16:47 14/10/2015

Con đã biết tiêu tiền!

PV

Con đã biết tiêu tiền! - Ảnh 1

Con cần hay con muốn…? Khi con gái của Thanh Vân bắt đầu vào lớp 1, cô bắt đầu nhận thấy áp lực bạn bè có thể nặng nề tới mức nào. Nhân viên quản lý maketting 37 tuổi này chia sẻ: “Chơi cùng một nhóm bạn gái, mỗi tuần bé Vân Linh lại đòi mua những dụng cụ học tập lạ lùng bắt mắt chỉ bởi vì các bạn thân của cháu có cái này cái kia. Mặc dù chẳng tốn kém là bao, nhưng đó là những dụng cụ không cần thiết và cháu nhanh chóng chán rồi lại quay ra đòi thứ khác”. Và rồi chị Vân đã quyết định thế là quá đủ. Hôm ấy, bé Linh làm mình làm mẩy khóc lóc, rồi đòi bỏ ăn cơm, chỉ vì chị Vân không mua cho bé mua hộp bút chì mới. Chị Vân nói: “Tôi yêu cầu cháu mang ra tất cả những thứ cháu mua, từng thứ một, và tôi hỏi cháu thứ nào cháu “thấy cần” và thứ nào cháu “thấy muốn”. Cháu hiểu những gì tôi nói và bây giờ mẹ con tôi cùng thảo luận và phân tích những gì cháu muốn mua trước khi tôi chi tiền.” Minh Hồng, một luật sư 34 tuổi, cũng gặp phải vấn đề tương tự khi cậu con trai tám tuổi của chị la hét ầm ĩ đòi mua bằng được bộ Playstation3 và thiết bị trò chơi cầm tay PSP – giống hệt cái mà anh họ cậu bé có. Cô đã bảo con ngồi xuống và giải thích cho con tiền bạc được kiếm vất vả như thế nào trước khi dùng tiền mua gì đó. Nữ luật sư này chia sẻ: “Thật đáng buồn làm sao khi bọn trẻ ngày nay biết giá tiền của tất cả mọi thứ nhưng chẳng hiểu giá trị thực của cái gì. Bởi thế, tôi giải thích cho cháu là để mua được bộ trò chơi này thì tôi phải làm việc ở công ty bao nhiêu tiếng. Tôi nói với cháu về ‘công việc’. Mặc dù cháu mới có 8 tuổi nhưng cháu có thể cẩm nhận và hiểu được điều đó.Cuối cùng bé Quang đã đồng ý tự tiết kiệm tiền để mua món đồ chơi đó cho mình”.

Con đã biết tiêu tiền! - Ảnh 2

Đừng để trẻ được nhận quá dễ dàng Chuyên gia tâm lý Daniel Koh đến từ Trung Tâm tư vấn tâm lý vị thành niên (Singapore) phát biểu: “Điều quan trọng là bạn phải cùng trẻ khám phá, tìm hiểu về giá trị của các sự vật, và ý nghĩa của từ "có" và từ "sở hữu". Điều này còn giúp trẻ tự đánh giá và biết cách bảo vệ đồ vật và học cách biết đợi chờ một điều gì đó. Và một khi trẻ nhận ra để có được món đồ này phải cần đến tiền, thời gian và sự cố gắng thì trẻ sẽ quý trọng nó hơn”. Đối với lứa trẻ lớn hơn, việc dạy dỗ này sẽ giúp hình thành nên ở trẻ ý thức trách nhiệm, quyền sở hữu, sự làm việc chăm chỉ để đổi lấy thứ gì đó, ý thức về làm việc rồi được trả công, và giá trị của đồng tiền nữa. Điều này giúp trẻ có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn cho mình. “Các bậc phụ huynh cần giải thích cho con mình rằng có được những đồ dùng tốt là một đặc ân chứ không phải quyền. Đặc ân này cũng phải đi kèm với những quy định riêng,” cô Daniel Koh nói. Đối với người mẹ nội trợ 35 tuổi Thanh Hường, dạy con tiết kiệm trong chi tiêu không phải là gì mới mẻ. Ngay từ khi 3 tuổi, hai đứa con sinh đôi của chị, bé Bobby và Sunny đã có con lợn tiết kiệm để cất tiền lì xì. Chị Hường nói: “Từ số tiền lì xì để dành đó, thỉnh thoảng tôi cho phép bọn trẻ rút một ít tiền để mua vài thứ đồ chơi nho nhỏ”. Mặc dù hai đứa trẻ giờ đã 9 tuổi, chúng vẫn tiếp tục tiết kiệm những khoản tiền thỉnh thoảng được cô, bà, chú bác cho, và mang số tiền tiết kiệm ấy ra tiêu mỗi khi cùng cha mẹ đi nghỉ hè ở biển. “Dạy cho các con cách quản lý tiền nong là điều tốt. Thỉnh thoảng, Bobby cũng xin phép được mua truyện tranh, nhưng tôi giải thích là nếu ở thư viện trường đã có những cuốn truyện đó thì con nên mượn về đọc chứ không cần mua...” Trong khi đó, chị Mai Lâm, 30 tuổi, lại có cách khác để dạy con về sự thâm hụt vật chất. Người mẹ một con này chia sẻ: “Mỗi lần đi mua sắm mà bé đòi mua một đồ chơi nào đó, tôi sẽ bảo cháu phải bán đi một món đồ nào đó cũ để mua món mới này. Thỉnh thoảng khi tôi đề nghị cháu bán đi cái gối ưa thích của cháu hoặc thậm chí là cái tivi cả nhà đang xem để lấy tiền cho cháu mua… đồ chơi, thì tôi thấy rõ là cháu đắn đo rất nhiều.” Hoặc là, thay vì công khai mua bán, chị Mai Lâm lại mua những gì các con đòi hỏi  mà không cho chúng biết. Chị nói: “Thường thì nếu món đồ đó hợp lý để mua, tôi sẽ quay lại cửa hàng sau đó mà không cho các con biết. Để rồi tôi sẽ đưa cho các con món đồ đó vào cuối tuần hoặc tặng chúng nhân dịp lễ tết, sinh nhật. Theo cách đó, lũ trẻ sẽ không cảm thấy chúng có thể có ngay lập tức tất cả những gì chúng muốn, mà ít nhất là cũng phải chờ đợi và cố gắng chăm chỉ, ngoan ngoãn”.

