07:00 08/10/2022

Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản diễn ra chậm

Phan Dương

Có 3 lý do chậm chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản. Đó là nhận thức chậm, công nghệ phức tạp và dữ liệu bất động sản Việt Nam chưa tốt...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Hội nghị Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam diễn ra ngày 7/10 thu hút được nhiều sự quan tâm từ thị trường. Nói về vai trò của chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhìn nhận công nghệ số và chuyển đổi số giờ không còn là nhu cầu, sự lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường bất động sản chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững. Hiện chúng ta đã quan tâm, ứng dụng và phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng vẫn chưa tương xứng với các ngành nghề khác.

DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ BẤT ĐỘNG SẢN RẤT KHÓ TỒN TẠI

Từ góc độ là một chuyên gia, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Tập đoàn Meey Land, phân tích rằng chuyển đổi số là áp dụng các công nghệ giúp rút ngắn thời gian, chi phí, nhân lực trong quá trình tìm hiểu, mua bán bất động sản. Cụ thể, chuyển đổi số sẽ giúp khách hàng tìm được sản phẩm bất động sản phù hợp nhất với mức giá hợp lý nhất; giúp quay vòng vốn nhanh, ổn định thị trường; kết nối cung cầu; giúp thị trường lưu thông, tăng tính thanh khoản.

Các Proptech (ứng dụng công nghệ thông tin vào bất động sản) ở Việt Nam có thể kể đến như: Propzy, Homebase, Infina, Revex... Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp đang dần dần đóng cửa và các đơn vị còn lại cũng đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể tồn tại, mặc dù quy mô của thị trường là rất lớn. Doanh thu trong giai đoạn đầu đối với các doanh nghiệp công nghệ bất động sản cũng rất ít, rất khó để các doanh nghiệp đủ quay vòng vốn. Vì vậy không có nhiều đơn vị theo đuổi được lĩnh vực này. Nguyên nhân là do có quá nhiều khó khăn liên quan đến con người, công nghệ.

Cũng bàn về thực trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết thêm rằng chuyển đổi số tại thị trường bất động sản Việt Nam còn chậm bởi các chủ thể tham gia thị trường bất động sản hiện nay không phải ai cũng nhận thức về công nghệ một cách đầy đủ. Đơn cử như việc xây dựng một công trình, nhà ở, dự án, việc chuyển đổi số mới chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm năng lượng, ứng dụng vật liệu xanh chứ chưa ứng dụng được những công nghệ cao hơn trong quá trình đầu tư, phát triển, vận hành.

Qua thực tế triển khai, ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc Công nghệ, Trưởng Ban Chuyển đổi số Công ty Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, thừa nhận công cuộc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp thực sự rất vất vả. Chúng tôi bắt đầu công tác chuyển đổi số từ năm 2017. Khi đó, vẫn nhiều chủ đầu tư còn dùng Excel để quản lý bảng hàng. Đến nay, đã là 5 năm nhưng Đất Xanh Miền Bắc mới đi được khoảng 1/3 quãng đường do nhiều nguyên nhân.

Về khách quan, có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, do đặc thù của ngành môi giới, khách hàng không thích thanh toán qua ngân hàng, phần lớn đều thanh toán tiền mặt; Thứ hai, giá trị giao dịch khá lớn, phí thanh toán online rất cao, thấp nhất cũng chiếm 0,6%/ giao dịch; Thứ ba, chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý sổ đỏ, sổ hồng cấp cho chủ sở hữu mới có đủ cơ sở triển khai giải pháp quản lý tài sản, số hóa trong công tác quản lý tài sản, doanh nghiệp không thể làm được điều này.

Nguyên nhân chủ quan là do nghề môi giới bất động sản gần đây có sự dịch chuyển rất nhiều, đặc biệt trong thời gian Covid-19 diễn ra, ngành bất động sản đón nhận nhiều nhân sự từ ngành khác sang làm môi giới. "Hầu hết sau một vài tháng thử việc không được, thì nghỉ. Những người mới vào lại tiếp tục đào tạo lại từ đầu… Một vấn đề nữa là sản phẩm có thể rất tốt nhưng phù hợp được đến đâu và khả năng triển khai, áp dụng được vào doanh nghiệp thật sự hiệu quả hay không thì đòi hỏi cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá”, Trưởng Ban Chuyển đổi số Công ty Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc bày tỏ.

CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ CẢ QUÁ TRÌNH

Ông Chính cũng cho rằng chuyển đổi số trong tư duy của người lãnh đạo là quan trọng, tư duy để hiểu được khó khăn, thách thức và đồng hành cùng với cả quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản diễn ra chậm - Ảnh 1

Còn theo ông Hà, yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số là việc tiếp cận các chủ trương, chính sách. Cần phải có sự vào cuộc của hệ thống chính quyền đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác chính là kinh phí. Nếu phải bỏ quá nhiều tiền nhưng rủi ro trên 50% thì rất ít doanh nghiệp dám tham gia vào lĩnh vực này. Vì vậy, cần có sự cân đối một cách chi tiết của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước.

Ở một góc nhìn khác, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, cho rằng bất động sản là tài sản lớn, người mua đến tận nơi tìm hiểu còn khó đưa ra quyết định, huống chi là chỉ xem thông tin trên mạng internet. Do đó, muốn chuyển đổi số thành công phải là cả quá trình. Hệ sinh thái công nghệ cho bất động sản là rất cần thiết và không thể thiếu để đi theo xu thế phát triển bền vững.

Tuy nhiên, những nhà cung cấp phải tạo được niềm tin cho khách hàng, đồng thời, phải có giải pháp để góp phần thay đổi dần nhận thức của các chủ thể về vai trò của các ứng dụng công nghệ. Trước hết, phải cho khách hàng hiểu rõ được các sản phẩm của mình. Thứ hai là phải đóng vai trò dẫn dắt thị trường, đảm bảo quan hệ giữa nhà cung cấp và các doanh nghiệp bất động sản, các sàn môi giới…

Nhận định rằng trong chuyển đổi số, không thể coi nhẹ vai trò của dữ liệu, ông Nguyễn Văn Đính kiến nghị tới Bộ Xây dựng hai vấn đề.

Thứ nhất, cần mã hóa bất động sản, phải mã hóa để theo dõi dịch, biến động trên thị trường như thế nào.

Thứ hai, trong phạm vi ngành nghề, cần mã số đến các sàn giao dịch và từng nhà môi giới. Từ đó sẽ giúp việc quản lý của Nhà nước tốt hơn, hiệu quả hơn và qua đó, chuyển đổi số của các doanh nghiệp, đơn vị tham gia cũng thuận lợi hơn.