06:00 24/08/2022

TP.HCM kiến nghị bố trí vốn xây dựng 16 nút giao thông

Xuân Nghi

16 nút giao thông lớn đang cần được bố trí vốn để xây dựng, trong đó 6 nút đã được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương với tổng kinh phí gần 4.500 tỷ đồng, 10 nút còn lại chưa có chủ trương và cần kinh phí khoảng 5 tỷ đồng để thực hiện các bước chuẩn bị gồm lập, thẩm định, quyết định chủ trương…

Nút giao thông 3 tầng ngã tư An Sương hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 9/2020 đã giải quyết bài toán kẹt xe triền miên tại khu vực ngã tư cửa ngõ trọng yếu này.
Nút giao thông 3 tầng ngã tư An Sương hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 9/2020 đã giải quyết bài toán kẹt xe triền miên tại khu vực ngã tư cửa ngõ trọng yếu này.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM sớm bố trí vốn đầu tư 16 nút giao thông lớn thuộc danh mục ưu tiên đầu tư, giai đoạn 2022 - 2025.

Việc đầu tư xây dựng các nút giao thông này nhằm giải quyết bài toán giao thông nội đô, giải quyết tình trạng kẹt xe ở những khu vực có đông lưu lượng xe cộ, hạ tầng và mỹ quan đô thị. Các dự án xây dựng này sẽ thi công trong thời gian ba năm, từ nay đến năm 2025.

Đối với những nút giao thông (dự án) đã hoàn thành thủ tục, Sở Giao thông vận tải Thành phố đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát cũng như bổ sung vốn đầu tư để sớm tiến hành thi công. Đó là dự án nút giao thông ngã tư Đình giao giữa đường Nguyễn Văn Quá và quốc lộ 1 thuộc địa bàn quận 12. Dự án này đã được phê duyệt và hoàn thành các thủ tục về đầu tư với kinh phí xây dựng 480 tỷ đồng.

Kế đến là 5 nút giao thông đã được Hội đồng nhân dân TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư công với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, Sở Giao thông vận tải Thành phố kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở này chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện đề xuất chủ trương đầu tư công, điều chỉnh các dự án và thực hiện các thủ tục theo quy định.

Đó là các dự án: Nút giao Linh Xuân, Thủ Đức (giao quốc lộ 1 - quốc lộ 1K), nút giao Nguyễn Thị Định - Nguyễn Duy Trinh (Thủ Đức), nút giao ngã tư 4 xã, tại các tuyến đường Thoại Ngọc Hầu - hương lộ 2 - Lê Văn Quới (Q.Tân Phú và Bình Tân), nút giao ngã bảy Điện Biên Phủ - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Ngô Gia Tự (Q.3 và Q.10) và nút giao ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (Q.10).

Đối với 10 dự án nút giao thông còn lại, Sở Giao thông vận tải đề nghị Thành phố tái bố trí vốn, mỗi dự án khoảng 500 triệu đồng, tổng cộng 5 tỷ đồng để lập, thẩm định để được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đó là các dự án: Nút giao quốc lộ 1 - Vườn Lài, nút giao Bà Điểm (quốc lộ 1 - Phan Văn Hớn), nút ngã tư Phú Nhuận (Nguyễn Kiệm - Phan Đăng Lưu, Q. Gò Vấp), nút ngã tư Thủ Đức, nút Hòa Bình - Lạc Long Quân (Q.11), ngã tư Lý Thường Kiệt - Ba Tháng Hai (Q.10), nút Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (Q. Gò Vấp), nút Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi (Q. Tân Bình), nút Lạc Long Quân - Âu Cơ (Q.11), và nút ngã 5 Đài Liệt sĩ (Q. Bình Thạnh).

Biển người hỗn loạn vào giờ cao điểm ở ngã 5 Đài Liệt sĩ (phường 26, Q. Bình Thạnh)
Biển người hỗn loạn vào giờ cao điểm ở ngã 5 Đài Liệt sĩ (phường 26, Q. Bình Thạnh)

Theo đồ án quy hoạch, TP.HCM có 102 nút giao thông chính khác mức (nút giao thông tại đó các đường đi trên các độ cao khác nhau để tránh xung đột giữa các luồng giao thông – người viết chú thích); trong đó, 68 nút giao trên các tuyến vành đai, cao tốc, quốc lộ và 34 nút giao trên các tuyến nội đô. Các nút giao thông được đầu tư đến nay là 29 dự án, đạt tỷ lệ 28%; bao gồm 18/68 nút giao trên tuyến vành đai, cao tốc, quốc lộ, đạt tỷ lệ 27%, và 11/34 nút giao trên tuyến nội đô, đạt 23%.

Theo phân tích và nhận định của một số chuyên gia về giao thông, mật độ giao thông tại TP.HCM hiện đang dày đặc, lưu lượng các phương tiện giao thông càng lúc càng nhiều, nhất là vào các giờ cao điểm, chia sẻ gần như bao phủ không gian mặt đường khiến các bùng binh (nút giao thông tròn, chạy vòng) khiến gần như không đáp ứng được nhu cầu người đi lại, cũng như vấn đề an toàn giao thông. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các nút giao khác mức là một yêu cầu cấp bách.

Trước đó, giữa tháng 01/2022, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân TP.HCM kiến nghị xem xét chấp thuận không tiếp tục lập quy hoạch chi tiết đối với các nút giao thông, cụ thể là 137 nút trên toàn địa bàn Thành phố.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, trong đồ án quy hoạch phân khu và các đồ án quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP.HCM hiện nay, nhiều nút giao lớn (giữa các trục đường chính cấp đô thị, cấp khu vực) chỉ xác định vị trí nút giao, chưa định hướng dạng thức giao thông.

Một số nút thể hiện dưới dạng vòng tròn, không thể hiện đủ thông tin về dạng thức, phạm vi ranh giới nút giao nhằm phục vụ quản lý quy hoạch xây dựng tại khu vực và đầu tư xây dựng nút giao. Trong các đồ án quy hoạch phân khu hiện nay có khoảng 137 nút giao thông như vậy. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng nút giao”, đồng thời làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân có công trình và quyền sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch nút giao.

Sau đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Uỷ ban nhân dân các quận/huyện khẩn trương tổ chức rà soát, đề xuất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các nút giao thông trên địa bàn Thành phố. Trong đó, ưu tiên lập quy hoạch trước các nút giao trên các đường vành đai, trường trục hướng tâm, đường cấp đô thị… trình Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt, làm cơ sở để quản lý quy hoạch đô thị được đồng bộ, giải quyết các thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng và tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, trước ngày 30/5/2022.

 

Tháng 10/2020, Uỷ ban nhân dân TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cân đối vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho hai dự án: Xây dựng hạ tầng - cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, và xây dựng nút giao thông An Phú (quận 2, nay là TP. Thủ Đức).

Trong đó, dự án xây dựng nút giao thông An Phú, có điểm đầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, điểm cuối đường Mai Chí Thọ (hướng về đường hầm sông Sài Gòn), với tổng mức đầu tư dự kiến là 5.104 tỷ đồng. Đây là một “điểm đen” về giao thông của TP.HCM.