Du khách sẽ chi tiêu cao hơn cho các kỳ nghỉ hạng sang trong năm 2025
Theo kết quả nghiên cứu khảo sát gần đây, ngược với dự báo người Việt đang thắt chặt chi tiêu không thiết yếu trong năm 2024, nhu cầu du lịch của người Việt tiếp tục gia tăng vào năm 2025…
Trong bối cảnh tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng tại Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), nhiều người sẵn sàng chi nhiều tiền cho du lịch hạng sang nhằm khẳng định vị thế đẳng cấp hoặc tận hưởng kỳ nghỉ một cách thầm lặng.
Nghiên cứu “New Luxe Landscapes - Emerging Luxury Travel Trends in Asia Pacific” của Marriott International thực hiện trên 1.200 du khách có giá trị tài sản ròng cao (HNW) đến từ các quốc gia Úc, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cho thấy, 68% du khách dự định lên kế hoạch chi tiêu cao hơn cho các kỳ nghỉ hạng sang trong 12 tháng tiếp theo.
Nghiên cứu cũng chỉ ra 74% du khách ưu tiên lựa chọn các điểm đến quốc tế nằm trong khu vực APAC cho các kỳ nghỉ ngắn 3 ngày và kỳ nghỉ dài 2 tuần. Trong đó, Úc, Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan,... trở thành các điểm đến hàng đầu được khách du lịch xa xỉ lựa chọn cho kỳ nghỉ kết hợp giữa giải trí và công tác (bleisure travel) khi có tới 73% lựa chọn loại hình du lịch kết hợp này.
Với 36% du khách hạng sang dự định tận hưởng kỳ nghỉ dưỡng ven biển, các thiên đường nghỉ dưỡng biển đảo tại Việt Nam hứa hẹn trở thành điểm đến lý tưởng thu hút giới nhà giàu tại APAC trong năm 2025. Tại Việt Nam, tăng trưởng tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn trở thành động lực chính thúc đẩy nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ hạng sang, bao gồm du lịch xa xỉ.
Tuy nhiên, thay vì chi nhiều tiền cho kỳ nghỉ dài ngày, du khách Việt đang có xu hướng tối ưu ngân sách cho chuyến đi ngắn ngày để tăng trải nghiệm “sang chảnh” trong bối cảnh chi phí sinh hoạt gia tăng.
Nhận định về xu hướng du lịch hạng sang theo hướng tối ưu hóa ngân sách của du khách Việt, ông Varun Grover, Giám đốc Quốc gia Booking.com tại Việt Nam cho biết: “Khách du lịch có thể chọn chỗ ở rẻ hơn nhưng họ sẽ không thỏa hiệp với trải nghiệm của mình. Du khách có thể sử dụng các dịch vụ spa, dịch vụ trọn gói trong ngày ở khu nghỉ dưỡng nhưng không lưu trú lại. Xu hướng này sẽ trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam”.
Được thúc đẩy bởi xu hướng du lịch hạng sang kết hợp kinh doanh và giải trí (bleisure), ngày càng nhiều du khách tại APAC tận dụng kỳ nghỉ xa xỉ để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh hoặc đầu tư mạo hiểm. Họ được gọi là Venture Travelist thuộc những chủ doanh nghiệp, nhà tài phiệt trẻ từ 18 - 34 tuổi mong muốn tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong suốt kỳ nghỉ xa xỉ. Nghiên cứu của Marriott International cho thấy, 8 trong 10 du khách Venture Travelist sẽ ưu tiên lựa chọn các điểm đến ít người biết đến nhưng giàu tiềm năng cho phép họ đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, với mục tiêu tìm kiếm các cơ hội kinh doanh béo bở, những nhà đầu tư trẻ sẽ ưu tiên phám khá các thành phố thứ cấp (secondary city) và gặp gỡ các đối tác làm ăn triển vọng để thỏa thuận và ký kết các hợp đồng đầu tư giá trị. Do đó, họ có nhu cầu tìm kiếm một không gian riêng tư, sang trọng trong các nhà hàng đẳng cấp để cùng đối tác thưởng thức các bữa ăn chất lượng, tổ chức cuộc hội họp và “chốt deal”.
Mặt khác, trong báo cáo mới nhất từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda (Agoda), du lịch vẫn là sở thích của nhiều gia đình Việt; chuyến đi cùng gia đình, bạn bè là điều quan trọng nên khách hàng sẵn sàng chi tiêu để tận hưởng những trải nghiệm ý nghĩa này. Cụ thể, có 90% du khách Việt đã kế hoạch ngân sách du lịch năm 2025 ở mức tương đương hoặc nhiều hơn so với năm 2024. Dữ liệu Agoda còn chỉ ra rằng, có 86% dự định duy trì hoặc tăng số lượng chuyến đi so với năm 2024; chỉ 14% cho biết sẽ giảm số lần đi du lịch trong năm tới.
