11:05 04/10/2022

Đà Nẵng chuyển đổi số thành công trong hoạt động cứu thương

Ngô Anh Văn

Với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm trong việc cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông minh, các ngành chức năng của Đà Nẵng đã và đang triển khai có hiệu quả Ứng dụng quản lý, giám sát hành trình xe cứu thương, xe cứu hỏa và xe vận chuyển rác...

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đôc Sở TTTT Đà Nẵng tiếp nhận máy tính bảng do Công ty Trung Nam tài trợ để lắp đặt trên xe cấp cứu 115 TP. Đà Nẵng.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đôc Sở TTTT Đà Nẵng tiếp nhận máy tính bảng do Công ty Trung Nam tài trợ để lắp đặt trên xe cấp cứu 115 TP. Đà Nẵng.

Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng “Thành phố thông minh” và Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm trong việc cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với, Sở Y tế, Trung tâm Cấp cứu thành phố triển khai Ứng dụng quản lý, giám sát hành trình xe cứu thương, xe cứu hỏa và xe vận chuyển rác tại thành phố Đà Nẵng.

LẤY NGƯỜI DÂN LÀM TRUNG TÂM

Ứng dụng gồm app trên điện thoại di động (DanaMap/Hanhtrinhso hoặc Danang Smart City) để phục vụ người dân, lái xe 115, kíp cấp cứu và phiên bản web, bản đồ trên màn hình để phục vụ điều hành, quản lý của Trung tâm Cấp cứu và Sở Y tế thành phố.

Cùng đồng hành với các cơ quan, đơn vị thực hiện ứng dụng trên, Công ty Trung Nam (đơn vị sản xuất máy tính bảng thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho Em” cũng đã đầu tư nguồn vốn tài trợ máy tính bảng lắp đặt trên từng xe cấp cứu 115 để việc ứng dụng hiệu quả và rút ngắn thời gian cấp cứu.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, Ứng dụng không chỉ chủ động xử lý tình huống khẩn cấp trong cấp cứu nạn nhân, bệnh nhân mà còn giúp các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động cứu thương nâng cao chất lượng quản lý, theo dõi đối với từng nhiệm vụ, lộ trình di chuyển của xe cứu thương để công tác điều hành chuyên môn tiện lợi, chính xác hơn, thông minh hơn.

“Ứng dụng sử dụng app trên điện thoại di động (DanaMap/Hanhtrinhso hoặc Danang Smart City) để phục vụ người dân, lái xe 115, kíp cấp cứu và phiên bản web, bản đồ trên màn hình để phục vụ điều hành, quản lý của Trung tâm Cấp cứu và Sở Y tế. Ứng dụng giúp người dân, du khách có thể đặt yêu cầu, theo dõi được hành trình xe cấp cứu, thời gian dự kiến xe đến”, Ông Trần Ngọc Thạch cho biết thêm.

Theo đó, trong trường hợp cần gọi xe cấp cứu 115, người dân hoặc du khách sử dụng điện thoại thông minh để yêu cầu về cấp cứu trên Ứng dụng với vị trí GPS chính xác, qua đó giúp các xe cấp cứu 115 dễ dàng định vị và đến đúng vị trí theo yêu cầu với thời gian nhanh nhất.

Trường hợp người dân không sử dụng điện thoại thông minh, ngay sau khi gọi cấp cứu bằng điện thoại thông thường, sẽ nhận được tin nhắn SMS có chứa đường dẫn để mở bản đồ theo dõi vị trí, hành trình di chuyển của xe cứu thương. Đặc biệt, người dân có thể xem được xe cấp cứu 115 đã khởi hành hay chưa, hành trình đi, đoạn đường và khoảng thời gian đến chỗ mình để chủ động trong thời gian chờ được cấp cứu.

Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng giúp người dân cũng dễ dàng định vị được các vị trí bệnh viện, trạm xá nơi gần nhất, cũng như gửi đánh giá về chất lượng dịch vụ tại các bệnh viện, trạm xá; góp ý và nhận phản hồi về các xe cấp cứu và kíp cấp cứu ngay trên ứng dụng di động.

