17:12 13/04/2015

Con nghe lời ai?

PV

Con nghe lời ai? - Ảnh 1
Ý tưởng thực hiện cuộc khảo sát này của tạp chí Mes Parents được bắt nguồn từ những email gửi Ban biên tập phàn nàn rằng, sự quyết định của họ gần như không có ý nghĩa đối với các con. Mặc dù chúng yêu quý bố mẹ như nhau nhưng mỗi khi muốn làm một việc gì đó cần xin phép người lớn thì, hoặc là chúng chỉ nghe theo sự quyết định của bố hoặc là chỉ làm khi được sự cho phép của mẹ. Bị mất quyền lực đối với con và cảm thấy như người “thừa” trong gia đình, nhiều phụ huynh đã thật lòng tâm sự và xin được tư vấn.  Chuyện không chỉ ở Pháp “Mới ngày hôm qua thôi, cô con gái  Minh Nga 5 tuổi của tôi muốn ăn kẹo ngọt khi vừa đi học về. Tôi đã đồng ý cùng với lời đề nghị phải xúc miệng sau khi ăn xong. Chạy vào tủ lạnh định lấy kẹo, nhưng rồi Minh Nga vẫn nhấc điện thoại hỏi ý kiến của mẹ. Tự nhiên tôi cảm thấy ngại đến đỏ mặt vì có thể vợ tôi nghĩ rằng, tôi ở nhà mà không thể quyết định được một việc cỏn con như vậy hay sao!!!”, anh Thành Nam (37 tuổi, Thành Công, Hà Nội) kể. Theo các chuyên gia, đây là vấn đề thường gặp ở trẻ từ 3 đến 13 tuổi, không chỉ ở riêng quốc gia nào mà trên toàn thế giới. Việc con trẻ chỉ nghe theo lời bố hoặc mẹ không chỉ ảnh hưởng đến công việc riêng của mỗi người và công việc chung của cả nhà mà đôi khi còn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ có sự thiên lệch về sự tuân thủ theo quyết định của bố hoặc mẹ. Có thể do trẻ quan sát thấy, bố (hoặc mẹ) là người quyết định mọi việc trong cuộc sống hàng ngày, từ việc nhỏ đến việc lớn (mẹ luôn làm theo ý muốn của bố hoặc ngược lại).  Mặt khác, cũng có thể là do trẻ dựa vào tình cảm riêng của mình đối với bố mẹ (trẻ yêu mẹ nhiều hơn bố hoặc ngược lại). Có thể trẻ cảm nhận được bố là người hiểu ý muốn của mình hơn mẹ hoặc ngược lại. Có thể trẻ thấy được mẹ là người luôn sẵn sàng chiều theo mọi sở thích của mình hơn bố. Hay đơn giản là hàng ngày trẻ thường xuyên được gần gũi với mẹ nhiều hơn bố hoặc ngược lại… Bố một bên và mẹ một bên Một lần, hai lần, ba lần…. rồi đến lần thứ 6 chị Thanh Hương (Mỹ Đình II, Hà Nội) mới giật mình nhận ra cô con gái lớn 10 tuổi của vợ chồng chị chỉ vâng theo lời bố. Bất kể từ những việc lớn như mua xe đạp, chọn Trung tâm ngoại ngữ học tiếng Anh… đến những việc nhỏ như chọn quần áo nào đi học hay đi đôi giày màu gì để đi ăn tối ở nhà hàng cùng với bố mẹ… Mỗi khi muốn làm việc gì cần xin phép người lớn cháu chỉ hỏi ý kiến và nghe theo sự chỉ đạo của bố. “Nếu chồng tôi không có ở nhà, bé sẽ gọi điện để hỏi ý kiến bố,” chị Hương nói. “Còn nếu là đồ vật vợ chồng tôi mua về cho bé, cái gì do bố mua thì được bé coi là đồ... xịn, còn cái gì do mẹ mua bé chẳng mấy mặn mà…” Nhiều lần, chồng chị Hương cảm thấy không hài lòng với hai mẹ con khi đang trong cuộc họp hay đang bận đàm phán với đối tác cũng nhận được điện thoại của con gái chỉ vì một việc rất “vớ vẩn” .  Trong khi đó, anh Phạm Kỳ (Trung Kính, Hà Nội) tâm sự: “Lúc nào hai con gái tôi cũng cảm thấy “không yên tâm” với sự cho phép của bố. Cháu như sợ bị mắng nếu như chưa được tận tai nghe thấy lời đồng ý của mẹ. Nhiều lần kiểm tra bài tập về nhà của cô con gái lớn, nếu cháu làm đúng hết thì không sao chứ nếu có một lỗi sai nào đó mà tôi nhắc nhở và yêu cầu sửa lại thì cháu vẫn không nghe: “Con không tin bố, con sẽ hỏi lại mẹ!” Hoặc ví dụ bé muốn xem tivi khi học bài xong , mặc dù tôi nói đồng ý nhưng chúng vẫn nhất quyết: “Con phải chờ mẹ tắm xong để hỏi mẹ cơ!” Nhiều lúc tôi thấy chán vì mình cứ như thể… người hàng xóm sang chơi”.  