Có nên tiêm vaccine phòng cúm?
Vì mùa cúm thường bắt đầu từ tháng 10, cho nên tốt nhất chúng ta nên đi tiêm phòng vào khoảng tháng 9 hàng năm. Tuy nhiên, nếu bạn có lỡ quên, thì việc tiêm phòng vào khoảng tháng 11 vẫn có tác dụng, vì mùa cúm thường kéo dài đến tận tháng 4 năm sau.
Một số người cho rằng vaccine cúm có thể kích phát những triệu chứng giống như cúm. Một số khác hồ nghi rằng vaccine này gây hại khi kích thích quá mạnh hệ miễn dịch. Còn có những người khác cho rằng chỉ với một số thành phần dân chúng - như trẻ nhỏ, người già cả và những người mắc một số bệnh tật – là những người có rủi ro cao bị biến chứng của bệnh cúm thì chủng ngừa cúm mới có lợi. Còn đối với phần dân chúng còn lại, nếu có bị cúm thì hầu hết đều phục hồi chỉ sau vài ngày khổ sở mà thôi...Nhưng trên thực tế, cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, bệnh dễ gây thành dịch lớn. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 250.000 - 500.000 trường hợp tử vong vì bệnh cúm trên khắp thế giới.
Vaccine cúm chứa các virus cúm không còn khả năng gây bệnh. Khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa đạt khoảng 96 - 97%. Sau khi tiêm ngừa khoảng hai tuần thì vaccine có hiệu quả bảo vệ. Tuy nhiên, một số trường hợp (1 - 5% số người chích ngừa cúm) sau khi tiêm ngừa vẫn bị cúm. Nguyên nhân do cơ địa không đáp ứng với vaccine, do bảo quản vaccine không đúng, do nhiễm type virus cúm khác… Dù vậy, những trường hợp mắc cúm sau khi đã tiêm phòng cũng sẽ nhanh khỏi bệnh hơn.Vaccine cúm được chỉ định tiêm ngừa cho người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi, đặc biệt người già và những người có bệnh mãn tính tiềm tàng như đái tháo đường, tim mạch, thiếu máu, suyễn (hen), suy giảm miễn dịch...Chủng ngừa cúm cũng có một điểm bất lợi là làm người ta quá chủ quan vì cho rằng một khi đã chủng ngừa rồi thì không cần phải tuân theo bất cứ biện pháp phòng ngừa nào khác. Nhưng thật ra vaccine không có thần thánh như vậy, vì thế bạn vẫn phải áp dụng những biện pháp để giảm rủi ro ngay cả sau khi đã chủng ngừa (và đối với những người không chủng ngừa thì các biện pháp này lại còn quan trong hơn nhiều). Các thói quen sinh sống giữ một vai trò quan trọng trong khả năng kiểm soát virus của hệ miễn nhiễm và giữ cho bạn được khoẻ mạnh trong mùa cúm.
Các biến chứng của bệnh cúm thường là viêm đường hô hấp (như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát…), hoặc viêm nhiễm ngoài hô hấp như: viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, và đặc biệt có khả năng gây tử vong cao cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và những người mắc bệnh mạn tính.Các tổ chức y khoa đã khuyến cáo cúm là yếu tố làm tăng nặng các bệnh lý này, như là: tái phát nhồi máu cơ tim, tăng khả năng đột quỵ trên bệnh tim mạch, làm xuất hiện cơn khó thở cấp của bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hay khó kiểm soát đường huyết trên bệnh đái tháo đường.Như vậy, cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm là tiêm phòng vaccine cúm. Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa tiêm phòng. Hiện nay tại Việt Nam, vaccine phòng cúm Vaxigrip có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm virus cúm A/H1N1; Cúm A/H3N2 và chủng cúm tuýp B.