Nhờ đó Trung tâm Cấp cứu có thể tiếp nhận thông tin nhanh nhất để kịp thời điều chỉnh vận hành linh hoạt giúp cải thiện và nâng cao chất lượng vận hành của hệ thống xe cấp cứu 115 cũng như cung cấp dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn cho người dân.

ĐIỀU HÀNH, QUẢN LÝ CHUYÊN MÔN CHÍNH XÁC HƠN, THÔNG MINH HƠN

Đối với cơ quan quản lý (Trung tâm Cấp cứu, Sở Y tế Đà Nẵng), Ứng dụng này giúp Trung tâm Cấp cứu 115 chọn xe cấp cứu gần nơi yêu cầu nhất, để nhanh nhất đến đón bệnh nhân; đồng thời giám sát hành trình xe, nếu có sự cố thì đổi, thay xe khác kịp thời. Ngay khi nhận yêu cầu cấp cứu, thông qua việc hỏi thông tin từ người gọi lên tổng đài 115, các tổng đài viên có thể lập tức xác định những thông tin cơ bản của người bệnh gồm: thông tin cá nhân, tình trạng người bệnh, địa chỉ cụ thể…

Trong lộ trình di chuyển của xe cấp cứu được hệ thống tự động gửi tin nhắn SMS (có link kết nối theo dõi lộ trình xe di chuyển) đến người gọi cấp cứu để người gọi có được thông tin ban đầu về chiếc xe cứu thương nhận lệnh đến hiện trường (nơi người bệnh yêu cầu) và cập nhật liên tục theo thời gian thực trên nền tảng bản đồ số, cho phép người dân tra cứu vị trí của xe cứu thương đang đến một cách thuận lợi.

Bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết toàn bộ thông tin về lộ trình, vận tốc di chuyển của xe cứu thương trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ cho đến sau khi hoàn thành ca cấp cứu được tự động lưu trữ trên hệ thống ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, điều phối xe cấp cứu và kíp cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu.

Từ đó, Trung tâm có thể theo dõi và quản lý từng nhiệm vụ, lộ trình di chuyển (trên bản đồ) của xe cứu thương theo thời gian thực tế; từ đó tối ưu việc phân công xe cấp cứu thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, cũng như giảm chi phí xe, xăng, …

 “Ứng dụng cũng cho phép lái xe cấp cứu 115 nhận nhiệm vụ, báo cáo khởi hành, báo cáo đến địa điểm cấp cứu, báo cáo giao bệnh nhân cấp cứu,... trên điện thoại giúp thuận lợi trong công tác điều hành, thống kê và quản lý, bố trí nhân lực”, Bà Trần Thành Thủy thông tin thêm.

Ngoài ra, sau khi kết thúc ca cấp cứu, thông qua ứng dụng này, hệ thống tự động gửi tin nhắn SMS thứ hai đến người gọi cấp cứu để có thể đánh giá chất lượng dịch vụ, qua đó Trung tâm Cấp cứu kịp thời nắm bắt và liên tục cải thiện chất dịch vụ được tốt hơn. Toàn bộ hồ sơ bệnh nhân từng yêu cầu cấp cứu sẽ được lưu lại, bao gồm tình trạng bệnh, quy trình xử lý, đơn thuốc,… qua đó trong tương lai khi bệnh nhân tiếp tục được cấp cứu thì tổng đài viên cũng như kíp cấp cứu sẽ nhanh chóng nắm bắt được thông tin của bệnh nhân, qua đó có các phương án cấp cứu phù hợp nhất dành cho người bệnh.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, qua hơn 01 tháng triển khai thí điểm, đến nay, đã có gần 2.500 lượt xe cấp cứu 115 được điều hành, quản lý trên ứng dụng này.

Được biết, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy 114 và Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng để đưa phân hệ giám sát đối với xe cứu hoả, xe rác trong thời gian đến.

Ứng dụng sẽ cho phép Trung tâm 114 Đà Nẵng giám sát toàn bộ lộ trình di chuyển của các xe cứu hỏa trên nền tảng bản đồ số theo thời gian thực. Ngay khi nhận được tin báo, Ứng dụng sẽ lập tức cung cấp vị trí cụ thể cũng như các thông tin cần thiết về điểm cháy trên bản đồ, giúp công tác điều phối xe chữa cháy được nhanh chóng và hiệu quả hơn.