18:01 05/09/2024

Cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất

Nhĩ Anh

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cùng với các quy định của Luật, nội dung các nghị định hướng dẫn thi hành đã bao trùm phần lớn các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất tại địa phương...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 5/9/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, quán triệt các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024.

BAO QUÁT TOÀN DIỆN CÁC MẶT CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng; quyết nghị Luật Đất đai (có hiệu lực từ ngày 01/8/2024).

Điều này nhằm đưa những nội dung mới mang tính đột phá của Luật sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Trong đó, luật đã bao quát toàn diện các mặt công tác quản lý đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết Luật Đất đai năm 2024 giao Chính phủ quy định chi tiết 96 nội dung, trong đó Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu quy định chi tiết 86 nội dung.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Các nội dung tập trung vào: điều tra cơ bản đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chế độ sử dụng các loại đất; giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai…

Để bảo đảm điều kiện cho việc đưa Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch), ông Duy cho biết trong thời gian ngắn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành đồng bộ với Luật.

Đó là các Nghị định: Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 quy định về giá đất; Nghị định số  88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền 4 Thông tư được giao trong Luật.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Đây là thành quả được tạo nên từ tinh thần, thái độ làm việc bền bỉ, kiên trì, công phu, nghiêm túc; sự đóng góp công sức, trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Tài nguyên và Môi trường từ Trung ương đến địa phương.

Qua đó, góp phần quản lý hiệu quả và giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay và thời gian tiếp theo”.

“Cùng với các quy định của Luật, nội dung các nghị định hướng dẫn thi hành đã bao trùm phần lớn các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất tại địa phương”, ông Duy nói.

ĐẢM BẢO ĐẦY ĐỦ CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Để đáp ứng yêu cầu, sớm đưa luật và các quy định hướng dẫn thi hành luật vào cuộc sống, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu tập trung phân tích rõ các nội dung trọng tâm, các điểm mới có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thi hành tại địa phương.

Cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất  - Ảnh 1

Cùng với đó, thảo luận kỹ lưỡng về các điểm mới, các nội dung còn chưa rõ, còn có cách hiểu khác nhau để các cơ quan của Bộ giải đáp, nhằm đạt được sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện trong thực tiễn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng sau Hội nghị này, các đại diện địa phương sẽ trở thành báo cáo viên tại địa phương của mình, tiếp nối việc phổ biến, tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện thống nhất các quy định của pháp luật đất đai.

Căn cứ các quy định của Luật và các Nghị định, Thông tư, khẩn trương tham mưu để HĐND, UBND tỉnh, Thành phố ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các Nghị định, Thông tư, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thi hành Luật tại địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị đại diện các địa phương cung cấp thông tin về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để Bộ tổng hợp, báo cáo Chính phủ để tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai thi hành.

Cũng tại Hội nghị, đại diện các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu các Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về giá đất.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai, cho biết Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định đối tượng áp dụng; xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; quy định chi tiết phân loại đất; xác định loại đất; hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định về nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quy định việc nhận quyền sử dụng đất tại khu vực hạn chế tiếp cận đất đai; việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính và quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

"Đáng chú ý, về quy định thu hồi đất, Nghị định hướng dẫn thực hiện trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, quyết định thu hồi đất, khiếu nại quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế...", bà Mỹ thông tin.