Chứng khoán Mỹ chốt tháng tăng mạnh nhất 1 năm, giá dầu tăng 11% trong tháng này
Thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục đóng cửa mới trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (29/10), khi kết quả kinh doanh gây thất vọng của một số công ty lớn không thể khiến nhà đầu tư nản lòng. Giá dầu tăng trước thềm cuộc họp của OPEC+ vào tuần tới, giá Bitcoin cũng đi lên...
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,19%, đạt 4.605,38 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 0,25%, đạt 35.819,56 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,33%, đạt 15.498,39 điểm. Đây là mức điểm đóng cửa cao kỷ lục của cả ba chỉ số.
Phiên tăng này diễn ra sau báo cáo kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng của hai trong số những công ty niêm yết lớn nhất ở Phố Wall.
Cổ phiếu Amazon giảm 2,1% sau khi công ty bán lẻ trực tuyến khổng lồ công bố doanh thu và lợi nhuận quý 3 đều thấp hơn nhiều so với kỳ vọng do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Cổ phiếu Apple giảm 1,8% vì doanh thu quý 3 của “táo khuyết” không đạt dự báo do nút thắt chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm chủ lực gồm iPhone, iPad và Mac. Đây là lần đầu tiên Apple không đạt dự báo của Phố Wall về kết quả kinh doanh kể từ tháng 5/2017.
Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh khả quan công bố trong tuần vừa rồi, cổ phiếu Microsoft tăng thêm 2,2% trong phiên này, đưa hãng phần mềm lớn nhất thế giới vượt qua Apple về giá trị vốn hoá thị trường. Các cổ phiếu Nike và Intel cũng tăng, tạo cú huých cho Dow Jones đi lên.
Mặc kết quả kinh doanh không đạt dự báo của một số Big Tech và mối lo về chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục mới trong những phiên gần đây. Động lực cho sự đi lên này là kết quả kinh doanh khả quan nói chung của các công ty niêm yết. Đến thời điểm hiện tại đã có khoảng một nửa trong số các công ty thuộc S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý 3, trong đó có hơn 80% đạt kết quả vượt dự báo. Lợi nhuận của các công ty trong chỉ số này được dự báo tăng 38,6% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
“Cho tới hiện tại, tôi nghĩ hoàn toàn hợp lý khi cho rằng các công ty đã vượt qua được các thách thức một cách hiệu quả. Và dĩ nhiên, họ cũng hưởng lợi từ nhu cầu mạnh nữa”, chiến lược gia Angelo Kourkafas thuộc Edward Jones nhận xét với CNBC. “Dù vậy, các công ty không hoàn toàn miễn nhiễm với khó khăn. Áp lực chi phí đầu vào gia tăng sẽ được thể hiện qua doanh thu yếu đi, và thậm chí là biên lợi nhuận thấp hơn”.
“Dù sao, với khoảng một nửa số công ty trong S&P 500 đã báo cáo, đánh giá ban đầu là khả năng lợi nhuận của các công ty vẫn khá vững vàng, nhờ nhu cầu mạnh và sức mạnh thiết lập giá bán hàng hoá của doanh nghiệp”.
Tuần này, cả ba chỉ số cùng có tuần tăng thứ tư liên tiếp và khép lại tháng 10 với mức tăng rực rỡ. Nasdaq tăng 7,2% trong tháng; S&P 500 tăng 6,9%; và Dow Jones tăng 5,8%.
Đây là tháng tăng mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 11/2020, và là tháng tăng mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 3. Trong tháng 9, cả ba chỉ số cùng giảm mạnh.
Tâm lý thị trường trong phiên này cũng được hỗ trợ bởi những diễn biến ở Washington. Hôm thứ Năm, Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch khung về chi tiêu 1,75 nghìn tỷ USD cho các chương trình xã hội. Thoả thuận này được kỳ vọng sẽ giúp gói đầu tư hạ tầng gần 1 nghìn tỷ USD của ông Biden, hiện đang bị tắc ở Quốc hội Mỹ, có thể được thông qua dễ dàng hơn. Điểm khác biệt của kế hoạch mới là đưa ra mức chi tiêu và tăng thuế đều nhẹ nhàng hơn đề xuất trước.
Trao đổi với CNBC ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng bà hy vọng kế hoạch hạ tầng của ông Biden sẽ sớm được phê chuẩn. “Kế hoạch sẽ thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, làm gia tăng tiềm năng về nguồn cung, nên sẽ kiềm chế lạm phát chứ không làm lạm phát tăng”, bà Yellen nói.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,07%, chốt ở 84,38 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,92%, đạt 83,57 USD/thùng.
Trong tuần này, có lúc giá cả hai loại dầu cùng đạt mức cao nhất 7 năm. Tuy nhiên, nếu tính cả tuần, giá dầu giảm khoảng 0,2%, đánh dấu tuần giảm đầu tiên sau 9 tuần tăng liên tiếp – chuỗi tăng dài nhất của giá dầu kể từ năm 1983, theo dữ liệu từ Dow Jones Market Data. Trong tháng 10, giá dầu tăng 11%.
Giá dầu tăng trong phiên ngày thứ Sáu do giới đầu tư tin rằng trong cuộc họp bàn về sản lượng diễn ra vào tuần tới, OPEC+ sẽ giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày thay vì tăng sản lượng mạnh hơn như kêu gọi của các nước nhập khẩu dầu lớn. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
Tuần này, giá dầu chịu áp lực giảm do lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng và Iran tuyên bố sắp nối lại cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc. Hỗ trợ cho giá dầu vẫn là mối lo nguồn cung dầu sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục từ đại dịch Covid-19.
Giá Bitcoin đã hồi phục sau khi giảm dưới mốc 60.000 USD trong tuần này, nhưng vẫn đang thấp hơn so với kỷ lục trên 66.000 USD thiết lập vào tuần trước. Lúc hơn 8h sáng ngày 30/10, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 62.011 USD, tăng gần 2% so với thời điểm cách đó 24 tiếng. Trong vòng 1 tuần, giá tiền ảo này tăng hơn 1,6%.