08:17 01/07/2025

Cảnh giác với cơn tăng huyết áp đột ngột

Hoài Phương

Ở mức bình thường, chỉ số huyết áp dao động từ 90/60 mmHg đến 129/84 mmHg, lý tưởng nhất là dưới 120/80 mmHg. Tuy nhiên, khi vượt ngưỡng 140/90 mmHg, nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi so với huyết áp bình thường…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, khi đang làm việc, một bệnh nhân nam 29 tuổi tại Hà Nội đột ngột chóng mặt, cố đứng dậy song ngã khụyu, tim đập nhanh bất thường, mắt mờ đi vài giây, tai ù. Đồng nghiệp đưa anh vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán huyết áp rất cao, khoảng hơn 180 mmHg, có lúc đến 220 mmHg (bình thường khoảng 120 mmHg).

TS.BS. Vũ Minh Điền, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh nhân bị tăng huyết áp độ 2 bởi lối sống thiếu khoa học. Nếu không điều trị kịp thời, lâu ngày có thể tổn thương nhiều cơ quan như võng mạc, suy thận, tim hay mạch máu não.

Tương tự, khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mới đây tiếp nhận người đàn ông 37 tuổi bị rối loạn ý thức, bại tứ chi, rối loạn nuốt và huyết áp cao không kiểm soát được. Kết quả chụp CT sọ não chẩn đoán chảy máu não vùng thân não do tăng huyết áp không kiểm soát.

Cảnh giác với cơn tăng huyết áp đột ngột - Ảnh 1

Tháng trước, tại TP.HCM, anh Q., 53 tuổi, đột ngột đau đầu nghĩ bị trúng gió, 5 ngày sau anh được bác sĩ chẩn đoán đột quỵ do huyết áp đột ngột tăng cao. Trước đó, anh Q. đau đầu từng cơn vùng đỉnh và hai bên thái dương, cảm giác nóng sốt, choáng váng.

ThS.BS. chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bệnh nhân được chụp CT não có cản quang, cho thấy có tình trạng xuất huyết dưới nhện, không có túi phình mạch não.

Xuất huyết dưới nhện là tình trạng chảy máu ở khoang dưới nhện (giữa màng nhện và màng mềm bao quanh não). Đây là một dạng đột quỵ xuất huyết não rất nguy hiểm, nếu người bệnh không được điều trị kịp thời có thể tử vong đột ngột hoặc gặp các biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sĩ Kiều, huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ. Hầu hết những người bị đột quỵ lần đầu được ghi nhận là có mắc bệnh tăng huyết áp. Bác sĩ Kiều lý giải, khi huyết áp tăng cao trên 180/120 mmHg sẽ làm tổn thương các mạch máu, khiến mạch máu trở nên hẹp và cứng hơn, đồng thời gây ra sự tích tụ chất béo (quá trình xơ vữa động mạch).

Cảnh giác với cơn tăng huyết áp đột ngột - Ảnh 2

Tăng huyết áp đột ngột, hay cơn tăng huyết áp cấp cứu (hypertensive crisis), xảy ra khi chỉ số huyết áp tăng quá cao trong thời gian ngắn. Cục máu đông có thể hình thành trên các vùng chất béo tích tụ, di chuyển đến não gây đột quỵ nhồi máu não. Đồng thời, huyết áp tăng đột ngột còn khiến cho thành mạch máu yếu đi, làm tăng nguy cơ vỡ thành mạch máu và dẫn đến chảy máu não gây đột quỵ xuất huyết não.

Đặc biệt tình trạng nắng nóng cũng tác động tiêu cực đến người bệnh tăng huyết áp, do giãn mạch ở ngoại biên gây ra tình trạng mất nước và điện giải khi tiếp xúc với nắng nóng trong thời gian dài. Theo BSCKII Nguyễn Quang Minh, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Medlatec, nắng nóng ảnh hưởng đến tâm lý mỗi người khiến cho chúng ta khó chịu, căng thẳng,… những vấn đề này làm cho huyết áp bị dao động so với khi thời tiết dịu mát, bình thường và hoàn toàn có thể gây ra những cơn tăng huyết áp.

