Singapore đã đầu tư gần 14 tỷ USD vào TP.HCM
Tính đến nay, Singapore đã có tổng vốn đầu tư gần 13,6 tỷ USD vào TP.HCM với hơn 1.557 dự án được triển khai...
Singapore hiện là quốc gia có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư, kinh doanh tại TP.HCM.
Đây là thông tin được bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), đưa ra tại chương trình “Giới thiệu môi trường đầu tư tại TP.HCM và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Singapore và doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra chiều 23/8/2022.
Theo bà Vân, Việt Nam và Singapore bắt đầu mối quan hệ ngoại giao từ năm 1973, từ đó, quan hệ song phương giữa hai quốc gia phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, nhất là từ sau khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013.
Singapore hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 và là nước đầu tư lớn thứ 2 (sau Hàn Quốc) trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 67 tỷ USD.
Riêng tại TP.HCM, Singapore là quốc gia có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư, kinh doanh tại thành phố, với hơn 1.557 dự án được triển khai, tổng mức đầu tư gần 13,6 tỷ USD.
Các doanh nghiệp Singapore hoạt động, đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin; Tài chính, ngân hàng; Dịch vụ vận tải; Dầu khí; Xây dựng cơ sở hạ tầng; Dịch vụ bán lẻ và dịch vụ hỗ trợ tiện ích; Y tế; Giáo dục; Nhà hàng, khách sạn… đến để tìm hiểu về môi trường đầu tư tại TP.HCM và giao lưu, kết nối đầu tư, thương mại với các doanh nghiệp của thành phố.
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng Phòng Xúc tiến đầu tư ITPC, giới thiệu đến doanh nghiệp Singapore về môi trường đầu tư tại TP.HCM. Trong đó, thành phố tiếp tục mời gọi đầu tư 197 dự án thuộc 10 lĩnh vực cụ thể như: Hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, xử lý môi trường, chống ngập, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch…
Ngoài ra, TP.HCM ưu tiên thu hút các nhà đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; các nhà đầu tư về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng; ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ngành công nghệ thông tin; ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Một trong những thuận lợi lớn nhất của TP.HCM là nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng cao, hiện tại với hơn 4,6 triệu lao động trẻ và đầy nhiệt huyết, đây là nguồn nhân lực đủ lớn để hỗ trợ thành phố trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ của Việt Nam.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm 2022, Singapore vẫn là nhà đầu tư hàng đầu với 70 dự án mới, tổng số vốn đầu tư lên tới 116 triệu USD. Singapore cũng có số dự án điều chỉnh vốn đăng ký cao nhất tại TP.HCM, đạt 1,14 tỷ USD, chiếm 80,8% vốn đăng ký điều chỉnh.
Các thương nhân Singapore có 371 văn phòng đại diện đặt tại TP.HCM, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số gần 1.900 văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Lũy kế từ năm 1988 đến nay, TP.HCM có hơn 10.832 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới, tăng vốn là 55,41 tỷ USD.