07:00 06/04/2022

Chuyển hướng sang kinh tế xanh, Việt Nam thêm cơ hội hút vốn FDI

Ngân Hà

Dù được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới, nhưng theo các chuyên gia, để thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, Việt Nam cần chú trọng phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững và ít phát thải khí nhà kính...

Việt Nam thêm cơ hội thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao.
Việt Nam thêm cơ hội thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao.

Năm 2021, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước, thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Trong đó, có rất nhiều dự án FDI đăng ký mới và tăng vốn quy mô hàng tỷ USD của những tập đoàn hàng đầu thế giới, như Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư tại Hải Phòng tăng vốn 2 lần với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm 2,15 tỷ USD; Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đầu tư nhà máy 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) có tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD…

GẮN BÓ VỚI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

Ba tháng đầu năm 2022, thu hút FDI vào Việt Nam đạt 8,91 tỷ USD vốn của dự án FDI đăng ký mới, dự án tăng thêm và dự án góp vốn, mua cổ phần.

Chuyển hướng sang kinh tế xanh, Việt Nam thêm cơ hội hút vốn FDI - Ảnh 1

Mặc dù giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vốn đăng ký điều chỉnh của 228 lượt dự án (đã cấp phép từ các năm trước) tăng thêm là 4,07 tỷ USD, tương đương mức tăng 93,3% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng phần vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, sau giai đoạn sụt giảm mạnh, đến nay, đã có 734 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,63 tỷ USD, tăng 102,6% so cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù vốn đăng ký tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, song không đủ bù đắp cho sự sụt giảm của vốn đăng ký cấp mới. Vì vậy, dù có 322 dự án được cấp phép mới, tăng 37,6% về số dự án nhưng vốn đăng ký lại giảm 55,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, đánh giá về triển vọng thu hút FDI trong năm 2022, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng sau hai năm bị hạn chế di chuyển, hoạt động đầu tư do dịch Covid-19, cuối năm 2021, dòng vốn FDI bắt đầu quay trở lại Việt Nam với rất nhiều dự án lớn được cấp phép. Theo đó, năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng quan điểm, ông Michele D’ercole, Chủ tịch Phòng thương mại Ý (ICHAM) tại Việt Nam cho biết, vốn FDI của Ý vào Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh chóng ngay khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn sau đại dịch.

Khảo sát được ICHAM thực hiện cho thấy mặc dù 2021 là một năm khó khăn với các doanh nghiệp Ý tại Việt Nam, tuy nhiên, 100% các doanh nghiệp Ý thành viên của ICHAM tại Việt Nam đều chưa có ý định rời khỏi thị trường này.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động tại đây dù cho có những thời điểm rất khó khăn, bởi Việt Nam vẫn là thị trường rất tiềm năng. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết và đi vào hiệu lực. Điều này sẽ ngày càng thúc đẩy hơn nữa hoạt động của các doanh nghiệp Ý tại Việt Nam”, ông Michele cho biết.

Khảo sát được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện cũng cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Bất chấp dịch Covid-19, năm 2021, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vẫn khá tích cực.

Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh có lãi tại Việt Nam trong năm 2021 là 54,3%, cao hơn so với kết quả của năm 2020 với khoảng 50%; 56,2% doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho biết, lợi nhuận năm 2022 sẽ cải thiện so với năm trước; 55,3% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 1-2 năm tới, tăng 8,5 điểm so với năm 2021…

CHUYỂN ĐỔI THEO HƯỚNG XANH

Mặc dù có những cơ hội tích cực, song theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), để tăng trưởng kinh tế và thu hút được dòng vốn FDI bền vững, hiệu quả, Việt Nam nên chú trọng đầu tư chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ xanh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp quản lý tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, theo bà Carolyn Turk, việc chuyển hướng sang phát triển xanh sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra những tuyên bố khá tham vọng tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Đây là cam kết mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu, giúp Việt Nam cải thiện tăng trưởng, cải thiện thu hút đầu tư, bởi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang ngày càng lo ngại về vấn đề xả thải carbon tại các nhà máy ở Việt Nam”, bà Carolyn cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, với triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 cũng như trong trung hạn, Việt Nam tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong bối cảnh tăng trưởng xanh là xu thế được đẩy mạnh trong thời gian tới, Việt Nam cần có sự sẵn sàng để thu hút nguồn lực này thông qua chuẩn bị danh mục các dự án tiềm năng, khung khổ pháp lý hoàn thiện để có thể tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính xanh nhằm giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện nay đã thay đổi, họ không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến vấn đề phát thải khí nhà kính ở những nước sản xuất. Theo đó, những sản phẩm may mặc, thiết bị điện, thực phẩm sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường sẽ được quan tâm nhiều hơn. Do đó, phát triển nền kinh tế xanh cũng trở thành yếu tố quan trọng để Việt Nam cạnh tranh thu hút đầu tư.

 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội.

Để thực hiện Chiến lược, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”. Dự thảo đã cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh và đưa ra bức tranh tổng thể gồm 9 chủ đề tổng thể và 10 chủ đề theo nhóm định hướng, giải pháp ngành ưu tiên với 70 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 224 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể đi kèm định hướng tiếp cận nguồn lực, tạo cơ sở để huy động hiệu quả nguồn lực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu.

Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam cũng đã được cập nhật vào nội dung dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, thể hiện chủ yếu thông qua các nhóm nhiệm vụ, hoạt động về năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, huy động tài chính và đầu tư xanh.