Khi huyết áp tăng cao đột ngột có thể khiến bệnh nhân gặp các biến chứng nguy hiểm đến não (đột quỵ, nhồi máu não, xuất huyết não); tim (suy tim, nhồi máu cơ tim). Nếu tình trạng huyết áp không ổn định kéo dài, có thể gây ảnh hưởng mắt (mờ mắt, mù vĩnh viễn); suy thận; xơ vữa mạch máu, hình thành cục máu đông, gây tắc mạch.

Tăng huyết áp được xem là "kẻ giết người thầm lặng" bởi không triệu chứng điển hình. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 1,5 tỷ người toàn cầu bị tăng huyết áp. Số bệnh nhân tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi.

Tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp dưới 30 tuổi chiếm đến 10 - 15% tại Việt Nam.
Tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp dưới 30 tuổi chiếm đến 10 - 15% tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, hơn 12 triệu người bị tăng huyết áp, trong đó đến 9,7 triệu người không biết mình bệnh hoặc điều trị không hiệu quả, theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, năm 2020. Hai năm sau, nghiên cứu dịch tễ học cho biết 25% người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp, tức cứ 4 người trưởng thành thì một người mắc bệnh, có những nơi tỷ lệ này lên đến 40%.

Các chuyên gia nhìn nhận tăng huyết áp là bệnh không lây nhiễm đang tăng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bệnh thường xảy ra ở người từ 50 tuổi trở lên, song nay giảm dần độ tuổi. Tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp dưới 30 tuổi chiếm đến 10 - 15%, theo PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội tĩnh mạch học TP.HCM.

Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Tim mạch Việt Nam, cho biết trong số những người bị tăng huyết áp thì một nửa không biết mình mắc bệnh. Khi biết bệnh, 1/3 trong số đó không điều trị. Trong số những người điều trị, 64% không đạt được huyết áp mục tiêu là dưới 140/90 mmHg. Nhiều trường hợp có triệu chứng thì bệnh đã khá nặng, đến độ hai hoặc độ ba.

Với người trẻ, lối sống ít vận động, chế độ ăn không lành mạnh như ăn mặn, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa chất béo bão hòa; lạm dụng rượu bia; hút thuốc lá; căng thẳng kéo dài... góp phần thúc đẩy bệnh gia tăng. Trong đó, việc ăn quá mặn, nhiều thực phẩm giàu natri, chế biến sẵn (xúc xích, thịt nguội) khiến cơ thể phải giữ nước nhiều hơn, làm tăng thể tích máu, tạo áp lực lên thành mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp.

Cảnh giác với cơn tăng huyết áp đột ngột - Ảnh 3

Không ít người trẻ có thói quen thức khuya, thường xuyên ngủ không đủ giấc hoặc ngủ kém, gây ra phản ứng căng thẳng của cơ thể, làm rối loạn cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng đến điều hòa huyết áp và máu, đường. Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều cũng gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần và thể chất, gây căng thẳng, lo lắng và trầm cảm cao hơn, từ đó khiến huyết áp tăng.

Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi mọi người tự kiểm tra để biết con số huyết áp và theo dõi định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh. Mỗi người cũng cần chủ động kiểm soát tình trạng huyết áp cao bằng cách thay đổi lối sống, tập thể dục thường xuyên; ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng; bỏ uống rượu bia, thuốc lá, các chất gây nghiện, chất kích thích…

Khi xuất hiện các triệu chứng nghi xuất huyết não như đau đầu dữ dội kèm buồn nôn, nôn mửa, choáng váng, co giật, yếu liệt một bên cơ thể, nhìn đôi, nói khó, suy giảm nhận thức,… cần đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời. Tuyệt đối không cạo gió, hô hấp nhân tạo hay tự ý cho người bệnh uống thuốc để tránh làm bệnh trầm trọng hơn, dễ để lại di chứng sau này.