18:26 30/11/2021

Định vị lại giá trị cốt lõi cho ngành nông nghiệp

Chu Khôi

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đề ra mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động ngành 5,5-6%/năm, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 60 tỷ USD vào năm 2030…

Hội thảo do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì.
Hội thảo do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì.

Rất nhiều trăn trở đối với ngành nông nghiệp được các nhà lãnh đạo, chuyên gia doanh nghiệp nêu lên tại hội thảo tham vấn “Dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào chiều 29/11/2021.

 MỤC TIÊU THU NHẬP CƯ DÂN NÔNG THÔN TĂNG GẤP 3 LẦN

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giúp giảm nghèo bền vững, cung cấp đầu vào và tài nguyên cho công nghiệp hóa, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản.

Tuy vậy, tăng trưởng nông nghiệp đang chậm lại, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên; nhiều vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu’ thu nhập của đại bộ phân nông dân còn thấp.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế tại khu vực nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Chiến lược).

Khái quát về Chiến lược này, TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết Chiến lược hướng tới tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm giai đoạn 2021-2030. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%.

Cùng với đó là mục tiêu mở rộng và phát triển thị trường nông sản, nhất là thị trường xuất khẩu để tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân khoảng 5-6%/năm giai đoạn 2021-2030, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 60 tỷ USD vào năm 2030.

 
"Chiến lược đề ra mục tiêu đưa thu nhập của cư dân nông thôn vào năm 2030 sẽ cao hơn 3 lần năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm. Đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong 10 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới".
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Theo TS. Trần Công Thắng, để đưa nông nghiệp nông thôn lên tầm cao mới, cần phải đổi mới tư duy về quản lý, quản trị nông nghiệp dựa trên các quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đẩy mạnh tư duy gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ.

 “Chuyển đổi mạnh mẽ từ nhận thức tới hành động về phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Cùng đó, chuyển đổi tư duy của nông dân về phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả sản xuất; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị”, TS Trần Công Thắng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam đang tồn tại hai vấn đề lớn. Đó là, nông nghiệp vẫn phát triển dựa trên đơn ngành; sử dụng nhiều đất đai và vật tư đầu vào thay vì sử dụng yếu tố khoa học công nghệ hay những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

Vấn đề thứ hai, những năm gần đây GDP đóng góp cho ngành nông nghiệp tăng nhưng chi phí đầu vào cũng tăng theo nên giá trị gia tăng bị giảm đi, thu nhập trực tiếp của người nông dân không đồng hành với sự tăng trưởng của ngành.

“Thị trường hiện không chỉ mua nông sản dựa trên giá cả mà dựa trên nhiều giá trị khác như: không tác động tới biến đổi khí hậu, môi trường, sức khỏe của chính người nông dân… Đó là câu chuyện ngành cần định vị lại những giá trị cối lõi, tiếp cận xu thế tại tất cả những ngành hàng. Chiến lược phải hướng đến sự tăng trưởng bao trùm, tạo ra bao nhiêu việc làm, người nông dân được thụ hưởng sự phát triển của ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

ĐỘNG LỰC CHÍNH PHẢI Ở KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP

Đại diện cho các doanh nghiệp tư nhân, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho rằng muốn thay đổi tư duy cần phải xuất phát từ khoa học - công nghệ, rồi các mô hình, thể chế chính sách.

Từ thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Thái Hương đề xuất về nguồn lực đất đai, cần có đánh giá từng mô hình điểm ở từng lĩnh vực ở các vùng khác nhau để từ đó mới đưa ra từng chính sách cho từng mô hình khác nhau để sau đó hoàn chỉnh thể chế.

"Chẳng hạn về rừng. Nhiều cánh rừng đã không còn gỗ, không còn rừng. Tuy nhiên, khi tôi đề xuất trồng một số cây ăn quả có tính chất lâm nghiệp để đất không bị xói mòn, thì thủ tục rất lâu bởi vướng mắc rất nhiều thứ" - bà Thái Hương nêu thực tế.

 
"Ngành nông nghiệp còn nhiều dư địa phát triển trong chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng nhưng không phải vô hạn. Một số lĩnh vực phải giảm như khai thác trên biển, đặc biệt là khai thác ven bờ".
Ông Cao Đức Phát, nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, khuyến cáo Chiến lược cần nêu đậm nét hơn về những điểm yếu của nền nông nghiệp trong giá trị gia tăng. Cần làm rõ nhu cầu thị trường tiêu thụ nông sản trong nước để đề ra giải pháp chứ không chỉ nêu bật những thành tựu xuất khẩu. Phải làm sao để người tiêu dùng trong nước có niềm tin với sản phẩm nông nghiệp nội. 

Là một người từng làm Tư lệnh ngành nông nghiệp đã nhiều năm với bao nỗi niềm đau đáu, ông Cao Đức Phát – nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu mới. Sản phẩm nông nghiệp ngày càng không chỉ đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng còn nhiều yêu cầu mới như: sản phẩm phát thải carbon thấp. Ngành nông nghiệp đang đóng góp 20% phát thải nên không thể đứng ngoài ngành phải thích ứng và tham gia tích cực để giảm phát thải khí ngày kính.

“Xu hướng nông nghiệp ngày càng giảm vì đất đai giảm, lao động giảm… Vì vậy, ngành phải giảm chi phí sản phẩm, tăng giá trị mặt hàng trong cả chuỗi giá trị. Đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, sinh thái và biến nó thành giá trị kinh tế trong nông nghiệp", ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Về động lực mới cho phát triển nông nghiệp, ông Cao Đức Phát nhận định, 20 năm qua động lực chính của nông nghiệp là đổi mới chính sách, tiếp đến là đổi mới khoa học công nghệ. Hiện vẫn còn dư địa để đổi mới chính sách nhưng động lực chính sẽ phải ở khoa học nông nghiệp vì trong điều kiện nguồn lực giảm thì khoa học công nghệ là động lực để tạo ra giá trị. Do đó, ngành cần tiếp tục phát triển thủy lợi, cùng với đó là hạ tầng số, logistics; hệ thống thú y, bảo vệ thực vật.