16:02 06/12/2021

Hóa giải thách thức trong chuyển đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp

Chương Phượng

Hiện vẫn còn những khoảng trống khoa học công nghệ cần được giải quyết để thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Cần thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa khoa học và chính sách để mở rộng quy mô áp dụng các tiến bộ khoa học và sửa đổi các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng...

Tiến sĩ Jean Balié, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI, Giám đốc One CGIAR khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương
Tiến sĩ Jean Balié, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI, Giám đốc One CGIAR khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy dưới đây, Tiến sĩ Jean Balié, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI, Giám đốc One CGIAR khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, khuyến nghị cần thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa khoa học và chính sách để mở rộng quy mô ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp…

Ông nhận định như thế nào về vai trò và tính hiệu quả của khoa học nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp tại Việt Nam?

Ngành nông nghiệp của Việt Nam đã chuyển đổi nhanh chóng trở thành một nước xuất khẩu nông sản đa dạng và có sức cạnh tranh cao trên quy mô toàn cầu. Vai trò của công nghệ và chính sách đã giúp Việt Nam giải quyết hiệu quả các dạng mất an ninh lương thực và nghèo đói nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, phía trước còn nhiều thách thức để đạt được an ninh dinh dưỡng trên diện rộng, xây dựng mô hình tăng trưởng công bằng, và đặc biệt quan trọng là hệ thống thực phẩm cần bền vững hơn với môi trường.

CGIAR sẽ xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với các nhà hoạch định chính sách cấp quốc gia và địa phương. Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng cần tăng tốc thu hút vốn đầu tư cho việc triển khai các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản trên quy mô lớn. CGIAR sẽ tận dụng các nguồn vốn từ các tổ chức tài trợ quốc tế và các nguồn lực từ các quốc gia bao gồm nhà nước và khu vực tư nhân. Đồng thời, CGIAR cũng sẽ thu hút thêm các đối tác nghiên cứu quốc tế, đặc biệt là các trường đại học, các viện nghiên cứu uy tín trên thế giới vào hợp tác khoa học nông nghiệp tại Viêt Nam.

Vậy những công nghệ kỹ thuật mới đang có triển vọng ứng dụng nhanh chóng và thiết thực vào ngành nông nghiệp hiện nay là gì, thưa ông?

Công nghệ kỹ thuật số có tiềm năng lớn để cách mạng hóa và chuyển đổi ngành nông nghiệp cũng như sinh kế nông thôn, thông qua kết nối và cung cấp thông tin cho người dân để tiếp cận thị trường mới, nâng cao năng suất, giảm chi phí lao động, qua đó cải thiện sinh kế cho nông dân. Nhiều công nghệ đang được ứng dụng rất nhanh như: máy bay không người lái để gieo hạt, áp dụng chuỗi khối (block chain) để truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sản phẩm, ứng dụng in 3D để sản xuất các phụ tùng thay thế cho máy móc nông trại; các thuật toán trí tuệ nhân tạo xác định sâu bệnh; ứng dụng mạng lưới vạn vật kết nối để lập lịch tưới tiêu và ghi nhãn dấu chân carbon… 

Nhờ áp dụng công nghệ số, đã cho phép quản lý chính xác chất dinh dưỡng theo địa điểm cụ thể để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ứng dụng công cụ không gian địa lý để ước tính sản lượng lúa và nhanh chóng đánh giá thiệt hại do lũ lụt và hạn hán để gắn dữ liệu với chương trình bảo hiểm…

Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Được biết, các ông đang có sáng kiến One CGIAR. Xin cho biết định hướng và tầm nhìn của One CGIAR tại Việt Nam?

