Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững
Hội nghị ISG 2021 năm nay với mục đích để tham vấn ý kiến của các đối tác quốc tế nhằm hoàn thiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi sang Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030...
Với chủ đề “Đối tác xanh cho một nền nông nghiệp mới”, Hội nghị trực tuyến Chương trình Hỗ trợ quốc tế (ISG) năm 2021 diễn ra ngày 16/12 tại Hà Nội, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam...
HƯỚNG TỚI NÔNG NGHIỆP SINH THÁI VÀ THÔNG MINH
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cạnh tranh thương mại về sự phát triển của công nghệ mới, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và những nguy cơ an ninh phi truyền thống như: biến đổi khí hậu toàn cầu, sự xuất hiện của nhiều dịch bệnh mới và kéo dài biến động giá, thay đổi nhu cầu người tiêu dùng có ảnh hưởng sâu rộng tới ngành nông nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm cho cả nước và góp phần cho an sinh xã hội ở các đô thị lớn trong điều kiện giãn cách xã hội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này vừa mang tính tiếp nối kế thừa những thành tựu đã đạt được trong nhiều nhiệm kỳ qua, vừa tổng hợp những quan điểm tiếp cận mới, tư tưởng mới, xu thế mới giá trị mới phù hợp với bối cảnh mới xoay quanh 3 trụ cột: “nông nghiệp sinh thái” “nông thôn hiện đại” “nông dân thông minh”.
“Chiến lược mang tư duy phát triển nông nghiệp chuyển từ sản xuất sang kinh tế; từ chú trọng về năng suất, sản lượng sang tích hợp đa giá trị; từ tận dụng, khai thác sang sử dụng hợp lý, nuôi dưỡng làm giàu tài nguyên phục vụ nhu cầu bền vững; từ ngắn hạn sang cục bộ trong dài hạn; kết nối liên vùng liên khu vực; từ cung ứng những mặt hàng có thể sản xuất sang đáp ứng đa dạng nhu cầu theo chuỗi giá trị hòa nhập với xu thế phát triển của toàn cầu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Ba trụ cột này hướng đến mục tiêu xây dựng nông nghiệp Việt Nam trở thành nhà sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm “minh bạch – trách nhiệm – bền vững” mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khẳng định với cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Bộ cũng đang hoàn chỉnh Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi sang Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam, giai đoạn 2021-2030.
Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở 5 lộ trình hành động gồm: đảm bảo mọi người tiếp cận được thực phẩm an toàn và dinh dưỡng; chuyển đổi sang tiêu dùng bền vững; đẩy mạnh sản xuất bền vững; xây dựng các chuỗi giá trị cạnh tranh, bao trùm và bình đẳng; tăng cường khả năng thích ứng với tổn thương, cú sốc và sức ép.
Để chuyển mình thay đổi, ngành Nông nghiệp không thể tự đứng một mình, làm một mình mà cần có sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ của các bộ, ban ngành trung ương và địa phương và đặc biệt là sự đồng hành và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để xây dựng nên đối tác xanh cho một nền nông nghiệp mới.
“Với tư duy đổi mới và cùng với sự đồng hành, ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế và các đối tác, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sẽ thực hiện được khát vọng về một nền nông nghiệp sinh thái tiên tiến tích hợp đa giá trị, kết hợp hài hòa tài nguyên bản địa, bản sắc văn hóa, niềm tin xã hội cùng với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói
NHỮNG CAM KẾT THỂ HIỆN THAM VỌNG LỚN
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá, những cam kết của Việt Nam với các bên liên quan chính là yếu tố then chốt cho việc chuyển đổi sang các hệ thống lương thực thực phẩm xanh và carbon thấp.
Trong nhiều năm qua FAO đã luôn đồng hành, ủng hộ những bước chuyển về chính sách của ngành nông nghiệp Việt Nam. FAO tin tưởng rằng với sự cởi mở, lắng nghe ý kiến của các bên liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chiến lược, kế hoạch sau khi hoàn thiện, ban hành sẽ có được những kết quả như mong muốn.
“Thông qua hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ, các tổ chức dân sự xã hội, khu vực tư nhân, các viện, trường, trung tâm nghiên cứu cũng như hợp tác xã thì mới thực hiện tốt chiến lược này. Tận dụng các kiến thức và lợi thế so sánh của các bên chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm xanh và carbon thấp".
"FAO sẽ tiếp tục phối hợp cùng với Chính phủ Việt Nam và các cộng đồng quốc tế mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng hiệu quả, bao trùm, thích ứng hơn và phát triển bền vững”.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao bản dự thảo chiến lược và kế hoạch với nhiều giải pháp trong tâm. Riêng về nâng cao khả năng chống chịu của biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên của UNDP và sẽ phối hợp chặt chẽ không chỉ ở cấp Trung ương mà còn cấp tỉnh, cộng đồng địa phương để tăng khả năng chống chịu trong thực tế.
UNDP đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng xây dựng các nhà chống chịu bão cho công đồng địa phương ven biển; bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn; hỗ trợ sinh kế cho người dân tại 7 tỉnh ven biển… Năm 2021, UNDP cũng có dự án mới tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đảm bảo nông dân sản xuất nhỏ lẻ có thể ứng phó tốt hơn với hạn hán, thiên tai.
Bà Caitlin Wiesen cũng đánh giá cao những sáng kiến, cam kết của Việt Nam tại COP26. Những cam kết thể hiện sự tham vọng lớn sẽ là cơ hội lớn để nhân rộng các giải pháp sản xuất thuận thiên cũng như tăng cường cộng đồng địa phương để đảm bảo an ninh lương thực và giảm phát thải khí nhà kính.
"UNDP sẽ phối hợp để xanh hóa chuỗi cung ứng đối với sản phẩm thanh long va tôm nuôi ở Bạc Liêu. Đây không chỉ là hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương mà thông qua việc sử dụng các công cụ thông minh để giảm phát thải khí nhà kính", bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị toàn thể ISG 2021, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Trưởng đại diện FAO Rémi Nono Womdim ký kết Khung chương trình hợp tác Việt Nam – FAO giai đoạn 2022-2026. Khung hợp tác này thể hiện sự cam kết cao tiếp tục hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và FAO trong việc thúc đẩy nông nghiệp nông thôn Việt Nam phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị.