CPI tháng 8/2022 của TP.HCM lần đầu tiên giảm
Tháng 8/2022 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP.HCM giảm với mức giảm 0,31% mặc dù tăng so với cùng kỳ và với tháng 12 năm ngoái…
Cục Thống kê TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022. Trong đó nhấn mạnh, hoạt động sản xuất công nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng và thu hút lực lao động quay trở lại làm việc trong khi hoạt động thương mại, dịch vụ đang diễn ra sôi động.
CPI GIẢM DO GIÁ NHIÊN LIỆU GIẢM
CPI tháng 8 là tháng đầu tiên giảm kể từ đầu năm, với mức giảm 0,31%, được giải thích là dưới tác động chính của nhóm hàng giao thông giảm 5,72%, chủ yếu do nhóm nhiên liệu giảm 12,66% sau các lần điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ điều chỉnh chỉ số giá tiêu dùng, có 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm gồm nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm (-0,21%), nhóm giao thông giảm (-5,72%) và nhóm giáo dục (0,04%). Có 8/11 nhóm hàng tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm lương thực thực phẩm và dịch vụ ăn uống, tăng 0,73% kế đến là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,58%.
Đáng chú ý, diễn biến CPI một số nhóm hàng tháng 8 so với tháng 7/2022 như sau:
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,73%. Cụ thể, nhóm lương thực tăng 0,65% với giá gạo tăng 0,92%. Nhóm thực phẩm tăng 0,81%; trong đó, thịt gia súc tăng 2,41%; trứng các loại tăng 0,47%; thịt gia cầm tăng 0,09%; giá dầu mỡ ăn tăng 1,75%; thủy sản chế biến tăng 0,83%; nước chấm tăng 1,21%. Dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,62%, thấp hơn mức 1,25% của tháng trước.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18%. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng giảm 0,21%; trong đó nhóm điện sinh hoạt giảm 0,79%; gas và chất đốt giảm 4,35%. Nhóm giao thông giảm 5,72%, chủ yếu là do nhóm nhiên liệu giảm 12,66% sau 3 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng.
Mặc dù CPI tháng 8 giảm 0,31% nhưng tăng 1,95% so với cùng kỳ; trong đó chỉ có nhóm giáo dục giảm 2,84% và có 10/11 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng là 9,57% do tác động giá xăng, dầu tăng cao.
Đồng thời, CPI tháng 8 tăng 3,35% so với tháng 12 năm 2021. Tính bình quân 8 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,10% so với cùng kỳ.
Hai mặt hàng được quan tâm nhiều nhất, chịu tác động mạnh nhất của biến động thị trường là vàng và đô la Mỹ. Theo đó, chỉ số giá vàng tháng 8/2022 giảm 1,56% so với tháng trước, tăng 18,49% so tháng 12/2021 và tăng 17,03% so với cùng kỳ. Tính bình quân 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá vàng tăng 18,48% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, chỉ số giá USD tháng 8/2022 tăng 0,30% so với tháng 7/2022, tăng 0,25% so với tháng 12/2021 và tăng 0,21% so cùng kỳ. Tính bình quân 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá USD giảm 0,13% so cùng kỳ.
ĐẨY NHANH GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG
Đáng chú ý, cùng với việc kiểm soát lạm phát, thành phố đã và đang tăng cường các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt tại các dự án và công trình trọng điểm.
Với trọng tâm đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm 2022, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã yêu cầu các sở, ban ngành liên quan tìm hiểu nguyên nhân cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong tiến độ giải ngân dự án đầu tư công.
Tính trong tháng 8/2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện đạt 3.350 tỷ đồng, tăng 9,0% so với tháng 7 và tăng xấp xỉ 6 lần so cùng kỳ 2021.
Tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 17.318,9 tỷ đồng, đạt 54,2% so với kế hoạch vốn năm (đạt 48,4% so với kế hoạch vốn được Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai và kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương kéo dài) và tăng 30,6% so cùng kỳ.
Lý giải về vốn đầu tư xây dựng cơ bản 8 tháng đầu năm 2022 của TP.HCM tăng cao so cùng kỳ năm ngoái, ông Trần Phước Tường, Phó cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho rằng chủ yếu do các tháng trong quý III-2021, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội hoàn toàn do đại dịch Covid-19, tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh tạm dừng hoặc thu hẹp, hoạt động các dự án đầu tư gần như đình trệ.
Các dự án, công trình trọng điểm thực hiện vốn đầu tư công bao gồm: Dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, dự án các tuyến buýt kết nối với metro số 1, dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Cụ thể, ở dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, vừa qua chính quyền TP.HCM đã kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành thi công dự án vào cuối quý IV-2023; đồng thời bố trí đủ vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên: Mức đầu tư hơn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của Thành phố, thực hiện giai đoạn 2022 - 2024. Dự án do Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM thực hiện. Theo đó, các tuyến buýt này kết nối 11 nhà ga metro trên cao của tuyến gồm các ga: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, SHTP, ĐHQG TP.HCM và bến xe Suối Tiên.
Dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, hiện Thành phố kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành thi công đưa vào khai thác năm 2030 và hai năm cho công tác bảo hành.
Đối với dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, vừa qua ngày 15/8/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM. Cụ thể cho phép Ủy ban nhân dân TP.HCM cập nhật chi phí lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án vào tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1 xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM, bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc.
TP.HCM tăng cường các đợt cao điểm tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 12 tuổi và triển khai tiêm nhắc lại cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm giảm tỷ lệ nhập viện, giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong; đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Đây là tiền đề vững chắc để kinh tế TP.HCM tăng tốc.