Đáng chú ý, có 94% người tham gia khảo sát nhận định 2025 sẽ là "năm mới, điểm đến mới" cả trong nước và quốc tế, thay vì quay lại những điểm đến quen thuộc. Tương tự, báo cáo nghiên cứu từ Cimigo (đơn vị cung cấp các báo cáo nghiên cứu thị trường về các lĩnh vực thị trường và phân khúc người tiêu dùng tại Việt Nam), cho thấy 64% sẵn sàng chi trả tổng chi phí lưu trú một đêm dưới 6.347.000 (khoảng 250 USD). Đặc biệt, khách sạn là loại hình lưu trú yêu thích nhất của nhóm du khách này, chiếm 88%; theo sau là các khu nghỉ dưỡng hạng sang hoặc khách sạn boutique (42%).
Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa lựa chọn lưu trú sang trọng và tối ưu chi phí cho thấy, người Việt ưu tiên tìm kiếm những ưu đãi hấp dẫn, đáng giá. Điều này cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của những nền tảng du lịch trong việc cung cấp các dịch vụ giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng.
Ông Vũ Ngọc Lâm, giám đốc quốc gia Agoda Việt Nam, cho rằng mặc dù nguồn tài chính thắt chặt hơn, du khách Việt vẫn ưu tiên những trải nghiệm mang giá trị tinh thần bên gia đình và bạn bè cao hơn so với vấn đề chi tiêu. Ngoài ra, du khách Việt cũng đã cho thấy sự gia tăng trong xu hướng lựa chọn loại hình du lịch khám phá và mang lại giá trị đáng kể.
Nhận định về xu hướng du lịch của người Việt, bà Cao Thị Tuyết Lan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cũng cho rằng hiện nay, nhiều gia đình mong muốn đi du lịch cùng nhau mỗi năm, còn đi đâu thì tùy ngân sách. Sự linh hoạt này cho thấy nhu cầu đi du lịch với các gia đình Việt hiện nay là bức thiết và là khoản chi "cố định" trong kế hoạch chi tiêu hàng năm.
Mới nhất, tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) đánh giá đã có khoảng 1,1 tỷ lượt người đã đi du lịch quốc tế trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ phục hồi ngành du lịch toàn cầu đạt 98% so với năm 2019 cùng mức chi tiêu dành cho du lịch cũng tăng nhanh hơn lượng khách. Trong đó, 35 trong số 43 quốc gia công bố doanh thu ba quý đầu năm đã vượt năm 2019. Nhiều quốc gia thậm chí có mức độ tăng trưởng vượt hai chữ số, sau khi đã trừ đi tác động lạm phát.
Năm 2024 cũng chứng kiến doanh thu lớn từ du lịch quốc tế nhờ chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi cao hơn (không bao gồm tác động của lạm phát), một phần nhờ thời gian lưu trú dài hơn. Những quốc gia có doanh thu du lịch tăng ấn tượng gồm Serbia (tăng 99% so với 2019), Pakistan (tăng 64%), Romania (tăng 61%), Nhật Bản (59%), Bồ Đào Nha (51%)... Mỹ, quốc gia có nguồn thu du lịch lớn nhất thế giới, báo cáo mức tăng trưởng 7% tính đến hết tháng 9. Ấn Độ là một trong những thị trường gia tăng chi tiêu khi du lịch quốc tế mạnh mẽ nhất năm nay, với mức tăng trưởng 81% so với năm 2019.
Tổng thư ký UN Tourism Zurab Pololikashvili cho biết doanh thu du lịch tăng trưởng mạnh mẽ là "tin tức tuyệt vời cho các nền kinh tế thế giới". Chi tiêu của khách tăng mạnh hơn lượng khách đến tác động tích cực trực tiếp đến hàng triệu việc làm và doanh nghiệp cũng như doanh thu thuế của tại nhiều quốc gia.
Về lượng khách, 60 trong 111 điểm đến đã vượt số lượng khách đến năm 2019 khi kết thúc quý 3. Khu vực Trung Đông tiếp tục đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong ba quý đầu năm với mức tăng 29% so với 2019, trong khi châu Âu tăng 1% và châu Phi là 6%. Châu Mỹ đã phục hồi 97% lượng khách so với trước dịch, châu Á - Thái Bình Dương đạt mức 85%.