Con đã biết tiêu tiền! - Ảnh 3

Dạy con tiết kiệm tiền Từ 3 - 6 tuổi    - Tiền là gì? Bày tiền ra và cho trẻ biết các mệnh giá tiền khác nhau. Ở tuổi này trẻ đã có khái niệm cơ bản về các con số và giá trị. Hãy nói cho trẻ những nơi trẻ có thể tiêu tiền.   - Bao nhiêu đây? Trẻ rất dễ gào thét đòi thứ này thứ nọ mà không hề biết không gì là miễn phí. Hãy nói với trẻ tất cả mọi thứ đều có gắn kèm một mảnh giấy nhỏ ghi giá của nó, ngay cả một viên kẹo nhỏ. Từ 7 - 10 tuổi    - Hãy dạy con cách chi tiêu cho các bữa ăn ở canteen, cho đồ uống và dụng cụ học tập. Trẻ em có thể hiểu các quy tắc, bởi vậy hãy đưa ra những hướng dẫn mà bạn muốn con biết khi sử dụng tiền. Ví dụ như nên mua nước đóng chai hơn là nước ngọt, hoặc nên mua một bát mỳ thay vì khoai tây chiên hay bim bim.    - Giúp con hiểu và sử dụng những thuật ngữ như “tiết kiệm”, “sử dụng”,”kiếm được”, và “vay mượn” trong những trường hợp giả định. Điều này rất có ích ở trường học khi các bạn cùng lớp hỏi vay trẻ số tiền vượt quá mức tiền bố mẹ cho.    - Muốn hay cần? Các chuyên gia giáo dục khuyên các phụ huynh nên dạy con phân biệt 2 khái niệm này bằng cách liệt kê một danh sách những thứ nào “cần” và 1 danh sách những thứ nào “muốn”, rồi đặt 2 danh sách cạnh nhau. Giải thích cho con rằng trong cuộc sống, những thứ “cần” phải được ưu tiên. Chúng ta chỉ nên mua những thứ “muốn” khi ngân sách cho phép. Từ 11 - 13 tuổi    - Khoản tiền để dành: Ở độ tuổi này động lực và lời cam kết rất quan trọng đối với trẻ. Một cách tốt để khắc ghi cho trẻ những điều này là hướng cho trẻ thực hiện sự tiết kiệm lâu dài bằng cách dành dụm những khoản tiền và thù lao từ việc làm những công việc lặt vặt trong nhà.    - Định mức mua bán: Khi trẻ trở nên tự tin ở các cửa hàng hoặc khu mua bán, dạy trẻ cách chọn mua những sản phẩm có chất lượng và giá trị tốt. Biết về nợ nần: Ngày nay, chúng ta có thể trả tiền cho mọi thứ chỉ bằng một cái quẹt thẻ tín dụng. Nhưng trẻ cần được biết về khoản nợ trong thẻ, về sự trả góp, và về việc không nên tiêu xài quá khả năng mình kiếm được. 

Lưu Hà