12:51 17/08/2022

Trao quyền cho các địa phương, Chính phủ quyết khởi công dự án Vành đai 3 TP.HCM vào tháng 6/2023

Ánh Tuyết

Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công hơn 75.000 tỷ đồng đi qua 4 tỉnh thành phía Nam. Để thúc đẩy dự án, Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết để trao quyền cho các địa phương, rút ngắn thủ tục để sớm khởi công cuối tháng 6/2023...

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM là 75.378 tỷ đồng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM là 75.378 tỷ đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP, triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

CHIA NHỎ 8 DỰ ÁN THÀNH PHẦN, TRAO QUYỀN CHO CHỦ TỊCH TỈNH

Theo Nghị quyết số 57/2022/QH15, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM được chia thành 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM.

Trong đó, có 4 dự án thành phần bồi thường hỗ trợ tái định cư. Mỗi dự án là một dự án thu hồi đất trên địa bàn của 1 tỉnh mà không phải là dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai năm 2013.

 

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM được chia thành 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM.

Nghị quyết số 105/NQ-CP nêu rõ Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo các dự án thành phần.

Chi tiết 8 dự án thành phần. Nguồn: Nghị quyết số 105/NQ-CP.
Chi tiết 8 dự án thành phần. Nguồn: Nghị quyết số 105/NQ-CP.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết số 57/2022/QH15 được Quốc hội thông qua.

Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

BÁM SÁT CÁC MỐC TIẾN ĐỘ

Nghị quyết cũng nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai. Theo đó, lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thành phần bắt đầu từ 5/8/2022, hoàn thành 15/11/2022.

Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cho từng dự án thành phần, bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/11/2022.

Nguồn: Nghị quyết số 105/NQ-CP.
Nguồn: Nghị quyết số 105/NQ-CP.

Bàn giao hồ sơ và cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/9/2022.

Địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bắt đầu từ 1/10/2022, hoàn thành 30/3/2024...

Các công đoạn chuẩn bị đầu tư được ráo riết hoàn tất để dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM chính thức được tổ chức thi công bắt đầu từ 30/6/2023, hoàn thành 30/6/2026 trong khoảng 3 năm.

ĐỒNG LOẠT TRIỂN KHAI CÁC THỦ TỤC, RÚT NGẮN THỜI GIAN

Chính phủ cho phép UBND 4 tỉnh, thành phố triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Theo đó, các tỉnh, thành tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần theo từng giai đoạn, tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến, để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng trên sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt.

 

"Khẩn trương tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện các công việc khác có liên quan tới công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư", Chính phủ yêu cầu.

Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng được phê duyệt, các địa phương xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai thực hiện việc giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).

Cùng với đó, các địa phương xác định vị trí diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu của các dự án thành phần; thực hiện các công việc liên quan như đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (nếu có) bảo đảm tiến độ thi công.

Chính phủ cũng cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc như: thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; điều chỉnh cục bộ các quy hoạch có liên quan đến dự án; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu...

DỒN SỨC GỠ KHÓ MỎ VẬT LIỆU

Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án được áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ và các cơ chế dưới đây.

Theo đó, thứ nhất, đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác, trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 57/2022/QH15, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh, thành phố nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1, Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; trình tự thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP và theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau khi khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho dự án nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan.

Thứ hai, với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án (không tăng trữ lượng cấp phép), mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường sau khi tổ chức, cá nhân khai thác ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà thầu thi công dự án.

Nội dung giấy phép khai thác (điều chỉnh) phải xác định đơn vị sử dụng khoáng sản là nhà thầu thi công dự án. Sau khi khai thác cung cấp đủ khối lượng cho dự án dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản cấp.

Nghị quyết cũng giao một số nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành và địa phương.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hỗ trợ các địa phương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác quản lý dự án, các vấn đề kỹ thuật chuyên ngành như: khung tiêu chuẩn, quy chuẩn, giải pháp kỹ thuật, vật liệu và các vấn đề kỹ thuật phức tạp phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.

Cùng với đó, chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp các chủ đầu tư thực hiện dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành địa phương liên quan trình Thủ tướng điều chuyển nguồn vốn 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về các địa phương để thực hiện dự án trong tháng 8/2022.

Bên cạnh đó, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ 14.233,437 tỷ đồng cho dự án về các địa phương trong tháng 8/2022...

 

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km. Bao gồm đoạn qua TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81 km.

Đường Vành đai 3 có điểm đầu tại điểm giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, và điểm cuối tại nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư của dự án 75.378 tỷ đồng.