Lời khuyên của các chuyên gia giáo dục  Để con tôn trọng sự cho phép của cả bố và mẹ thì bạn hoặc chồng bạn không nên thường xuyên đơn phương ra quyết định. Khoảng 2 tuổi là con bạn đã bắt đầu biết đòi cho đi chơi công viên, đòi ăn kẹo hay mua đồ chơi. Ngay từ nhỏ, bạn nên dần tập cho bé thói quen suy nghĩ “luôn có sự quyết định của cả bố và mẹ trong mỗi việc làm và ý kiến của cả mẹ và bố đều có tầm quan trọng như nhau”. Chẳng hạn như bé muốn được đi chơi công viên vào cuối tuần, bạn chưa nên đưa ra quyết định là ‘Có” hay “Không” ngay mà nên nói với bé “Để mẹ hỏi xem bố có bận việc gì không đã nhé”. Hoặc khi bé vào siêu thị shopping cùng bố mẹ, bé thích được sở hữu một chiếc xe ô tô đồ chơi. Bạn không nên đồng ý mua cho bé luôn mà nói với bé: “Mẹ thấy chiếc xe này đẹp đấy nhưng con thử hỏi bố xem sao”…   Hai vợ chồng bạn cũng không nên “Ông đánh xuôi, bà thổi ngược” trước mặt con, bố mẹ nên thống nhất ý kiến với nhau để trẻ tôn trọng cả bố và mẹ. Ví dụ: Trước một việc làm cần có sự quyết định trong giây lát của bố mẹ như đang trong bữa tối, bé muốn ngừng ăn và về phòng riêng. Nếu mẹ đã đưa ra quyết định là “Đồng ý” rồi thì bố cũng nên chấp thuận theo. Đối với lời xin phép quan trọng hơn của con như đi chơi cuối tuần cùng bạn học… bố mẹ nên bàn với nhau trước khi đưa ra quyết định.   Bí quyết để nói KHÔNG với con Nói “không” với trẻ chẳng bao giờ là việc dễ dàng, các bậc phụ huynh vẫn thường hay đau đầu để trẻ nghe lời mà không biến thành “người đáng ghét” trong mắt con. Khi từ chối trẻ, hãy luôn ghi nhớ rằng lời giải thích là vô cùng cần thiết, và câu trả lời của bạn phải nhất quán với hành vi.  Phần lớn thời gian của phụ huynh dành cho việc làm trẻ vui, đôi khi vì muốn con cười mà chúng ta nhượng bộ trong cả vấn đề kỷ luật. Tuy nhiên, nếu như muốn nuôi dạy con thành một người ý thức được việc “được phép” hay “không được phép” cũng như muốn con ngoan hơn thì chúng ta phải bắt đầu từ rất sớm với việc kiên định với con cái, dù cho bất kỳ thái độ nào mà trẻ biểu lộ. Với trẻ nhỏ, hãy chắc rằng trẻ hiểu được lời giải thích của bạn. Thường thì trẻ nhỏ chưa phát triển kỹ năng suy nghĩ có logic, vì thế bạn phải giải thích thật kỹ càng để trẻ nghe lời. Nếu trẻ có thể khiến bạn thay đổi sau vài phút hay vài giờ, trẻ đã biết là trẻ “nắn gân” được bạn. Trẻ sẽ không bao giờ từ bỏ một khi trẻ biết rằng hành động của trẻ sẽ khiến người lớn mủi lòng, hoặc trẻ sẽ không nghe lời bạn nữa vì biết rằng “nịnh” bố dễ hơn nhiều. Sẽ có lúc một trong hai phụ huynh giơ hai tay xin hàng trước những trò năn nỉ ỉ ôi của trẻ, điều này rất nguy hiểm vì trẻ nhận thức được rằng giữa bố hoặc mẹ sẽ có người “nghe lời” mình hơn. Nếu trẻ thấy phụ huynh đầu hàng một lần, rất có thể sẽ đầu hàng lần nữa, với niềm tin đó trẻ sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Nhất quán và kiên định là chìa khóa giải quyết mọi chuyện, khi phụ huynh kiên định với lời nói và hành động, trẻ sẽ học được kỷ luật.

Tuệ Mỹ