15:57 19/05/2025

Cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản

Doanh nghiệp bất động sản là một thành phần đặc biệt quan trọng trong khối kinh tế tư nhân, đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều trục phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với nhiều vướng mắc về thể chế, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, cản trở sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo thống kê, hiện tại cả nước có hơn 2.200 dự án bị ách tắc do “nghẽn” thủ tục, kéo theo hàng triệu căn hộ không được cung cấp ra thị trường đúng tiến độ; gần 5,9 triệu tỷ đồng, tương đương 50% GDP bị “chôn” vào đất. Con số này làm nghẹn lòng bất cứ ai hiểu về thị trường bất động sản, quan tâm đến an sinh xã hội cũng như sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Đặc biệt là hầu hết các dự án đang “đắp chiếu” đều thuộc khối doanh nghiệp tư nhân.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tàu đang gặp khó khăn vì các dự án bị tạm dừng hoặc đình trệ do vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính chồng chéo, thời gian phê duyệt, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm... 

“Nếu có thể tháo gỡ được những vướng mắc này, GDP hoàn toàn có thể tăng thêm 1 - 2%”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, nhận định tại chương trình Cà phê Doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức ngày 10/5/2025.

Trên cơ sở đó, ông Lực cũng như chuyên gia khác kỳ vọng Nghị quyết số 68 - NQ/TW vừa được ban hành với nhiều cơ chế hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người dân sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho khối kinh tế tư nhân, tiếp thêm niềm tin và động lực để doanh nghiệp bất động sản tư nhân phát triển. Nghị quyết cũng được kỳ vọng sẽ trở thành yếu tố giúp khơi thông nguồn cung, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững. 

TẠO SỰ THAY ĐỔI MANG TÍNH BƯỚC NGOẶT VỀ CHÍNH SÁCH

Cụ thể, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đưa ra nhiều định hướng và giải pháp mang tính đột phá, góp phần tái xác lập vai trò và vị thế của khu vực này trong nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết 68 xác định rõ kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Khi kinh tế tư nhân được khơi thông nguồn lực, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng và ổn định, doanh nghiệp bất động sản sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng bền vững của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. 

Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm; là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.  

Trong đó, doanh nghiệp bất động sản là một thành phần đặc biệt quan trọng trong khối kinh tế tư nhân, đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều trục phát triển: từ đô thị hóa, hạ tầng, công nghiệp, thương mại đến du lịch và dịch vụ. Thông qua đầu tư vào các khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm du lịch nghỉ dưỡng, doanh nghiệp bất động sản đã “thay da đổi thịt” cho các vùng đất và tái cấu trúc không gian kinh tế, xã hội, góp phần phân bổ lại dân cư, lao động và nguồn lực phát triển. Không chỉ trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản tư nhân còn kéo theo nhu cầu của hơn 40 ngành, nghề liên quan như xây dựng, vật liệu, tài chính - ngân hàng, lao động và tiêu dùng. 

Đây là khu vực đã và đang góp phần giải quyết hàng triệu việc làm, đồng thời, là đầu tàu trong đóng góp ngân sách nhà nước. Năm 2023, nhóm doanh nghiệp bất động sản tư nhân là lực lượng nộp ngân sách lớn thứ 2 cả nước, với hơn 37.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong top 10 tập đoàn tư nhân đa ngành nộp thuế lớn nhất năm 2024, có đến 3 doanh nghiệp có lĩnh vực cốt lõi là bất động sản. Thuế, phí từ giao dịch và các dự án bất động sản cũng luôn là nguồn thu trọng yếu của ngân sách nhiều địa phương, đóng góp vào ngân sách Nhà nước. 

“Như vậy, có thể khẳng định rằng phát triển thị trường bất động sản chính là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo nguy cơ tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung”, ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), bày tỏ.

Ông Bình cũng cho rằng những giải pháp được đề cập trong Nghị quyết 68 mở ra một hành lang cơ chế thông thoáng, minh bạch và hiệu quả để doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản phát triển mạnh mẽ, đóng góp sâu rộng hơn vào tiến trình hiện đại hóa quốc gia. Những định hướng mới này có thể tạo ra cú hích chính sách mạnh mẽ, góp phần tháo gỡ rào cản pháp lý và tạo niềm tin cho thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi và tái cấu trúc hiện nay.

Thứ nhất, Nghị quyết 68 đặt ra nhiệm vụ trong năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. 

Thứ hai, Nghị quyết 68 yêu cầu có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Mục tiêu chậm nhất trong năm 2025, hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan. Thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; công khai, minh bạch và chủ động cung cấp thông tin tới doanh nghiệp; giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực trong giải phóng mặt bằng...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20 -2025, phát hành ngày 19/5/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1295

Cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản - Ảnh 1