16:12 06/12/2021

Để nông nghiệp phát triển bền vững, cần nhiều hợp tác quốc tế

Chu Khôi

Trong 5 năm qua, hơn 100 dự án nghiên cứu khoa học nông nghiệp được các cơ quan quốc tế triển khai tại Việt Nam dưới sự điều phối của Nhóm Tư vấn các Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR). Các dự án này được triển khai trong nhiều lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thích ứng với biến đổi khí hậu…, đã giúp 2 triệu nông dân được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp đem lại ích lợi cho khoảng 24,5 triệu người...

Khoa học giúp nông nghiệp phát triển bền vững
Khoa học giúp nông nghiệp phát triển bền vững

Tại Việt Nam, mặc dù tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nhưng nông nghiệp vẫn là một trong những trụ cột quan trọng trong tăng trưởng của đất nước, đem lại thu nhập và sinh kế cho hàng chục triệu người ở nông thôn và vùng cao. Tuy vậy, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với các mối đe dọa về môi trường do thâm canh không bền vững, nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên và tác động của biến đổi khí hậu…

Những thách thức này đặt ra câu hỏi: Làm thế nào Việt Nam có thể phát triển theo hướng bền vững hơn? Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những địa bàn trọng tâm hoạt động của CGIAR.

HƯỚNG TỚI CANH TÁC BỀN VỮNG

CGIAR có quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu thúc đẩy nghiên cứu khoa học nông nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề: giảm nghèo ở nông thôn, cải thiện an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên… Các hoạt động của CGIAR được thực hiện bởi 15 trung tâm tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế, hợp tác chặt chẽ với hàng nghìn tổ chức, cơ quan đối tác trên toàn thế giới.

Nhiều tổ chức, trung tâm thuộc CGIAR đã thiết lập văn phòng hoặc triển khai dự án tại Việt Nam, như: Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Liên minh Bioversity và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI), Trung tâm Nghề cá thế giới (Worldfis), Viện Nghiên cứu khoai tây (CIP), Viện Quản lý nước quốc tế (IWMI), Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI)… Trong 5 năm qua, hơn 100 dự án nghiên cứu khoa học nông nghiệp được các cơ quan quốc tế triển khai tại Việt Nam dưới sự điều phối của CGIAR.

Trong ngành lúa gạo, IRRI là đối tác chính phối hợp với các Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển quy trình canh tác lúa cải tiến “3 giảm, 3 tăng” đã từng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao giải thưởng. Mô hình trồng lúa này đã và đang được nhân rộng trong phạm vi cả nước.

Hiện tại, mô hình “1 phải 5 giảm” cũng do IRRI nghiên cứu và thiết lập đang được ứng dụng để nâng cao khả năng quản lý tốt trong sản xuất lúa. Ngoài ra, khoảng 100 giống lúa do IRRI chọn lọc và cung cấp đã được nhân rộng ở Việt Nam.

Canh tác "1 phải 5 giảm" đem lại hiệu quả cao trong trồng lúa
Canh tác "1 phải 5 giảm" đem lại hiệu quả cao trong trồng lúa

Đến năm 2020, tỷ lệ áp dụng gói kỹ thuật “1 phải 5 giảm” đạt hơn 160.000 ha, đã giúp giảm phát thải 1,3 triệu tấn CO2/năm. Kỹ thuật thoát nước nhiều lần kết hợp với tưới ướt, khô xen kẽ được các Tổ chức GIZ và SNV nhân rộng trên hơn 4.000 ha trong cả nước.

Các công nghệ quản lý phụ phẩm nông nghiệp, gia tăng giá trị, đồng thời giảm lượng khí thải cũng được IRRI nghiên cứu và chuyển giao tại Việt Nam. Điển hình như: thu gom rơm rạ để sản xuất nấm đã làm tăng giá trị của rơm rạ lên 50 USD/tấn và giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính; áp dụng tiến bộ cơ giới hóa trong canh tác đã giúp giảm chi phí, tăng khả năng thích ứng, hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp số.

Trong Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới là nhà tài trợ chính với tổng số vốn 301 triệu USD, IRRI đã tham gia đào tạo cho hơn 900.000 nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long về quy trình canh tác lúa phát thải thấp.

NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Liên minh Bioversity và CIAT đã và đang điều phối Chương trình Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực (CCAFS), bao gồm các nghiên cứu nhằm mục đích chuyển đổi nông nghiệp để tăng khả năng chống chịu của các hệ thống sản xuất và sinh kế. Thông qua các hoạt động hình thành Làng thông minh thích ứng với khí hậu ở một số địa phương, CIAT và CCAFS đã phát triển mô hình chuyển đổi các hoạt động nông nghiệp (ở các khu vực nguy cơ cao) sang một cách thực hành bền vững hơn.

 

Hỗ trợ cách tiếp cận “Một sức khỏe” cũng là một điểm nhấn trong các hoạt động do CGIAR điều phối tại Việt Nam, với sự hợp tác liên ngành chặt chẽ giữa y tế, nông nghiệp và môi trường. Viện ILRI điều phối nghiên cứu Một sức khỏe hiện đang áp dụng cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề xuyên biên giới và liên vùng ở Việt Nam.

Cũng hướng tới mục đích Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, được điều phối bởi Tổ chức Khí tượng thế giới, Liên minh Bioversity và CIAT và Đại học Nam Queensland cùng một số công ty bảo hiểm đã thực hiện chương trình dự báo khí hậu theo mùa và các giải pháp bảo hiểm sáng tạo ở Đông Nam Á (2019-2022). Hiện mô hình đang được thử nghiệm trong giai đoạn 2021-2025 trên diện tích 1.500 ha với các công ty kinh doanh cà phê, nông dân và cơ sở rang xay cùng đóng góp phí bảo hiểm.

Các chương trình hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực thủy sản ở Việt Nam do Tổ chức Worldfish điều phối. Trong đó, dự án Nuôi dưỡng ao nuôi hợp tác với Đại học Cần Thơ, Đại học Wagenigen và một số đối tác Việt Nam đã phát triển một hệ thống dinh dưỡng mới cho nuôi trồng thủy sản dựa trên thâm canh sinh thái. WorldFish cũng phối hợp với Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản Việt Nam (VIFEP) nghiên cứu nuôi trồng thủy sản thông minh phù hợp khí hậu ở Bắc Trung Bộ.

 

Ngành nông nghiệp Việt Nam rất cần sự đồng hành của các đối tác quốc tế

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

"Nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới thể chế, phát triển khoa học công nghệ và nâng cao trình độ. Vì vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà tài trợ, đối tác quốc tế, đặc biệt là các tổ chức nông nghiệp quốc tế CGIAR, cùng hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành các chiến lược phát triển cho từng lĩnh vực cụ thể như: chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Do đó chiến lược, định hướng của One CGIAR trong thời gian tới cần lồng ghép với các ưu tiên phát triển của từng lĩnh vực, đặc biệt là gắn với các giải pháp để hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc và Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26).

Bên cạnh các quan hệ đối tác sẵn có, One CGIAR cần đẩy mạnh hợp tác với khu vực tư nhân, hiệp hội, ngành hàng để mở rộng thêm những cơ hội hợp tác mới, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới nhất vào phát triển nông nghiệp tại Việt Nam”.