câu ngạn ngữ: “Sóng yên biển lặng không tạo nên người thủy thủ giỏi”. Nói riêng về ngành khách sạn, chúng ta đang rất cần một mô hình đầu tư khác. Chẳng hạn như, Alma dựa trên mô hình sở hữu kỳ nghỉ, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Mô hình này đã thật sự giúp chúng tôi tồn tại lâu dài. Trong tình hình đại dịch như thế này, mô hình chia sẻ kỳ nghỉ của chúng tôi đã cho thấy hiệu quả hơn so với mô hình kinh doanh khách sạn truyền thống vì chúng tôi luôn có một nhóm khách hàng trung thành sẽ quay lại năm này qua năm khác... Ngoài ra, chúng ta cần cung cấp thêm các giải pháp kỹ thuật nếu có thể và đảm bảo duy trì dịch vụ tốt. Dù sao thì ngành du lịch chắc chắn sẽ phục hồi. Đó là điều tất yếu.
Sắp tới, nếu hộ chiếu vaccine được cho phép ở Việt Nam và khách du lịch ngoại quốc bắt đầu trở lại, định hướng ông đề ra cho Alma Resort Cam Ranh để thích ứng với xu hướng du lịch trong giai đoạn mới là như thế nào?
Ưu tiên lớn nhất của chúng tôi luôn là sự an toàn của khách, nhân viên và cộng đồng. Tình hình sắp tới còn phụ thuộc vào việc Việt Nam mở cửa biên giới với những quốc gia nào. Chúng tôi đã bắt đầu tập trung vào các chiến lược marketing ở Trung Quốc và Hàn Quốc vì chúng tôi tin rằng hai quốc gia này sẽ là những quốc gia đầu tiên mà Việt Nam phối hợp để tạo ra hành lang du lịch. Các thị trường lân cận như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và Malaysia cũng rất quan trọng vì người dân của họ đã phải ở nhà quá lâu, rất muốn đi du lịch nước ngoài. Tất cả những điều này thực sự có thể mang lại cho chúng tôi một sự bứt phá lớn.
Ông làm gì để có thể củng cố niềm tin cho đội ngũ và cho chính mình để yên tâm làm việc trong giai đoạn nhiều rủi ro với ngành du lịch?
Tại Alma, chúng tôi có phong cách quản lý rất hợp tác. Phải thừa nhận rằng đôi khi tôi phải tự đưa ra quyết định nhưng phần lớn đều là nỗ lực của cả tập thể. Tôi thích đưa ý tưởng vào các cuộc họp buổi sáng của chúng tôi và hỏi những người quản lý họ nghĩ gì. Ý tưởng này sẽ ảnh hưởng đến khách của chúng ta như thế nào? Những người khác sẽ nói gì về khu nghỉ dưỡng của nếu chúng tôi làm điều này hoặc điều kia? Chúng tôi luôn áp dụng phương pháp phản hồi 360 độ, thay vì phương pháp tuyến tính.
Xin hỏi ông, trong triết lý của mình, từ ngữ nào đủ sức khiến ông tiếp tục kiên trì và đi đến thành công?
Năng lượng và đam mê.
Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe, may mắn!