Cổ phiếu trụ đỡ chỉ số xanh cuối phiên, dòng tiền duy trì rất thấp
Áp lực chốt lời khá rõ trong phiên cuối tuần khi độ rộng đã áp đảo ở phía giảm. VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 1,02 điểm chủ đạo nhờ một vài mã lớn được bẩy giá lên trong đợt ATC như VIC, VCB, BID...
Áp lực chốt lời khá rõ trong phiên cuối tuần khi độ rộng đã áp đảo ở phía giảm. VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 1,02 điểm chủ đạo nhờ một vài mã lớn được bẩy giá lên trong đợt ATC như VIC, VCB, BID.
Phần lớn thời gian của phiên giao dịch hôm nay VN-Index “chìm” dưới tham chiếu. Trừ khoảng 20 phút đầu phiên sáng độ rộng của chỉ số còn nhỉnh hơn ở phía tăng, toàn bộ thời gian còn lại số lượng cổ phiếu giảm giá luôn áp đảo. Kết ngày HoSE ghi nhận 173 mã tăng/221 mã giảm.
Độ rộng này cho thấy nhu cầu chốt lời đã lấn át rõ ràng hơn ở thời điểm T+4 kể từ khi VN-Index chạm mức thấp nhất của nhịp điều chỉnh hiện tại. Thậm chí ngay như hôm qua, số cổ phiếu tăng giá trên HoSE còn gấp 4 lần số giảm. Lực bán không quá mạnh, chủ đạo là do dòng tiền chững lại sau những ngày tăng. Đối với các nhà đầu cơ ngắn hạn đang có lời, mối quan tâm là có nên chốt hay không chứ không phải có nên đuổi giá tiếp.
Thực tế nhà đầu tư cũng có lợi nhuận khá cao trong vài ngày qua, nhiều mã tăng7-10% khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên thanh khoản luôn là tín hiệu bất lợi và giá cổ phiếu tăng nhờ đồng thuận từ những nhà đầu tư không muốn bán ra. Đến một ngưỡng tăng nhất định, quan điểm của nhóm này sẽ thay đổi và phân hóa.
Hôm nay thanh khoản hai sàn niêm yết giảm nhẹ 3% so với hôm qua, đạt 7.801 tỷ đồng. HoSE giao dịch tương đương phiên trước với 6.885 tỷ đồng. Tuy nhiên như đã nói ở trên, cùng một mức thanh khoản, độ rộng hôm qua và hôm nay của HoSE là hoàn toàn khác.
VN-Index kết phiên tăng 1,02 điểm đúng vào phút cuối như biến động tăng của một số mã lớn. VIC từ giá 53.000 đồng, giảm so với tham chiếu, nhảy lên 53.500 đồng, tăng 0,19%. VCB cũng tăng cao thêm đợt cuối 3 bước giá. BID cũng tăng 1,78% nhờ cú nhảy cuối ngày. Tuy vậy rổ VN30 lại khá tiêu cực khi chỉ có 9 mã tăng và 18 mã giảm, chỉ số đại diện cũng giảm 0,15%.
Mặc dù số lượng cổ phiếu giảm giá nhìn chung đã nhiều hơn, nhưng thị trường cũng không bị xả quá mạnh. HoSE cũng chỉ có 85 mã giảm hơn 1%, số ít có thanh khoản cao như HSG giảm 2,21% giao dịch 260,4 tỷ đồng; DPM giảm 2,44% giao dịch 62,9 tỷ; IDI giảm 2,02% giao dịch 45,6 tỷ; ANV giảm 1,8% giao dịch 52,1 tỷ; KDC giảm 1,67% giao dịch 76,7 tỷ; HPG giảm 1,41% giao dịch 259,7 tỷ... Phía tăng cũng chỉ có 77 mã tăng hơn 1% trong đó hơn chục mã là thanh khoản đáng kể.
Về mặt cung cầu, tuy độ rộng có thể chênh lệch về một phía, nhưng nếu biên độ giá hẹp và thanh khoản nhỏ thì vẫn có thể xem là dao động thông thường hàng ngày. Dù rằng nhu cầu mua giá cao đã giảm đi đáng kể, nhưng lực chốt lời cũng còn nhẹ nhàng.
Nhà đầu tư nước ngoài lại có thêm một ngày bán ròng nữa, dù mức rút ròng chỉ 12 tỷ đồng. Tuy vậy tuần này cũng xác lập tuần đầu tiên khối ngoại bán ròng kể từ đầu tháng 11/2022. Không có cổ phiếu nào bị xả nổi trội hôm nay, lớn nhất là STB -35,7 tỷ, HPG -26,8 tỷ, DXG -20,6 tỷ. Phía mua có KBC +23,6 tỷ, VCI +18,5 tỷ.
Việc thị trường chững lại khá nhanh sau một nhịp T+3 khiến giao dịch có phần giống với thời điểm đầu tháng 2 khi nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng không có được ủng hộ từ dòng tiền. Dù lúc này mặt bằng giá đã thấp hơn, nhưng lượng tiền sẵn sàng mua cũng không mạnh lên và trái lại, đang xuống rất thấp. Đó có thể là tín hiệu cạn kiệt thanh khoản, nhưng cũng có thể là tâm lý chờ đợi của người cầm tiền.