Linh hoạt phương thức để xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương
Thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát, một số địa phương đã tích cực vận động người thân tặng đất, làm giấy tờ, làm sổ đất cho hộ dân sống nhờ người thân; vận động doanh nghiệp cho, tặng đất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; chú trọng huy động việc đa dạng nguồn lực…

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được sống trong những ngôi nhà khang trang, an toàn, giúp họ yên tâm lao động sản xuất và phát triển kinh tế gia đình.
Theo đó, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đến nay cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực, với không ít kinh nghiệm và cách làm hiệu quả qua quá trình triển khai nhiệm vụ.
NỖ LỰC THỰC HIỆN MỤC TIÊU
Tại tỉnh Bình Phước, địa phương đã phát động phong trào thi đua 200 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Chương trình được triển khai từ năm 2018, tuy nhiên, số nhà còn phải xây dựng là hơn 800 căn và tỉnh vừa hoàn thành vào đợt 30/4/2025. Tỉnh đánh giá, số lượng dù không lớn nhưng những vướng mắc liên quan rất nhiều, chủ yếu về đất đai như không có sổ đất, nguồn gốc là đất ở nhờ, đất lâm phần, đất trùng với quy hoạch khoáng sản bauxite, nên trước đây không thể xây dựng.
Trong khi đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, đến 30/4/2025, tỉnh Vĩnh Long xây dựng được 1.328 căn nhà, bao gồm 492 căn nhà xây dựng mới, còn lại là nhà sửa chữa. Nhà dành cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khoảng 497 căn, nhà cho hộ nghèo và cận nghèo 790 căn, hộ dân tộc thiểu số 41 căn, với số tiền là 86 tỷ đồng.
Theo Vĩnh Long, tỉnh đã chủ động bố trí khoản kinh phí này. Cụ thể, đối với gia đình có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, nguồn kinh phí 22 tỷ đồng tỉnh tạm ứng từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa; đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, tỉnh thực hiện với các nguồn lực khác để xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tương tự, Tây Ninh cũng xác định chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, căn cứ tình hình thực tế, Tây Ninh xây dựng hai đề án trọng tâm: Đề án sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình chính sách và Đề án xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Tổng kinh phí cần để thực hiện là 58,7 tỷ đồng. Trong đó, Đề án sửa chữa và xây dựng nhà cho gia đình chính sách dự kiến hoàn thành 172 căn nhà với kinh phí 17,1 tỷ đồng; Đề án dành cho các hộ nghèo và cận nghèo, tổng số căn nhà là 113 căn với tổng kinh phí 41,6 tỷ đồng.
Sau 4 tháng triển khai, đến ngày 25/4/2025, tỉnh hoàn thành cơ bản hai đề án, bàn giao nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, theo tiêu chuẩn diện tích của Trung ương, mỗi căn nhà rộng 32m2, nhưng tỉnh quyết tâm nâng diện tích lên 42m2, nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho hộ dân.
VẬN ĐỘNG NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP CÙNG HỖ TRỢ
Thực tế, để triển khai nhiệm vụ, các địa phương đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Đối với Bình Phước, tỉnh không chỉ tích cực vận động người thân tặng đất, làm giấy tờ, làm số đất cho hộ dân sống nhờ người thân, mà còn vận động doanh nghiệp tặng, cho đất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo (khoảng 40 căn nhà do doanh nghiệp tặng, chiếm khoảng 5%)…
Qua quá trình thực hiện, Bình Phước đúc rút 4 bài học kinh nghiệm, đó là quyết tâm chính trị cao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; công tác chỉ đạo quyết liệt, đeo bám công việc, thành lập các tổ công tác, phân công công việc rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa những thành viên trong Ban chỉ đạo, tuân thủ chế độ báo cáo công việc hàng tuần; áp dụng sáng tạo linh hoạt trong cách làm; xã hội hóa, vận động doanh nghiệp hỗ trợ quỹ đất, tiền để xây dựng nhà. Mức hỗ trợ của Bình Phước dành cho người có công là 100 triệu đồng/căn...
Còn Vĩnh Long, ngay khi có chủ trương của Trung ương, tỉnh liền tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, gồm hộ đặc biệt khó khăn, hộ già neo đơn không có khả năng tự xây nhà, hộ gặp trở ngại do đặc thù phong tục, tập quán…. và chủ động khảo sát, lên kế hoạch giao nhiệm vụ cho từng tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương.
Tỉnh cũng thành lập Ban Chỉ đạo cả hệ thống chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, cả người dân có tâm huyết với chương trình tham gia ủng hộ. Đồng thời, vào cuộc rất quyết liệt, thực hiện theo kế hoạch, đề án. Mặt trận Tổ quốc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện, để đề nghị Ủy ban hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt, về vấn đề ứng kinh phí, cách huy động được chú trọng nhằm đa dạng nguồn lực.
Theo tỉnh Tây Ninh, kết quả đạt được của địa phương là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo sát sao từ Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương; sự phối hợp đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng những đóng góp tích cực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, tỉnh cũng đúc rút một số bài học về việc chủ động xây dựng, phê duyệt đề án; sự đồng thuận của hệ thống chính trị; nguồn lực tài chính phù hợp cho từng giai đoạn; linh hoạt xử lý vướng mắc liên quan đến đất đai, đảm bảo đủ quỹ đất phục vụ xây dựng.
Đối với phương hướng thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát hộ gia đình có nhu cầu sửa chữa, hoặc xây mới nhà ở mà chưa được hỗ trợ, đồng thời chủ động xây dựng các đề án, huy động nguồn lực để tiếp tục sửa chữa, xây dựng nhà ở cho những hộ dân gặp khó khăn, nhằm đảm bảo cải thiện đời sống cho nhân dân.