One CGIAR sẽ là một mô hình năng động, kế thừa quan hệ đối tác, tri thức, tài sản và sự hiện diện toàn cầu của CGIAR, nhằm mục đích tích hợp và tác động lớn hơn khi đối mặt với những thách thức mà thế giới ngày nay đang phải đối mặt. Khi chuyển đổi thành One CGIAR, các tiến bộ khoa học về hệ thống thực phẩm, đất và nước có thể được triển khai nhanh hơn, ở quy mô lớn hơn, với chi phí giảm, tạo ra được tác động lớn hơn. Điều này sẽ cung cấp cho những người hưởng lợi trên khắp thế giới những cách thức bền vững hơn để canh tác, đánh bắt, vận chuyển, chế biến, buôn bán và tiêu thụ thực phẩm an toàn và bổ dưỡng.

 
Đối với khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương và đặc biệt là ở Việt Nam, trọng tâm của sáng kiến ​​là đảm bảo các vùng đồng bằng châu thổ lớn tại châu Á chống lại hiện trạng nước biển dâng, lũ lụt và xâm nhập mặn.

One CGIAR sẵn sàng hỗ trợ tối đa trong việc giải quyết những thách thức đang hiện hữu tại Việt Nam và trong khu vực. Cụ thể, chuyển đổi hệ thống thực phẩm thông qua nghiên cứu và đổi mới, cải thiện chính sách và cơ sở hạ tầng.

Thông qua chuyển đổi hệ thống thực phẩm, chúng tôi có thể phát triển các giải pháp để sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm, bảo vệ đa dạng sinh học bằng các chiến lược dựa vào thiên nhiên, biến nông nghiệp thành bể chứa carbon ròng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân thông qua các loại thực phẩm lành mạnh…

Trong giai đoạn 2021-2030, trọng tâm của kế hoạch hợp tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp của CGIAR tại Việt Nam bao gồm những nội dung nào, thưa ông?

Trong vài tháng tới, CGIAR sẽ chủ động tham gia đối thoại với các đối tác chính ở Việt Nam, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng xác định khung chương trình quốc gia. Khung này sẽ giúp xác định các ưu tiên nghiên cứu phát triển trong 4-5 năm tới và xác định các phương thức tiềm năng để huy động các nguồn tài trợ cần thiết. Trước mắt, chúng tôi muốn đề xuất tăng cường hợp tác về ba chủ đề Khôi phục sau thảm họa dịch bệnh và thiên tai, Khả năng phục hồi và Chuyển đổi nông nghiệp.  

Đối với Khôi phục sau thảm họa (Recovery), chúng tôi sẽ chú trọng vào hỗ trợ chính sách, bao gồm cải cách chính sách cần thiết để đề xuất tái định vị hỗ trợ của Nhà nước cho nông nghiệp một cách đáng tin cậy, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết biến đổi khí hậu và phục hồi kinh tế xanh. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chú trọng về hội nhập thị trường và tạo thuận lợi thúc dẩy thương mại trong khu vực.

Về Khả năng phục hồi (Resilience), chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy cơ giới hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, mạng lưới trao đổi và đánh giá nguồn gen đối với cây lương thực phục vụ an ninh lương thực khu vực.

Trong mảng Chuyển đổi (Transformation), One CGIAR sẽ hợp tác nhằm cung cấp dinh dưỡng, đặc biệt cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho các siêu đô thị của ASEAN để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế và xã hội, đặc biệt đối với khởi nghiệp của thanh niên và thông qua công nghệ.

Ông có kiến ​​nghị gì với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ Việt Nam về các chính sách thúc đẩy khoa học nông nghiệp?

Chúng tôi đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ Việt Nam cần tập trung vào các chính sách nhằm khuyến khích: Tăng cường năng lực của các các viện thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS); Thúc đẩy sự hợp tác quốc tế của các nhà nghiên cứu trong nước; Xây dựng các hợp phần nghiên cứu trong các chương trình phát triển nông nghiệp; Đẩy nhanh việc tiếp nhận và mở rộng quy mô các đổi mới sáng tạo; Xây dựng lộ trình chuyển đổi rõ ràng bao gồm quản lý sự cân bằng giữa các lĩnh vực tác động khác nhau.