14:00 02/10/2022

“Quả ngọt” từ 15.000 tỷ đầu tư chuyển đổi số ngành ngân hàng

Thành công của ngân hàng từ việc tiên phong chuyển đổi số không chỉ được giới chuyên gia trong nước, mà nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất cao....

Các ngân hàng đang thiết lập hệ sinh thái số
Các ngân hàng đang thiết lập hệ sinh thái số

Nếu nói đến chuyển đổi số không thể không nhắc đến ngành ngân hàng. Bởi đây là nhóm ngành tập trung vốn, công nghệ, con người cho chuyển đổi số từ rất sớm. Với sự đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng, đến nay, ngành Ngân hàng đã bắt đầu hái “quả ngọt”.

BƯỚC ĐI THÀNH CÔNG VƯỢT MONG ĐỢI

Phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến “Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực. Đến nay, Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn.

“Đại dịch Covid-19 vừa qua, khi các giao dịch trực tuyến lên ngôi trong thời gian dài giãn cách xã hội, thanh toán trực tuyến bùng nổ, quá trình chuyển đổi số ngân hàng cũng được rút ngắn và có những bứt phá thần tốc”, ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cho biết thêm, số liệu từ Vụ Thanh toán cho thấy, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số.

Đồng thời, nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền/gửi tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%, phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số. Trong 8 tháng đầu năm 2022, thanh toán trên thiết bị di động tăng 107% về số lượng và 92% về giá trị.

 

Năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng từ 41% năm 2015 lên đến 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân 33% của thị trường mới nổi​.

Hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey

Chung quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, trong quá trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước. Đến nay, bước đi đó đã thành công vượt mong đợi. Thậm chí, thành công vượt qua tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

“Trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao dịch thanh toán mua hàng hóa mà vẫn cách ly. Đấy là những kết quả tôi cho rằng nếu không chuyển đổi số thì không thể làm được. Lợi ích của người dân vừa rồi là minh chứng rất rõ ràng cho việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng”, ông Hùng nói.

Ông Hùng dẫn chứng việc ngành Ngân hàng cũng được hưởng lợi khi chuyển đổi số thành công. Có thể kể tên một số ngân hàng như VPBank, Techcombank, MB, HDBank… vừa qua đã chuyển đổi số và đưa vào ứng dụng sớm nhất, cho nên thu được kết quả rất khích lệ. Đó là CASA lên đến 40-50%, góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn. Có những lúc người ta chưa hiểu được rằng tại sao ngân hàng lợi nhuận cao đến thế, nhiều như vậy trong bối cảnh dịch bệnh. Lợi nhuận cao như thế, CASA lên đến 40-50% thì hệ số rất lớn, góp phần tăng tỷ lệ lợi nhuận và người dân cũng được hưởng lợi.

“Đây là tiền đề để các ngân hàng khác từng bước chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu của người dân - người dân sử dụng tiện ích nhất và ngân hàng được hưởng lợi. Một trong những điều tôi cảm thấy rất phấn khởi là cả một quá trình như vậy hệ thống thanh toán của ngân hàng thông suốt, đảm bảo an toàn, tất cả giao dịch xử lý, kịp thời, nhanh chóng, an toàn”, ông Hùng khẳng định.

VẪN CÒN KHÓ KHĂN CẦN VƯỢT QUA

Dù đạt được những kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số, tuy nhiên, ông Hùng cũng chỉ ra rằng, quá trình chuyển đối số còn mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại từ cả bên trong đến bên ngoài.

Bởi theo ông Hùng, hiện nay trên 90% các dịch vụ thanh toán liên quan tiền gửi đều có thể triển khai chuyển đổi số. Còn lại cho vay và các dịch vụ khác liên quan đến các bộ, ngành thì chưa thể triển khai được. Kể cả Thông tư 39 hiện nay cũng không thể sửa đổi được nếu Luật Giao dịch điện tử chưa được sửa đổi, bổ sung. Từ đó mới thấy được khó khăn của ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại trong việc triển khai chuyển đổi số.

Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cho rằng, có 5 thách thức các ngân hàng sẽ phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số.

Thứ nhất, câu chuyện về hành lang pháp lý, còn thiếu và không đồng bộ. Ví dụ như Luật Giao dịch điện tử chưa kịp sửa, rồi Luật Kế toán. Luật Kế toán cũng đã có những câu chuyện mắc cho số hóa ngành ngân hàng, đơn giản chỉ là dấu chấm hay dấu phẩy trong quá trình số hóa của ngành cũng đã khó khăn rồi. Hoặc chữ ký số. Hay câu chuyện chúng ta chia sẻ dữ liệu dân cư thế nào để các tổ chức tín dụng có thể dùng eKYC xác thực khách hàng.

Thứ hai, vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn. Không phải một sớm một chiều mà có ngay tiền được. Theo khảo gần đây, những ngân hàng bỏ ra 3% chi phí thì có dưới 50%, còn lại khoảng 13% các ngân hàng đầu tư khoảng trên 13% chi phí cho IT, mà 13% cho IT thì không hề đơn giản.

Thứ ba, cần nhiều thời gian để đào tạo nhân sự. Trong môi trường số mà những người không hiểu về số, không hiểu về công nghệ thông tin, về bảo mật an toàn thì chắc chắn là sẽ vi phạm. Nếu không được đào tạo lại cũng rất nguy hiểm.

Thứ tư, liên quan đến câu chuyện bị tấn công trên không gian mạng. Rõ ràng, ngân hàng luôn bị các loại tội phạm tấn công, như tấn công vào tài khoản, ăn trộm mật khẩu… và luôn có rủi ro bị mất tiền. Đấy là câu chuyện phải nhận thức rõ.

Thứ năm, mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, cũng như sử dụng sản phẩm số vẫn chưa theo kịp với công nghệ phát triển ngày nay. Chính vì thế mà nhiều người chủ quan, dẫn đến cho mượn tài khoản, thậm chí cho cả người thân, con cái mật khẩu, mã số giao dịch, dẫn đến mất trộm tiền.

Nhìn chung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, “số” chỉ là công cụ, đòn bẩy, còn chuyển đổi là thay đổi rất lớn, từ tư duy, nhận thức đến văn hóa, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và người dùng.

Vì vậy, để giải quyết các vấn đề khó khăn, ngành ngân hàng đang xây dựng và trình Chính phủ 2 nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101 và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Hai nghị định này được coi là đổi mới về mặt thể chế, quy định để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán, và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng thời gian tới.