10:08 09/12/2024

Chuyên gia: Tiền trên thị trường không thiếu, nhưng cần một tín hiệu thuyết phục

Tuệ Lâm

Phiên bùng nổ ngày 5/12 vừa qua cho thấy, thị trường không thiếu tiền mà dòng tiền chưa tìm được tín hiệu thuyết phục....

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các thị trường chứng khoán toàn cầu duy trì đà phục hồi ở tuần đầu tiên tháng 12, đáng chú ý là mức tăng ở các thị trường Châu Á như Đài Loan, Nhật Bản và một số thị trường ở khu vực Đông Nam Á. Ở chiều ngược lại, thị trường tài chính Hàn Quốc đang đối mặt “cú sốc kép” trong bối cảnh bất ổn chính trị làm gia tăng triển vọng vốn u ám của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Thị trường trong nước tăng liền 3 tuần sau khi về vùng hỗ trợ 1.200 điểm, chốt tuần ở 1.270,14 điểm, tăng 19,68 điểm, tương đương tăng 1,57% so với tuần trước. Thanh khoản toàn thị trường tuần đầu tháng 12 đạt 17.891 tỷ đồng, tăng 31% so với tuần trước đó và tăng 13,3% so với tháng 11.

Nhận định về xu hướng thị trường, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect cho rằng đà phục hồi của thị trường được nới rộng trong tuần qua nhờ một số thông tin vĩ mô trong nước hỗ trợ.

Cụ thể, những đánh giá tích cực từ FTSE trong chuyến làm việc tại Việt Nam lần này đã củng cố kỳ vọng của thị trường về khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi thứ cấp của FTSE vào năm tới. Thông tin này đã kích hoạt dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường, thúc đẩy đà tăng giá của nhóm cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ nâng hạng thị trường như chứng khoán và một số cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trong hai phiên cuối tuần, đà tăng của thị trường còn được tiếp sức nhờ chuyến thăm trở lại Việt Nam của CEO Nvidia ông Jensen Huang nhằm hiện thực hóa những cam kết trước đó về mở trung tâm R&D và thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng đã công bố số liệu vĩ mô tháng 11 nhìn chung khá tích cực, thể hiện xu hướng tiếp tục phục hồi trên diện rộng của nền kinh tế Việt Nam sau bão Yagi, trải rộng từ công nghiệp, dịch vụ đến đầu tư công cũng như cho thấy những lo ngại về lạm phát đã được “bỏ lại phía sau” khi chỉ số CPI tháng 11 chỉ tăng 0,13% so với tháng trước và 2,77% so với cùng kỳ.

Thanh khoản thị trường cũng là điểm sáng khi chứng kiến sự trở lại của những phiên giao dịch trên 20.000 tỷ đồng. Với những dấu hiệu tích cực của dòng tiền, chỉ số Vn-Index có thể tiếp tục vận động đi lên và hướng tới vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 điểm.

Thị trường sẽ sớm chứng kiến hoạt động chốt lời gia tăng khi chỉ số VN-Index chạm vùng kháng cự kể trên, do đó nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi tại vùng giá cao, kiên nhẫn chờ đợi các nhịp rung lắc sắp tới để tái cơ cấu danh mục đầu tư, dịch chuyển danh mục sang nhóm cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm như ngân hàng, xuất khẩu (thủy sản, dệt may) và nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện nâng hạng thị trường.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu chứng khoán MBS cho rằng thị trường đã tăng một mạch 3 tuần với điểm nhấn là phiên tăng mạnh ngày 5/12. Hiện tại có nhiều thông tin hỗ trợ cho nhip phục hồi của thị trường. Về yếu tố cơ bản: tháng cuối năm thường là giai đoạn “chạy nước rút” cho các chỉ tiêu kinh tế (tăng trưởng GPD, tín dụng, xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng... đây là nền tảng cơ bản hỗ trợ thị trường hồi phục trở lại sau nhịp giảm hơn 100 điểm vừa qua.

Về yếu tố kỹ thuật: thị trường hồi phục 2 tuần liên tiếp kể từ vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm diễn ra trong “nghi ngờ” chỉ số tăng nhưng thanh khoản ở mức nền thấp và giảm, do vậy khi trạng thái thanh khoản thấp được phá vỡ bằng phiên giao dịch tỷ USD quay trở lại thanh khoản toàn thị trường phiên 5/12 đạt 23.500 tỷ đồng, kèm với đó là việc chỉ số Vn-Index được kéo qua các ngưỡng kỹ thuật quan trọng (MA200, MA100, MA50) sẽ trở thành tín hiệu xác nhận thị trường tạo đáy 2 cao hơn đáy 1 trong quá trình phục hồi, các tín hiệu này sẽ củng cố cho xu hướng tăng mở rộng của thị trường trong thời gian tới.

Trong lần phục hồi ở tháng 5 và tháng 8 vừa qua, thị trường cũng có diễn biến tương tự, khi xuất hiện phiên bùng nổ để bước vào giai đoạn tăng thứ 2. Tuy vậy, khả năng để thị trường vượt ngưỡng 1.300 điểm trong tuần này vẫn phải chờ sự xác nhận của dòng tiền. Trong kịch bản cơ bản, thị trường phục hồi hình chữ V lần này cũng có nét tương đồng với nhịp phục hồi ở tháng 8, cận trên 1.290 – 1.300 điểm vẫn là vùng cản đáng chú ý.

Nhìn chung, kể từ đầu năm, thị trường đang vận động 3/4 thời gian trong một vùng tích lũy 100 điểm (1.180 – 1.290 điểm), thanh khoản mới chỉ bắt đầu tăng từ ngưỡng gần 15.000 tỷ lên 17.900 tỷ trong tuần vừa qua, do vậy để thị trường bứt phá cận trên của vùng dao động như trên, thanh khoản cần trở lại ngưỡng tỷ đô.

Thanh khoản bình quân toàn thị trường kể từ phiên tạo đáy ở vùng tâm lý 1.200 điểm đến trước phiên bùng nổ (5/12) chỉ đạt gần 14.700 tỷ đồng và có sự cải thiện ở 2 phiên tăng cuối tuần, lần lượt đạt 23.500 tỷ đồng và 19.600 tỷ đồng. Thanh khoản sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian còn lại của năm nay khi đã có dấu hiệu tạo đáy ở tháng 11 vừa qua (15.800 tỷ đồng).

Một số yếu tố có thể hỗ trợ thanh khoản trong thời tới có thể đến từ: điểm hội tụ của các yếu tố nền tảng cơ bản như trên, bên cạnh đó “nước lên thì thuyền lên”, thanh khoản cũng được cải thiện khi thị trường phục hồi, đặc biệt trong tháng cuối năm có hoạt động chốt NAV của các tổ chức.

Phiên bùng nổ ngày 5/12 vừa qua cho thấy, thị trường không thiếu tiền mà dòng tiền chưa tìm được tín hiệu thuyết phục. Thời điểm này, dòng tiền đang đi theo câu chuyện như: Xu hướng cổ phiếu công nghệ, viễn thông, triển vọng nâng hạng thị trường năm 2025, tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng, xuất khẩu và khả năng dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam, đầu tư công và cơ sở hạ tầng khi Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao tốc Bắc Nam.